Những cuộc hành quân “không có trong điều lệnh tác chiến” nước ngoài
Trong vụ sạt lở đất khiến nhiều người bị chết và mất tích tại xã Trà Leng và xã Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cuối tháng 10-2020, có lẽ chưa bao giờ những chỉ đạo ứng cứu lại sát sao, kịp thời đến vậy. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo Quân khu 5 và Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam ngay từ buổi tối đến tận đêm khuya để tìm phương án. Và từ 12 giờ đêm đến rạng sáng 29-10, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam và các huyện, Sư đoàn Bộ binh 315, Lữ đoàn Công binh 270, Lữ đoàn Thông tin 575 cùng các phương tiện, khí tài chuyên dụng như xe múc, xe lật, xe thông tin Vsat, xe cứu thương... tức tốc lên đường.
 |
Lực lượng quân y Quân khu 5 kịp thời sơ cứu một cháu bé bị gãy chân trong vụ sạt lở. Ảnh: Việt Hùng. |
 |
Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Quân khu 5 tìm kiếm nạn nhân tại Trà Leng. Ảnh: Văn Chung. |
Tuyến đường từ TP Tam Kỳ (Quảng Nam) lên huyện Nam Trà My bị sạt lở nghiêm trọng, cây cối gãy đổ ngổn ngang tưởng như không thể đến Trà Leng và có đến cũng khó cứu được người. Thế nhưng, người lính vẫn hối hả thông đường nhanh nhất có thể. Song chính nhờ sự nỗ lực hết mình ấy, đầu giờ chiều hôm sau, lực lượng cứu hộ đã đến được Trà Leng. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, 33 người dân gặp nạn còn sống sót nằm trong các đống đổ nát hay ở bìa rừng, sườn núi đã được cứu sống, đưa về nơi an toàn hay đưa đi bệnh viện cấp cứu.
 |
Các lực lượng nỗ lực dọn dẹp cây cối thông tuyến lên Trà My. |
Ở một hướng khác, do ảnh hưởng của mưa bão, hàng nghìn người dân các xã Phước Lộc, Phước Thành thuộc huyện Phước Sơn (Quảng Nam) bị cô lập hoàn toàn do sạt lở. Lại là những người lính với chân trần, chí thép, xuyên rừng, băng đèo, lội suối, vượt qua hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm. Đội tìm kiếm cứu nạn gồm 60 cán bộ, chiến sĩ đã tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở trong bão số 9 tại xã Phước Lộc. Mặc gió rét và mưa tuôn, cán bộ, chiến sĩ thức trắng đêm đốt đuốc lật từng tảng đá, từng khối bê tông, thanh gỗ để tìm kiếm nạn nhân mất tích do lở đất...
 |
Gùi, cõng hàng cứu trợ nhân dân xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Ảnh Huỳnh Chín. |
 |
Gùi, cõng hàng cứu trợ qua những đoạn đường khó khăn. Ảnh: Huỳnh Chín. |
Cũng do mưa to, gió lớn, đường sạt lở nghiêm trọng, vấn đề tiếp tế lương thực, thực phẩm ở đây gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy hầu như toàn bộ nhân dân đều thiếu đói, cần viện trợ khẩn cấp. Trước tình hình đó, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, vượt qua đồi dốc, suối sâu, cầu treo mỏng manh để “cõng” lương thực xuyên rừng tiếp tế cho đồng bào. Bộ Quốc phòng cũng đã điều máy bay trực thăng xuyên màn mây dày đặc, gió rít liên hồi, nỗ lực chở lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men và các nhu yếu phẩm kịp thời cứu trợ cho hàng ngàn người dân bị cô lập đủ dùng trong 30 ngày để chờ thông đường vào...
Nhìn rộng hơn là vai trò của Quân đội trong các sự cố thiên tai khác.
Cam Ranh. Những ngày cuối tháng 10-2020.
Cơn bão số 9, cơn bão lớn nhất trong lịch sử 20 năm trở lại đây sắp đổ bộ và càn quét dọc dải đất ven biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên thì một sự việc xảy ra. Dù bộ đội đã giúp đỡ, sơ tán, đưa hàng vạn tàu thuyền vào nơi an toàn nhưng vẫn có tới hai tàu cá của ngư dân Bình Định về muộn, phát tín hiệu cấp cứu ngoài khơi khi cơn bão ngày một đến gần. Một tàu cá khác gần đó đi tìm cứu cũng chết máy, kẹt ngoài khơi đang ầm ầm giông tố.
 |
Tàu 952, Lữ đoàn 161 Vùng 3 Hải quân tham gia tìm kiếm thuyền viên mất tích. Ảnh: Vũ Hưởng. |
Sáng hôm ấy, nhận mệnh lệnh từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân và chỉ huy vùng 4, hai, rồi ba con tàu đã nhằm thẳng, xuyên qua tâm bão đi tìm cứu nhân dân. Những chiếc thủy phi cơ cũng được lệnh sẵn sàng cất cánh ngay khi có thể. Những con tàu đi xuyên bão biển giật trên cấp 15 là điều chưa từng có trong tiền lệ hành quân. Có chuyên gia đã so sánh với điều lệ tác chiến của quân đội Mỹ, khi biển sóng gió như vậy, mọi tàu thuyền đều phải tìm chỗ tránh trú.
Thế nhưng, với người lính Bộ đội Cụ Hồ khi ấy, cứu dân thực sự là mệnh lệnh trái tim. Bằng sự dũng cảm, khôn khéo, những con tàu đã vượt bão biển an toàn, đến vùng biển nơi có tàu gặp nạn sớm nhất có thể. Nhờ đó, đã cứu, lai dắt được tàu cá đã chết máy cùng các ngư dân đang tuyệt vọng ngoài khơi. Một điều kỳ diệu nữa là 3 trong số nhiều ngư dân của tàu cá khác bị bão biển vùi dập vỡ tàu được tàu nước ngoài cứu cũng nhanh chóng được tàu cứu hộ tiếp nhận, đưa về đất liền.
 |
Dây kéo đươc thả xuống từ trực thăng để kéo các thuyền viên bị mắc kẹt lên. Ảnh: Binh đoàn 18 |
 |
Tổ bay thực hiện giải cứu các thuyền viên mắc kẹt trên tàu Vietship 01. Ảnh: Binh đoàn 18 |
 |
Trực thăng của Binh đoàn 18 thực hiện bay treo, đưa thuyền viên vào bờ. Ảnh: Vũ Hưởng. |
Vụ các thuyền viên trên tàu Vietship 01 bị nạn tại khu vực cảng Cửa Việt (Quảng Trị) cũng tương tự. Trong điều kiện sóng to, gió lớn, nguy hiểm, các phương tiện cứu hộ không thể tiếp cận, Bộ Quốc phòng đã điều động máy bay trực thăng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Trong đêm tối, mưa to, gió lớn, máy bay đã tiếp tế được lương thực, nước uống cho các thuyền viên và nối dây từ phương tiện bị nạn với đất liền nhưng cũng không có tàu thuyền hay phương tiện nào có thể tiếp cận đưa người vào bờ.
 |
Trực thăng của Binh đoàn 18 thực hiện bay treo, đưa thuyền viên vào bờ. Ảnh: Vũ Hưởng. |
Giữa lúc ấy thì “phép màu” xuất hiện. Sáng hôm sau, tổ công tác của Đại đội 8, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 gồm những người lính đặc công nước tinh nhuệ đã tay không bơi ngược bão biển, sóng lừng, dìu đưa hai thuyền viên tàu Vietship 01 vào bờ an toàn. Sau đó, máy bay trực thăng của Quân đội thả thang dây đưa được tất cả thuyền viên trên tàu Vietship 01 gặp nạn vào bờ an toàn. Khi trên truyền thông xuất hiện hình ảnh những người lính đặc công nước nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi và đất đẹp trai với nụ cười tươi rói, mạng xã hội với hàng vạn lời bình luận, trầm trồ, thán phục. Lâu nay, họ cứ tưởng những hình ảnh ấy chỉ có trên phim Hàn Quốc, nào ngờ các “idol” từ trong mơ, trong phim của không ít cô gái trẻ lại hiện hữu ngay trên đất nước mình, trong một cuộc giải cứu sinh tử tưởng như chỉ có trên điện ảnh.
 |
Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 dùng dây nối từ bờ ra tàu bị nạn để các thuyền viên bơi vào.
Ảnh: Vũ Hưởng.
|
 |
Chân dung 3 chiến đấu viên đặc công nước hải quân bơi trực tiếp ra vị trí tàu bị nạn cứu thuyền viên.
Ảnh: Vũ Hưởng.
|
Trong hầu hết các vụ sạt lở, lũ quét nghiêm trọng xảy ra ở nước ta gần đây, đều có vai trò của Quân đội là lực lượng xung kích, đi đầu để ứng cứu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân.
Trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội cuối tháng 10-2020, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhắc lại lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng: Những nơi khó khăn nhất Quân đội đều có mặt và nhấn mạnh: “Thiên tai xảy ra vượt quá khả năng con người có thể dự báo nên đã xảy ra vụ việc như vậy. Vừa rồi Bộ Quốc phòng ra chỉ thị, căn cứ tình hình, giao chỉ huy các đơn vị tổ chức sơ tán bộ đội, đảm bảo an toàn cho mình ở những vùng nguy hiểm”. Tuy nhiên, theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch: “Trong điều kiện địa phương, nhân dân yêu cầu thì sẵn sàng hi sinh bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân".
Ngời sáng chức năng, sứ mệnh đặc biệt
Tại Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường; qua đó, ngày càng làm sâu sắc hơn, tỏa sáng hơn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới; khẳng định vai trò của "Đội quân chiến đấu - Đội quân công tác - Đội quân lao động sản xuất".
 |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Ảnh: Việt Cường.
|
Trước đó, phát biểu tại chương trình “Vinh quang trên tuyến đầu” tháng 6-2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xúc động ghi nhận: “Ngày trước, những người lính Cụ Hồ nghe theo tiếng gọi của Đảng, của non sông lên đường đánh giặc, thì ngày nay họ tiếp bước hiên ngang đến những “nơi đầu sóng, ngọn gió,” bão lũ, thiên tai, dịch bệnh để bảo vệ cuộc sống bình yên cho đất nước”.
Thực tiễn hơn 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành đã chứng minh vai trò không thể thiếu của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giúp đỡ nhân dân phòng chống thiên tai, hiểm họa nói chung, phòng chống sạt lở, lũ quét hiện nay nói riêng. Trên số Báo Quân đội nhân dân đầu tiên ra đời tại chiến khu Việt Bắc năm 1950, trên trang nhất đã đăng bài xã luận của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, định hướng hai nhiệm vụ hàng đầu của Quân đội là “đánh thắng giặc và bảo vệ mùa màng”. Bài xã luận khẳng định: "Nếu chúng ta không thực hành được hai nhiệm vụ ấy thì chúng ta không thể tự nhận là Quân đội Nhân Dân!".
 |
Bài xã luận “đánh thắng giặc và bảo vệ mùa màng” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đăng trên số Báo Quân đội nhân dân đầu tiên ra đời tại chiến khu Việt Bắc năm 1950. Ảnh tư liệu. |
Một trong những bài phát biểu đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về chức năng “ba trong một” (đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất) của quân đội là vào ngày 20-3-1958. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân, Bác khẳng định: “Quyết tâm xây dựng Quân đội ta thành một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, học tập giỏi, công tác giỏi, sản xuất giỏi”.
Cơ động nhanh, có mặt mọi lúc mọi nơi, sự xuất hiện kịp thời của Bộ đội Cụ Hồ đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân. Tại buổi làm việc với Bộ tư lệnh Quân khu 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá rất cao vai trò của các đơn vị Quân đội trong phòng, chống thiên tai: “Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cấp bách, các đồng chí đã huy động mọi lực lượng, tối đa các phương tiện để cứu nhân dân nhanh nhất. Đặc biệt, các đồng chí đã dũng cảm vượt mưa, lũ vùi dập, hành quân ngày đêm trong nước lũ để kịp thời cứu dân nhanh nhất...”.
Trưởng thành qua những trận “đánh bão” bằng hiệp đồng quân binh chủng
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng, sứ mệnh cao cả đó, nhiều năm qua, Quân đội ta đã xung kích, đi đầu, chuẩn bị và huấn luyện mọi mặt, ngày một trưởng thành để có thể gánh vác nhiệm vụ rất nặng nề đó.
Chúng ta đã chủ động có những phương án, kịch bản chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Hằng năm, các cấp, các ngành, các đơn vị trong và ngoài Quân đội cũng thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập để sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống thiên tai xảy ra, chính vì thế phương châm 4 tại chỗ đã luôn phát huy tốt hiệu quả.
Trong những đợt mưa bão hay sạt lở đất, lũ quét vừa qua, sau khi xảy ra, trong lúc các đơn vị chủ lực chưa tiếp cận được hiện trường thì lực lượng tại chỗ đã phát huy rất tốt vai trò nhiệm vu của mình. Do sạt lở đất ở nhiều vị trí, không thể huy động máy móc tìm kiếm nên lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại chỗ gồm công an, dân quân, dự bị động viên, cán bộ chính quyền địa phương và người dân ở hiện trường đã phải dùng cuốc, xẻng, thậm chí cả tay không để đào bới đất, tìm kiếm người bị nạn. Trong vụ sạt lở tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4) ở Hướng Phùng, Hướng Hóa, (Quảng Trị) hay vụ sạt lở tại xã Trà Leng, Nam Trà My (Quảng Nam)… lực lượng tại chỗ đều tích cực tham gia hỗ trợ, tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân rất hiệu quả; nhiều nạn nhân đã được lực lượng tại chỗ kịp thời giải cứu, hạn chế thương vong trước khi lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn của Quân khu 4, Quân khu 5 tiếp cận hiện trường.
 |
Hiện trường vụ sạt lở tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4). Ảnh: Viết Lam. |
Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thượng tá Đỗ Trung Sỹ, Phó đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Đoàn KT-QP 356 (Quân khu 2), cho biết: Được cấp trên giao nhiệm vụ quản lý và thực hiện dự án KT-QP ở địa hình rừng núi đã rất phức tạp, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, cháy rừng. Thế nhưng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đơn vị luôn là lực lượng đi đầu, sát cánh cùng nhân dân thực hiện hiệu quả công tác PCTT, TKCN.
 |
Đưa nạn nhân trong vụ sạt lở tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4) ra ngoài. Ảnh: Thu Hà. |
Với đặc thù đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, Bộ đội Biên phòng là lực lượng gần dân nhất, sát dân nhất. Để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, BĐBP đã xây dựng một hệ thống đài canh tại 28 tỉnh, thành phố ven biển. Theo Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn được chỉ đạo, triển khai quyết liệt đến BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển, làm nòng cốt trong công tác thông báo cho các phương tiện đang làm ăn trên biển biết vị trí, diễn biến của cơn bão để chủ động phòng, tránh; hướng dẫn sắp xếp nơi neo đậu tàu thuyền, chủ động đề nghị chính quyền địa phương sơ tán người ở vùng ven biển, trên các lồng bè nuôi thủy sản, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển, đảo.
Với đặc thù đóng quân tại những vị trí xung yếu, những nơi khó khăn nhất của đất nước, thời gian qua, các đơn vị Quân đội đã phát huy vai trò đi đầu trong nắm chắc địa bàn, phối hợp cùng chính quyền, nhân dân địa phương nắm tình hình, dự báo, cảnh báo phòng, chống thiên tai. Hình ảnh những người lính vượt rừng, cắm bản để tuyên truyền nhân dân cách phòng, tránh bão, lũ, tránh làm nhà ở những nơi nguy hiểm, sửa chữa đường sá, kè ta luy, chằng chống lại nhà cửa trước mùa mưa bão để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra đã trở nên quen thuộc với đồng bào các vùng biên giới, hải đảo.
 |
Nỗ lực đưa nạn nhân ra ngoài. Ảnh: Thu Hà. |
Không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động trong phòng, chống thiên tai, những người lính còn đi đầu trong phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương giúp nhân dân xây dựng các công trình kiên cố, là nơi tránh trú an toàn nếu có thiên tai xảy đến bất ngờ...
Tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng, chống bão lụt khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, đá khu vực miền Trung mới đây, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã khẳng định: “Chúng ta đã phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, từ lực lượng, phương tiện đến chỉ huy, điều hành đều được vận dụng rất linh hoạt, tạo ra được hiệu quả cao”. Theo đó, cùng với các lực lượng tại chỗ, lực lượng của các quân khu, lực lượng của các quân chủng, binh chủng cũng đã vào cuộc kịp thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, là động lực, điểm tựa vững chắc cho người dân vùng lũ, vùng lụt yên tâm chống đỡ với thiên tai. Thật sự những cuộc ứng cứu, khắc phục các sự cố sạt lở, lũ quét gây thương vong lớn đã chứng minh sự trưởng thành, kinh nghiệm vượt bậc của quân đội ta, đã có những cuộc “phối hợp tác chiến hiệp đồng quân binh chủng” một cách toàn diện, trên nhiều địa bàn, gồm nhiều lực lượng tham gia trong bão số 9 vừa qua như: Lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn của Bộ Quốc phòng, lực lượng vũ trang Quân khu 4, Quân khu 5 và các địa phương, các lực lượng công binh, bộ binh, Hải quân, Không quân, Quân y, Hậu cần, Thông tin liên lạc…
 |
Thượng tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng, chống bão lụt khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, đá khu vực miền Trung. Ảnh: Chu Anh. |
Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu cho biết: Các sở chỉ huy tiền phương nhanh chóng được thành lập để kịp thời chỉ huy, điều hành công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả trực tiếp tại hiện trường tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh lực lượng tại chỗ, lực lượng quân khu, lực lượng quân binh chủng đã vào cuộc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác khắc phục hậu quả. Các tàu và máy bay của Hải quân tìm kiếm người và cứu kéo tàu bị nạn trên biển; trực thăng của Quân chủng Phòng không – Không quân bay thả hàng nhu yếu phẩm cho các vùng bị cô lập; chó nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng tham gia tìm kiếm người bị vùi lấp; các phương tiện dò tìm và cắt kim loại của Binh chủng Công binh được huy động; phương tiện thông tin liên lạc công nghệ cao của Binh chủng Thông tin liên lạc được sử dụng... Sự tham gia của lực lượng quân binh chủng không chỉ khẳng định vai trò nòng cốt của Quân đội trong các tình huống khắc phục thảm họa thiên tai phức tạp, mà còn thể hiện được quyết tâm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao và ý thức trách nhiệm của các lực lượng quân binh chủng đối với công tác khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai. Qua đó, một lần nữa minh chứng và khẳng định chủ trương chiến lược đúng đắn kết hợp kinh tế với quốc phòng, khả năng lưỡng dụng to lớn của vũ khí, trang bị, khí tài quân sự.
Tăng thêm sức mạnh cho Quân đội
Trước những diễn biến cực đoan của thời tiết, dự báo trong những năm tới, tình mưa đá, hạn hán, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất còn diễn biến phức tạp. Chống thiên tai - nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội trong thời bình vì vậy mà càng gian nan, khó khăn và nguy hiểm.
Do đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần tiếp tục có sự quan tâm nhiều hơn, đầu tư về nguồn lực, trang bị, chính sách để Quân đội và các địa phương làm tốt nhiệm vụ chiến đấu với thiên tai, địch họa, tạo nên sức mạnh tổng hợp và thế trận toàn dân trong thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TW ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
 |
Các phương tiện của Quân đội tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Tuấn Sơn. |
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) kiến nghị: Nâng cao năng lực hoạt động tìm kiếm cứu nạn ở các cấp, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, bảo đảm nguồn nhân lực, huy động trong các tình huống khẩn cấp, phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, đáp ứng nhanh hiệu quả cũng như năng lực thực hiện phương châm 4 tại chỗ. Theo ông: “Một hành động kiên quyết, mạnh mẽ hôm nay dẫu phải hy sinh một phần về kinh tế trước mắt, nhưng chắc chắn sẽ đem lại sự sống an toàn, mưu sinh cho hàng chục triệu người dân miền núi và vùng hạ du để không lặp lại thảm cảnh cứ mỗi mùa mưa bão đến”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phân tích: Quân đội và Công an là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản cứu hộ và cứu nạn. Tuy nhiên, bên cạnh những phương châm 4 tại chỗ mà lâu nay chúng ta đã và đang thực hiện thì công tác cứu hộ, cứu nạn vừa qua đã bộc lộ bất cập, tồn tại chưa đáp ứng kịp thời, hiệu quả trong tình hình hiện nay. Cử tri rất băn khoăn cho rằng, với điều kiện về cứu hộ và cứu nạn hiện nay thì vấn đề còn rất hạn chế và nhiều tồn tại. Để khắc phục hậu quả của thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn cả nước, mà nước ta hằng năm phải gánh chịu khoảng hơn chục cơn bão. Cử tri đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu thành lập một lực lượng cứu hộ, cứu nạn độc lập ở các khu vực và mang tính chuyên nghiệp hơn nên giao cho lực lượng Quân đội nhân dân làm nòng cốt để gắn với việc đầu tư các phương tiện chuyên dụng, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả việc ứng phó, cứu hộ, cứu nạn về lâu dài và sự an tâm, niềm tin cho nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai”.
“Cơ chế 4 tại chỗ phát huy tác dụng tốt, các lực lượng Quân đội, Biên phòng, Công an, cán bộ thôn, xã, huyện lăn xả, xông pha trong bão lũ, quên mình cứu dân, cứu tài sản, tính mạng đồng bào. Nếu không có sự chủ động lăn xả này thì chắc chắn thiệt hại sẽ còn lớn hơn nhiều. Đặc biệt, thiệt hại về người sẽ là rất lớn. Cần có đánh giá và động viên đối với họ. Tôi thiết nghĩ, cần có một cuộc tổng kết rút kinh nghiệm toàn diện, sâu sắc từ đợt thiên tai nguy hiểm này trên tất cả các lĩnh vực, các mặt như công tác dự báo, chỉ đạo thực hành đến thực địa về tính chuyên nghiệp trong công tác cứu hộ, cứu trợ về lực lượng, về hợp đồng chỉ đạo, về sức mạnh của hệ thống chính trị…” – Đại biểu Quốc hội Trần Công Thuật (Đoàn Quảng Bình) kiến nghị.
 |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Việt Cường. |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng: Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường; qua đó, ngày càng làm sâu sắc hơn, tỏa sáng hơn phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong tình hình mới.
|
 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Chiến Thắng. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Ngày trước, những người lính Cụ Hồ nghe theo tiếng gọi của Đảng, của non sông lên đường đánh giặc, thì ngày nay họ tiếp bước hiên ngang đến những “nơi đầu sóng, ngọn gió,” bão lũ, thiên tai, dịch bệnh để bảo vệ cuộc sống bình yên cho đất nước”. |
 |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Việt Cường. |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cấp bách, các đồng chí đã huy động mọi lực lượng, tối đa các phương tiện để cứu nhân dân nhanh nhất. Đặc biệt, các đồng chí đã dũng cảm vượt mưa, lũ vùi dập, hành quân ngày đêm trong nước lũ để kịp thời cứu dân nhanh nhất...”. |
 |
Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Ảnh: Việt Cường. |
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Thiên tai xảy ra vượt quá khả năng con người có thể dự báo nên đã xảy ra vụ việc như vậy. Vừa rồi Bộ Quốc phòng ra chỉ thị, căn cứ tình hình, giao chỉ huy các đơn vị tổ chức sơ tán bộ đội, đảm bảo an toàn cho mình ở những vùng nguy hiểm... Tuy nhiên, trong điều kiện địa phương, nhân dân yêu cầu thì sẵn sàng hi sinh bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân". |
(Còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ