30 năm trước, Bến Cát vẫn còn là một vùng đất thuần nông, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp với những bộn bề khó khăn sau chiến tranh, đặt ra thách thức rất lớn đối với chính quyền, người dân và doanh nghiệp của huyện. Tổng công ty Becamex thời kỳ này là Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Bến Cát, đang đối diện với những khó khăn bộn bề của nền kinh tế hậu bao cấp, thiếu hụt về chiến lược, hướng đi, nhân lực và vật lực như hàng ngàn công ty thương nghiệp cấp 3 khác trên trên cả nước.
Sự ủng hộ mạnh mẽ và quyết tâm chính trị to lớn của nhiều thế hệ lãnh đạo huyện Bến Cát và tỉnh Bình Dương, sự ủng hộ tuyệt đối của người dân, cùng ý chí sắt đá và khát vọng cống hiến cho quê hương, Becamex đã miệt mài tìm lối đi và đã trở thành một công cụ hữu ích cho Bình Dương, thu hút đầu tư, thu hút nguồn lực, và thông qua chính Becamex để tái đầu tư nguồn lực đó vào hạ tầng phát triển trên quy mô toàn tỉnh trong đó có Bến Cát.
 |
Một góc TP Bến Cát, Bình Dương hôm nay. |
Với sự năng động và sáng tạo của các cấp lãnh đạo thời kỳ này, Becamex đã được tạo điều kiện đóng góp thông qua việc đầu tư, nâng cấp và mở rộng tuyến đường độc đạo Quốc lộ 13, mở rộng cánh cửa kết nối Bến Cát với TP Hồ Chí Minh nói riêng và Vùng Đông Nam Bộ nói chung, tạo dựng lên một thế và lực mới cho Bến Cát, khởi đầu cho một hành trình thu hút nguồn lực mạnh mẽ sau này. Hay như việc được tham gia đầu tư xây mới hoàn toàn tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn và hiện nay đã kéo dài tới huyện Bàu Bàng, tạo ra một huyết mạch công nghiệp chạy thẳng từ Bến Cát về phía cảng biển và sân bay quốc tế phía Đông được ví như một sợi chỉ đỏ kết nối các khu công nghiệp nội tỉnh, tạo ra một hành lang logistics công nghiệp, mà Bến Cát trở thành một cực trung tâm.
Theo ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Becamex IDC, hai tuyến đường huyết mạch nêu trên mở toang cánh cửa, kết nối Bến Cát với vùng, quốc gia và thế giới, kết hợp với hàng trăm tuyến đường nội khu, liên khu thông qua quá trình phát triển công nghiệp tại Bến Cát như Khu công nghiệp Thới Hòa, Khu công nghiệp Mỹ Phước, 1, 2, 3…, các khu tái định cư, khu đô thị mới đã thay đổi hoàn toàn bộ bộ mặt đô thị của Bến Cát. Qua đó, góp phần chuyển đổi Bến Cát từ một đô thị nông nghiệp trở thành đô thị công nghiệp sầm uất, thu hút hàng trăm ngàn lao động từ nơi khác đến, hàng ngàn nhà đầu tư cùng hàng chục ngàn chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Với hạ tầng giao thông kết nối vùng, Bến Cát đã trở thành địa phương đầu tiên có tuyến đường Vành đai 4 đi qua, có thể chủ động hoàn thành 90% phân đoạn chạy qua địa phận của thành phố bằng sự sáng tạo trong thu hút nguồn lực, kết hợp với tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành sẽ sớm được Bình Dương khởi công cũng chạy qua địa phận Bến Cát. Từ đó, sẽ đưa Bến Cát nằm ở vị trí trung tâm của hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng, tạo dựng lên thế và lực không nhỏ cho Bến Cát hiện tại và tương lai, làm đòn bẩy để Bến Cát trở thành một cực phát triển lớn của Bình Dương nói riêng và xa hơn là của vùng Đông Nam Bộ.
Khi giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng hoàn chỉnh, giúp Bến Cát tái định hình và phát triển trở thành thành phố của giáo dục đào tạo chất lượng, dịch vụ công nghiệp, hậu cần, tương lai trở thành một cực đô thị phát triển của Bình Dương bên cạnh TP Thủ Dầu Một - Thành phố mới Bình Dương.
 |
Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn góp phần thay đổi TP Bến Cát có dấu ấn đặc biệt của Becamex. |
Bước vào kỷ nguyên kinh tế số, các yếu tố địa chính trị và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những yêu cầu về chuỗi cung ứng và hàm lượng công nghệ trong sản xuất ngày càng cao. Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp – đô thị - dịch vụ, đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh sinh thái, bền vững, tiến tới xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ để thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao. Từ đó, xây dựng mới và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp xanh, thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, Big Data, AI… và tiến tới phát triển các Khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ để thu hút các viện trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số. Các khu công nghiệp ở TP Bến Cát và huyện Bàu Bàng sẽ là những nơi đầu tiên được triển khai những định hướng mới này.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Becamex IDC nhấn mạnh rằng: Hành trình từ một công ty thương nghiệp cấp 3 trở thành một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán với vốn hóa gần 4 tỷ USD với hàng chục công ty con, công ty liên kết như ngày hôm nay, Becamex luôn giữ hai từ Beca – Bến Cát trong tâm khảm, như một điểm tựa bắt đầu. Hôm nay, Becamex và các công ty thành viên đã mở rộng đầu tư và nhân rộng mô hình ra gần 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, góp phần kiến tạo sự thịnh vượng cho những địa phương mà hệ sinh thái Becamex hiện diện. Becamex hy vọng những kết quả này đã phần nào đáp lại sự tin yêu của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Bến Cát về một thương hiệu của TP Bến Cát, đó là Becamex.
LONG GIANG