Quá trình thực hiện chuyển đổi số của Hà Nội đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức, bất cập. Với một khối lượng công việc đồ sộ, chưa từng có tiền lệ triển khai ở một địa bàn rộng, dân số đông như Hà Nội, đây là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, bằng quyết tâm chính trị cao độ, giải pháp đồng bộ, hiệu quả, những vướng mắc, hạn chế đang được các cấp ủy, chính quyền Thủ đô từng bước khắc phục, đưa chuyển đổi số tiến gần hơn tới mục tiêu đã xác định.
Kinh nghiệm chuyển đổi số tại Thủ đô một số nước
Một quốc gia được coi là hình mẫu về chuyển đổi số thành công là Singapore đã bắt đầu chuyển đổi số với việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu trên hệ thống máy tính từ những năm 1990. Quốc đảo này đã huy động cả hệ thống hành chính quốc gia vào cuộc, quy tụ các chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi, các doanh nghiệp và người dân cùng chung tay. Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt và then chốt. Người dân tham gia hầu hết các khâu làm nên sản phẩm và dịch vụ số với quy trình 5 bước chặt chẽ: Khảo sát và lấy ý kiến người dân; thử nghiệm từ việc sử dụng của người dân; đánh giá khiếm khuyết; thiết kế lại và hoàn thiện việc số hóa dịch vụ.
Chính phủ Singapore đã ban hành chiến lược Singapore quốc gia thông minh (Singapore’s Smart Nation) và kế hoạch chi tiết về phát triển chính phủ số (The Digital Government Blueprint). Chiến lược chuyển đổi số của Singapore tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính: Tích hợp các dịch vụ xung quanh nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; tăng cường tích hợp giữa chính sách, vận hành và công nghệ; xây dựng nền tảng kỹ thuật số và dữ liệu dùng chung; vận hành hệ thống đáng tin cậy, linh hoạt và an toàn; đào tạo nhân lực chất lượng cao; khuyến khích người dân và doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Thủ đô Băng Cốc của Thái Lan trên cơ sở Chiến lược Thái Lan số (digital Thailand) của Chính phủ, thành phố này cũng ban hành chiến lược phát triển thành phố thông minh trên cơ sở 6 “trụ cột” chính gồm: Kinh tế thông minh (Smart Economy); di chuyển thông minh (Smart Mobility); môi trường và năng lượng thông minh (Smart Energy & Environment); quản trị thông minh (Smart Governance); con người thông minh (Smart People) và cuộc sống thông minh (Smart Living).
Trong khi đó, Thủ đô Seoul của Hàn Quốc chuyển đổi số thành công nhờ tập trung vào cải cách hành chính, phát triển của các startup công nghệ, sử dụng dữ liệu mở và thúc đẩy sự phát triển của thị trường kinh tế số. Điều này giúp cho người dân và doanh nghiệp có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính. Seoul cũng áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain và Internet of Things (IoT) để cải thiện độ tin cậy và tính tiện lợi của các dịch vụ công. Đặc biệt, Thủ đô Seoul đã sử dụng dữ liệu mở để tăng cường khả năng quản lý và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Doanh nghiệp và công dân được cung cấp một bộ dữ liệu mở sử dụng cho việc phát triển các ứng dụng và dịch vụ mới. Dữ liệu là trọng tâm của các dự án thành phố thông minh của thành phố này. Các startup này thường được tài trợ bởi chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, giúp tăng cường sự đổi mới và tạo nên một môi trường kinh doanh sáng tạo.
Ngoài ra, thành phố này còn triển khai các chương trình hướng dẫn sử dụng thiết bị thông minh cho các đối tượng người cao tuổi, người tàn tật, hộ nghèo, đồng thời tăng cường các khóa học tương tự cho giáo dục các cấp, các dịch vụ hành chính công thông qua điện thoại thông minh (100% các dịch vụ xác thực, cấp giấy tờ, thanh toán), kèm theo các tính năng đặt hẹn (85% tất cả các hồ sơ liên quan đến dịch vụ công được hẹn trước), cảnh báo, khiếu nại và theo dõi xử lý khiếu nại cũng được tăng cường triển khai. Song song đó, việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông minh bao gồm các hệ thống điều khiển và cung cấp thông tin giao thông thông minh, quản lý năng lượng tái tạo, mạng lưới điện thông minh,...
Tại Thủ đô Tallinn của Estonia, một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về hệ thống chính phủ điện tử, đứng đầu chỉ số ứng dụng công nghệ vào xã hội và kinh tế (DESI), cũng như chỉ số an ninh mạng, chính quyền thành phố này đã cho số hóa toàn bộ hệ thống bầu cử, hệ thống quản lý hành chính nhà nước, cùng hệ thống đăng ký y tế. Để làm được điều đó, Tallinn thực hiện 3 bước đi: Bước 1: Thiết kế một nền tảng tập trung, cho phép nhiều thành phần kết nối, mỗi thành phần đều có thể làm mới, thêm vào bất kể phần mềm do chính phủ hay tư nhân xây dựng. Bước 2: Đảm bảo nền tảng đang vận hành được sử dụng những công nghệ tốt nhất, cũng như phù hợp với yêu cầu đặt ra. Bước 3: Một khi nền tảng thành công, hãy ứng dụng chúng vào xã hội, để tiếp tục hoàn thiện.
Những thách thức, bất cập cần sớm được giải quyết
Trong quá trình đẩy mạnh triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, đồng nghĩa với việc, người dân thực hiện các dịch vụ trên môi trường mạng và nhận kết quả tại nhà, không cần đến trụ sở các sở, ngành hay chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ngay cả nhiều người trẻ tuổi thành thạo công nghệ cũng gặp khó khi tiếp cận dịch vụ công trực tuyến vì không hiểu hết quy trình.... Còn đối với người cao tuổi, do hạn chế về kỹ năng sử dụng internet và thiếu phương tiện nên việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cũng gặp nhiều bất tiện.
Chia sẻ về khó khăn khi thành lập mô hình đội cơ động hỗ trợ tại nhà, anh Ngô Chu Cường, cán bộ UBND phường Trúc Bạch cho biết, ban ngày, các cán bộ vẫn phải đảm bảo giờ làm việc theo quy định; việc hỗ trợ chỉ có thể diễn ra vào lúc chiều tối và những ngày nghỉ cuối tuần. Dân số phường hiện nay hơn 7.000 người, trong đó nhiều hộ dân còn e ngại vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân hoặc thiếu điều kiện, khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, hiện nay, các nhiệm vụ về chuyển đổi số đều mới, trong khi đó các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên trách cơ bản đều thiếu, đặc biệt khối xã chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, vì vậy ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ. Việc triển khai một số nhiệm vụ cụ thể tại địa phương còn lệ thuộc vào nhiệm vụ, tiến độ, hướng dẫn của các bộ, ngành, chưa được chủ động hoặc chưa được triển khai trên cơ sở quy định và yêu cầu thực tế nghiệp vụ tại địa phương.
Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành còn chưa có tính tổng thể, đồng bộ, khiến các địa phương phải sử dụng nhiều phần mềm. Nhiều nội dung tổ chức triển khai khi các quy trình, quy chế chưa được hoàn thiện dẫn đến còn nhiều khó khăn vướng mắc khi thực hiện. Quá trình triển khai một số dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 phát sinh một số bất cập, khó khăn, như: Việc đăng ký tài khoản chưa thuận tiện, giao diện còn phức tạp, đôi khi có hiện tượng quá tải...
Chuyển đổi số là đưa các hoạt động của chúng ta lên môi trường số. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng nghìn hệ thống thông tin của các cơ quan, dữ liệu của tổ chức, cá nhân cần được bảo vệ. Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam Nguyễn Thành Hưng cho biết, kết quả khảo sát 135 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam về bảo đảm an toàn thông tin cho thấy, cứ 4 tổ chức, doanh nghiệp thì có đơn vị từng bị gián đoạn hệ thống, dịch vụ khi bị tấn công mạng trong năm 2022; 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại; 87% tổ chức, doanh nghiệp cho biết lo sợ yếu tố con người, 58% lo sợ yếu tố công nghệ và 47% lo sợ về tội trộm cắp quy trình về an toàn thông tin; 68% đơn vị chưa đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin để đáp ứng yêu cầu hằng năm.
Ngoài những vấn đề nêu trên, theo TS Đặng Đức Mai, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội (nguyên Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính), công tác chuyển đổi số của Hà Nội còn gặp một số khó khăn như: Vốn đầu tư vào các hệ thống nền tảng của công nghệ số còn hạn chế; hệ thống chính sách, hướng dẫn của bộ chủ quản về chuyển đổi số còn chưa đầy đủ, hoặc chưa phù hợp với một đô thị lớn như Hà Nội; dân số đông và địa bàn rộng là một thách thức cho việc triển khai các hệ thống nền tảng làm độ khó, độ phức tạp hệ thống cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Ngoài ra, các dự án triển khai chuyển đổi số tại Hà Nội là các dự án lớn cần có phương pháp quản lý dự án khoa học mới đảm bảo thành công.
Bên cạnh đó, theo Công an Hà Nội, việc thực hiện Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ liên quan quá trình thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cũng đang tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Kết quả thực tế kiểm tra tại 33 đơn vị (11 đơn vị cấp huyện và 22 đơn vị cấp xã-gồm UBND và Công an) cho thấy, thông tin cư trú của công dân chưa được thể hiện đầy đủ trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, gây khó khăn về thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính và những hệ lụy pháp lý về sau. Việc thực hiện thủ tục đất đai liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng gặp vướng mắc khi chưa có sự đồng bộ trong kết nối thông tin, dữ liệu.
Hay như khi tra cứu CSDL quốc gia về dân cư tại Bộ phận một cửa các cấp, khi phát hiện thông tin dân cư không trùng khớp với thông tin hiện tại của công dân (công dân có chứng minh được bằng các giấy tờ hiện có) nhưng Hệ thống chỉ xác nhận có hay không có dữ liệu, không có chức năng cho đề nghị chuyển thông tin sai sót để điều chỉnh hoặc cập nhật thông tin. Vì vậy, công dân phải quay về công an cấp xã đề nghị điều chỉnh – thời gian thì không xác định, gây chậm trễ hồ sơ cho công dân.
Những giải pháp căn cơ, đồng bộ
Theo nhận định của các chuyên gia, để hiện thực hóa các mục tiêu về chuyển đổi số, Hà Nội cần xác lập một cơ chế giám sát chặt chẽ để việc triển khai các nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ. Trong đó, năm 2023 là năm cơ bản chạy đà, khởi động ngay các dự án, nhiệm vụ chưa được khởi công, đảm bảo các dự án chạy và cán đích thành công vào năm 2025 và tiếp tục được hoàn thiện nâng cấp đáp ứng các mục tiêu giai đoạn đến 2030.
TS Đặng Đức Mai phân tích: Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với các cơ quan nhà nước cấp bộ, cấp tỉnh, tỷ lệ chi cho chuyển đổi số nên ở mức 1% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm so với mức trung bình của thế giới vào khoảng 2-3% (một số nước như Singapore, tỷ lệ này có thể lên đến 4-5%). Do đó, để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra thì việc xây dựng phương án cân đối, bố trí nguồn kinh phí cho thực hiện chuyển đổi số của Hà Nội cần được nghiên cứu, xây dựng, phê duyệt theo từng lộ trình cụ thể. Trong đó, cần nghiên cứu các phương án điều hòa, kết hợp giữa nguồn kinh phí từ Trung ương với nguồn kinh phí được bố trí từ ngân sách Thủ đô; thí điểm thực hiện các dự án/nhiệm vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số theo hình thức PPP. Đặc biệt, trong Luật Thủ đô cần trình Quốc hội cho Thủ đô có chính sách riêng về huy động nguồn lực tài chính, phấn đấu mức chi cho chuyển đổi số Hà Nội đạt 2% từ ngân sách.
Trước mắt, cần xây dựng ngay mạng Hà Nội CLOUD (cloud riêng cho Hà Nội) để vận hành toàn bộ các dịch vụ công của Chính quyền số Hà Nội và các ứng dụng khác thuộc trụ cột kinh tế số và xã hội số. Tất cả các ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và chính quyền cần đáp ứng tiêu chí truy nhập và khai thác, sử dụng mọi lúc mọi nơi, tức là phải chạy trên nền tảng kỹ thuật là Hà Nội CLOUD này. Bên cạnh đó, cần xây dựng ngay một hạ tầng mạng Hà Nội METROPOLIS network (mạng truyền thông riêng của Hà Nội), mạng này có kỹ thuật hiện đại với băng thông rộng, kết nối internet băng rộng – tức là tạo nên một mạng lưới đường cao tốc số kết nối toàn bộ các quận/huyện, phường/xã và toàn bộ các cơ quan ban ngành của thủ đô.
Trong triển khai kinh tế số, xã hội số cần xây dựng thể chế tạo điều kiện khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động hoàn toàn trên nền tảng số, tạo ra các sản phẩm số ứng dụng thành công (ưu đãi thuế). Để thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hà Nội thực hiện chuyển đổi số, cần duy trì các chương trình đào tạo miễn phí cho chủ doanh nghiệp; khuyến nghị các mô hình chuyển đổi số thành. Lấy tiêu chí số lượng doanh nghiệp Hà Nội triển khai thành công chuyển đổi số trong doanh nghiệp làm thước đo đánh giá phát triển kinh tế số. Đồng thời, tổ chức các Tổ công tác tình nguyện đến các phường, xã để đào tạo, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân. Lấy tỷ lệ người dân sử dụng thành thạo các dịch vụ công làm thước đo cho phát triển xã hội số Thủ đô.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Văn Yên, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng, Hà Nội cần tăng tỷ lệ chi ngân sách hằng năm cho chuyển đổi số và khoa học, công nghệ. Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cho phép Hà Nội có thể điều chỉnh các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ để có thể thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ đến với Thủ đô, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp tăng tỷ trọng đầu tư vào khoa học, công nghệ.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính, Hà Nội cần có thêm những chính sách quyết liệt hơn nữa để khuyến khích nhân tài, đưa Hà Nội trở thành trung tâm tri thức, trí tuệ nhân tạo của cả nước.
Chú trọng về đào tạo, xây dựng, thu hút được đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin có chất lượng tốt vào làm việc trong các đơn vị, cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Hà Nội. Bổ sung chỉ tiêu biên chế ngành nghề công nghệ thông tin nhằm đảm bảo đủ nguồn nhân lực tổ chức triển khai, giám sát số lượng các dự án chuyển đổi số rất lớn của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.
Nghiên cứu, chọn lựa một số đơn vị hành chính (từ cấp phường/xã tiến tới quận/huyện) để tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thông minh kiểu mẫu. Các đô thị thông minh kiểu mẫu này sẽ đóng vai trò là “đòn bẩy” để thúc đẩy việc phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các “đô thị vệ tinh” xung quanh. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn và các nhà đầu tư khác tham gia vào dự án lớn. Những doanh nghiệp này có thể đưa ra các giải pháp công nghệ thông minh, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu để giúp giải quyết các vấn đề thực tiễn của thành phố.
Như vậy, với quyết tâm chính trị và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng tình, ủng hộ của người dân, bằng các biện pháp, giải pháp linh hoạt, nhiệm vụ, lộ trình, thời gian cụ thể, rõ người, rõ việc, tin tưởng rằng Hà Nội sẽ hoàn thành và hoàn thành sớm các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đã xác định.
NHÓM PV BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ