Trước tình hình cấp bách trên, Báo QĐND Điện tử tổ chức tuyến bài về vấn đề lũ quét, sạt lở, nhằm ghi nhận thực trạng, ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân để tìm ra lời giải phòng ngừa, đẩy lùi thảm họa do lũ quét và sạt lở đất.

Mỗi năm hàng trăm trận lũ quét, hàng chục vụ sạt lở đất

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Lũ quét và sạt lở đất xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du trên lãnh thổ Việt Nam và đang có xu hướng gia tăng cao.

Trong giai đoạn từ 1953-2006, trên lãnh thổ Việt Nam đã xảy ra 448 trận lũ quét và sạt lở đất, trung bình 7 trận/năm. Phần lớn các trận lũ quét đều xảy ra ở miền núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt và hiện tượng lũ quét, sạt lở đất năm nào cũng xảy ra tại Việt Nam, nhịp độ có xu hướng gia tăng. Còn trong giai đoạn từ 2000-2015 đã có tổng số 250 trận lũ quét và sạt lở đất (trung bình 15-16 trận/năm), gây ra nhiều thiệt hại về người và của: 779 người thiệt mạng, 426 người bị thương...

Toàn cảnh vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Trọng Hải.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương Phòng, chống thiên tai năm 2018 cho biết: Trong gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Điển hình như trận lũ quét tháng 6-1990 trên suối Nậm Lay, thị xã Lai Châu (cũ) làm 82 người chết và mất tích; trận lũ quét tháng 9-2002 tại Hương Sơn, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh làm 53 người chết và mất tích, 370 căn nhà bị cuốn trôi; trận lũ quét ngày 5-9-2013 tại xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai làm 11 người chết và mất tích, 16 người bị thương; trận lũ quét sạt lở đất do mưa lũ sau bão số 2 năm 2016 ở Lào Cai đã làm 15 người chết và mất tích tại các huyện Bát Xát và Sa Pa; sạt lở tại mỏ vàng Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn làm 10 người chết và mất tích.

Đặc biệt, năm 2017, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng tại các tỉnh miền núi: Tại huyện Mường La (tỉnh Sơn La), Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) vào đầu tháng 8; tại các huyện Tân Lạc, Đà Bắc, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) từ giữa tháng 10; sạt lở đất ở huyện Bắc Trà Mỹ, Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).

Những trận lũ quét, sạt lở đất này đã làm 71 người chết và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi. Riêng năm 2018 tại các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra 14 trận, làm chết và bị thương 82 người (chiếm 70% tổng số người chết và bị thương do lũ quét, sạt lở đất trên cả nước).

Các lực lượng tìm kiếm tại khu vực sạt lở thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Trọng Hải

Trong khi đó, từ đầu tháng 10 đến nay, miền Trung nước ta liên tục chịu ảnh hưởng của 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, với lượng mưa lớn đổ dồn về khu vực, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế của Bắc Trung bộ, một phần Nam Trung bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Trong 20 ngày đầu tháng 10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi ghi nhận lượng mưa phổ biến 1.000-2.000mm, có nơi mưa đến 2.000-3.000mm. Số liệu này cao gấp 3-5 lần so với lượng mưa trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Lượng mưa lớn này khiến nhiều địa phương bị ngập lụt trên diện rộng, nhiều nơi nước lũ dâng cao, chia cắt địa bàn; một số vùng có mực nước vượt mốc lịch sử năm 1979, 1999. Đây cũng chính là một trong những tác nhân gây ra gần 10 lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng trên địa bàn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Đầu tiên là vụ sạt lở đất ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) vào trưa ngày 12-10. Một nửa quả núi sập xuống sau một tiếng nổ lớn vùi lấp khu vực nhà điều hành thủy điện và 17 công nhân.

Các lực lượng tìm kiếm nạn nhân tại khu vực sạt lở Tiểu khu 67. Ảnh: Khánh Trình.

Chưa đầy một ngày sau, tại Tiểu khu 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cũng xảy ra sạt lở đất, vùi lấp 13 thành viên đoàn cán bộ, chiến sĩ cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3. Công tác khắc phục hậu quả 2 vụ sạt lở trên chưa xong, thì ngày 18-10 lại xảy ra vụ sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4) ở Hướng Hóa, Quảng Trị làm 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

 
Ngoài tìm kiếm thủ công, lực lượng chức năng cố gắng đưa máy gầu, máy xúc, chó nghiệp vụ để đẩy nhanh việc tìm kiếm các nạn nhân. Ảnh: Tuấn Sơn

Tiếp sau đó, tỉnh Quảng Nam trở thành điểm nóng sạt lở với 4 trận sạt lở liên tiếp xảy ra ở thôn 1, xã Trà Vân, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My), xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) và xã Bhalee (huyện Tây Giang) khiến hơn 40 người chết và mất tích…

Với sức tàn phá, hủy diệt khủng khiếp trên đường đi của nó, có thể coi lũ quét và sạt lở đất như là “hung thần” giấu mặt nơi rừng núi.

Biến tướng mới của “hung thần” trong lòng đất

Trong các đợt sạt lở đất vừa qua, nhóm phóng viên Báo QĐND Điện tử là đơn vị báo chí đầu tiên được tiếp cận sạt lở tại Tiểu khu 67, xã Phong Xuân (Phong Điền, Thừa Thiên-Huế, cũng như có mặt trực tiếp tại khu vực sạt lở ở Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337, ở Thủy điện Rào Trăng 3.

Nhóm phóng viên Báo QĐND Điện tử tác nghiệp tại Tiểu khu 67, xã Phong Xuân (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Tuấn Sơn

Theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, các khu vực này đều có địa hình dốc cao, đất đai bị phong hóa mạnh, do đó nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và khó có thể dự báo trước. Đặc biệt, các vụ sạt lở, lũ quét thường xảy ra ở các địa hình phức tạp, khó tiếp cận nên công tác tìm kiếm, cứu hộ-cứu nạn rất khó khăn.

Các lực lượng trong quá trình tìm kiếm nạn nhân tại vụ sạt lở ở Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337. Ảnh: Khánh Trình.

Trong trao đổi với phóng viên Báo QĐND Điện tử, Thiếu tướng Hà Tân Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 4 và Đại tá Nguyễn Xuân Hùng, Phó đoàn trưởng Đoàn KT-QP 337 đều cho biết, quả núi bị sạt lở cách đơn vị 1,6km đã đổ xuống khu vực này gần 2 triệu mét khối đất, có nơi vùi lấp người bị nạn đến gần 10m; thảm họa này là rất bất ngờ bởi Đoàn KT-QP 337 đã đóng quân yên bình ở khu vực này 20 năm và chưa bao giờ xảy ra hiện tượng trên. Khoảng cách từ doanh trại tới khu vực núi khá xa, đường đi của dòng lũ quét sạt lở phức tạp, vượt xa so với logic khi nghiên cứu địa hình.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều tối 30-10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết: Những điểm sạt lở đất như Đoàn KT-QP 337 không có trong cảnh báo, nên cần phải ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn để cảnh báo. “Ta có bản đồ sạt lở, nhưng đang là 1/20.000, trong khi để tối thiểu triển khai phải là 1/10.000 và xây dựng nhiệm vụ cụ thể là 1/500, nên chưa thể thực hiện ngay được. Cần thiết sắp tới cần có chỉ đạo và đầu tư cho công tác này. Ta phải thuận thiên, nhưng thích nghi có kiểm soát và giải pháp công trình để thực hiện”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở ở xã Trà Leng (Nam Trà My). Ảnh: Việt Hùng.

Còn vụ sạt lở ở xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) làm 13 người chết và mất tích cũng khiến nhiều người bàng hoàng bởi lẽ những cánh rừng ở đây được tiếng phong phú hơn Tây Nguyên vì thảm thực vật tự nhiên chưa bị bàn tay con người động chạm nhiều. Theo anh Trọng Ý, cán bộ Đài Truyền thanh-Truyền hình Phước Sơn “người ở đây giữ rừng như giữ làng” , ấy vậy mà vẫn bị sạt lở liên hồi sau đợt mưa bão vừa qua… Dường như tất cả đều cho thấy có sự diễn biến dị thường về khí hậu, địa chất và cần phải được các nhà khoa học, các chuyên gia nhận diện, nghiên cứu làm rõ.

Trên lòng sông ngập tràn củi, rác, nhưng các lực lượng miệt mài tìm kiếm người trên sông Leng. Ảnh: Việt Hùng.

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 10 về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, sáng 30-10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi đề cập tới tình hình khắc phục thiên tai sau cơn bão số 9 cũng cho biết, trong vấn đề sạt lở đất, do mưa lâu ngày, đất chứa nhiều nước hay còn gọi là no nước làm cho tính kết dính rất kém. Khi có thêm tác động sẽ gây ra sạt lở đất rất mạnh. Như ở Quảng Nam, khi bão vào tác động mưa cục bộ thì sạt lở đất rất mạnh, trong khi khu vực đó rừng nhiều lắm chứ không phải không có rừng.

Ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ cũng nhận định, lũ lụt ở miền Trung thời gian qua là hậu quả của hình thái thời tiết phức tạp, có thể trở thành "bình thường mới" trong tương lai. Dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm mực nước biển dâng lên làm cho nước lũ sẽ khó thoát ra biển và lũ dâng cao hơn với trước đây. Hơn nữa dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm như: Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt làm gia tăng các cơn bão có cường độ lớn, mưa lớn với cường độ lớn.

Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Quân khu 5 tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường. Ảnh: Văn Chung.

Diễn biến mưa lũ ở các tỉnh miền Trung vừa qua cho thấy thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường, khó dự báo và hiện tượng sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở các khu vực miền núi. Đặc biệt ở thời điểm hiện tại khi các nền đất ở miền Trung đang chạm mốc bão hòa sau nhiều đợt mưa lớn thì nguy cơ sạt lở càng hiện hữu rõ ràng.

Trong các trận sạt lở nói trên, duy nhất chỉ có điểm sạt lở ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo không có thiệt hại về người bởi toàn bộ đồn biên phòng nằm trên nền kiến tạo của đá bột kết, cát kết và đá vôi kết dính với nhau. Chính vì thế, khi đạt điểm bão hòa, cả khối đất trượt chậm, có các điểm dừng, rồi mới trượt tiếp. Điều này giúp giải thích tại sao tại Đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo có những tín hiệu sạt lở rõ ràng giúp cán bộ, chiến sĩ nhận biết để sơ tán.

Dùng cưa sắt để cưa những tấm bê tông tại khu vực sạt lở. Ảnh: Văn Chung.

Cần sớm có nghiên cứu khoa học mang tầm tổng thể, chiến lược ở quy mô toàn quốc

Dự báo từ nay đến cuối năm mưa bão còn diễn biến phức tạp, sẽ gây mưa diện rộng tại các tỉnh miền Trung, nam Trung Bộ thì nguy cơ sạt lở đất lớn hơn bao giờ hết. TS Nguyễn Quốc Thành, Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Nếu cơn bão số 10 ảnh hưởng trực tiếp vào miền Trung, thì những địa phương như: Khu vực Đắk rông (Quảng Trị); A Lưới, Phong Điền (Thừa Thiên-Huế); đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Bắc và Nam Trà My (Quảng Nam) cần phải chú ý tới nguy cơ sạt lở đất. Do đó, trước mắt, việc chủ động bám nắm tình hình, cập nhật thông tin của các cơ quan chức năng để tổ chức phòng tránh các thiệt hại có thể xảy ra; hạn chế thấp nhất việc “hung thần” giấu mặt nơi rừng núi này lại gây họa cho người dân là rất cấp bách.

Với diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất sẽ còn tiếp tục tại các tỉnh miền Trung. Trong ảnh: các khu vực sạt lở tại Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Tiến Dũng.

Nhưng về mặt lâu dài, cần sớm có những nghiên cứu khoa học mang tầm tổng thể, chiến lược ở quy mô toàn quốc, nhanh chóng đưa ra các giải pháp và kịch bản ứng phó hiệu quả, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, bảo vệ sự an toàn, bình yên cuộc sống của nhân dân.

Tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV ngày 2-11, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến tình hình bão lụt ở miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản và cho rằng bên cạnh việc kịp thời chỉ đạo khắc phục khẩn cấp hậu quả của thiên tai lũ lụt cũng cần nhìn nhận lại những tác động của con người, nhìn nhận toàn diện các nguyên nhân để có giải pháp ứng phó trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, từ đầu năm đến nay trong cả nước diễn ra 16 loại hình thiên tai với 10 cơn bão Biển Đông, 263 trận giông lốc mưa lớn, có đến 49/63 tỉnh, thành phố xảy ra thiên tai các loại, 15 trận lũ lớn, sạt lở đất, 72 trận mưa lớn gây ngập úng, lũ đặc biệt là đợt lũ lụt miền Trung vừa qua; 79 trận động đất trong đó gần đây nhất là ngày 27-7 tại Mộc Châu có cường độ lên đến 5.3 độ richter.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần phải chỉ đạo rà soát các kịch bản biến đổi khí hậu để điều chỉnh, nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo, đánh giá nguy cơ để dự kiến nguồn lực ứng cứu, lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả...

Về lâu dài, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Chính phủ phải chỉ đạo rà soát các kịch bản biến đổi khí hậu để điều chỉnh, nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo, đánh giá nguy cơ tổn thương thiên tai mang lại để dự kiến nguồn lực ứng cứu, lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển của năm 2021 và của cả giai đoạn 5 năm tới.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nhanh chóng quy hoạch sắp xếp dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất; phải có chương trình di dân ra khỏi vùng thiên tai, không để lặp lại những trường hợp như Trà Leng, Rào Trăng 3. Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Chính phủ phải chủ động thực hiện và hàng năm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương phải chú ý nhiệm vụ này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong tháng 10-2020 đã xảy ra bão lũ liên tục, “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Ảnh: chinhphu.vn

Cũng tại buổi thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành khá nhiều thời gian để nói về vấn đề lũ lụt, thiên tai ở các tỉnh miền Trung vừa qua. Theo Thủ tướng, chưa bao giờ thiên tai lại dồn dập như vậy ở Việt Nam, gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Chính phủ đang có chương trình khắc phục quyết liệt và sẽ có chính sách mạnh tay hơn như hỗ trợ nhà ở, nhà sập, đặc biệt là tìm người mất tích. “Chúng tôi cũng sẽ có báo cáo Quốc hội, đại biểu Quốc hội về các biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung và đưa ra biện pháp hiệu quả hơn để đề phòng tránh...”, Thủ tướng cho biết.

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ