Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, theo ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, trong năm 2020, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua bưu điện, trong đó hướng đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, coi người có công là trung tâm để phục vụ tốt nhất, hiệu quả nhất.

Đòn bẩy giúp mô hình hoạt động hiệu quả

Một trong những điểm thuận lợi mà toàn bộ 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện thí điểm mô hình chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện đều đồng tình đó là sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, giữa UBND tỉnh với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, hệ thống bưu điện trên địa bàn chính là đòn bẩy giúp mô hình hoạt động tốt. Nếu ở địa phương nào nhận được sự ủng hộ của chính quyền cũng như có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, khảo sát tại địa phương đó luôn nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối (hơn 98%), thậm chí tuyệt đối (100%) của người có công trong triển khai mô hình.

Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên, một trong những địa phương thí điểm trong năm 2019, thí điểm sau so với 6 địa phương thí điểm đợt đầu cho rằng, sự ủng hộ của các cấp chính quyền, đặc biệt là UBND tỉnh có vai trò rất quan trọng. Với sự đồng tình, hỗ trợ và phối hợp của tỉnh, việc triển khai mô hình thí điểm được thực hiện trơn tru, hiệu quả hơn.

leftcenterrightdel
Đến nay đã bao phủ ra 24 quận, huyện của thành phố với mức chi trả hằng tháng.

Đại diện Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương triển khai mô hình từ tháng 11-2017, đến nay đã bao phủ ra 24 quận, huyện của thành phố với mức chi trả hằng tháng hơn 73 tỷ đồng cho hơn 43.000 đối tượng, cũng cho rằng, nếu các bên liên quan phối hợp tốt, thường xuyên giao ban, trao đổi thông tin thì sẽ giải quyết được hết các vấn đề xảy ra trong công tác chi trả. Hiện nay, Bưu điện TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự phối hợp rất tốt của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, UBND các xã để thực hiện nhiệm vụ chi trả.

Ứng dụng công nghệ 4.0 và nâng cao thái độ, trách nhiệm phục vụ

Với phương châm coi việc chi trả người có công không đơn thuần là trả tiền cho người hưởng mà đó là sự tri ân của xã hội đối với những người có công, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam quán triệt nâng cao thái độ phục vụ, kỹ năng trình độ chi trả của nhân viên bưu điện. Không để tình trạng người có công phàn nàn về thái độ, cách ứng xử giao tiếp của nhân viên chi trả. Bưu điện Việt Nam cũng nhanh chóng khắc phục tình trạng tại một số nơi chưa có điểm chi trả cố định cũng như duy trì việc đảm bảo không gian nơi chi trả thoáng mát, sạch sẽ, có sách báo, trà nước phục vụ người có công đến nhận trợ cấp.

Đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, trong những năm tiếp theo Bưu điện Việt Nam sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mô hình chi trả bằng hai phương thức: Phương thức chi trả điện tử; Phương thức chi trả bằng tiền mặt thông qua Thẻ Thanh toán. Với phương thức chi trả điện tử, Cơ quan Bưu điện thực hiện giới thiệu với đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công/ người giám hộ hợp pháp về việc chi trả bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tìm hiểu nhu cầu của đối tượng. Trường hợp đối tượng hưởng đồng ý nhận tiền bằng phương thức không dùng tiền mặt và có đủ điều kiện sử dụng các dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ thực hiện đăng ký mở tài khoản thanh toán và phát Thẻ ngân hàng cho đối tượng hưởng. Với phương thức chi trả này, đối tượng hưởng tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ ngân hàng (mở TKNH, Thẻ NH,…); bưu điện hợp tác với ngân hàng để mở tài khoản ngân hàng cho đối tượng hưởng tạo thành gói giải pháp đồng bộ cho người hưởng vừa có TKNH vừa có thể rút tiền mặt; phương thức rút tiền linh hoạt bằng CMT hoặc bằng số chuẩn chi/ QR code.

leftcenterrightdel
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mô hình chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện là một chủ trương đúng đắn cần được nhân rộng và được các cấp ủng hộ.

Đối với những trường hợp đối tượng hưởng chưa đủ điều kiện của ngân hàng để mở tài khoản ngân hàng, Bưu điện sử dụng phương thức chi trả bằng tiền mặt qua Thẻ thanh toán. Đây là Thẻ do Bưu điện Việt Nam phát hành áp dụng với đối tượng mở thẻ là người hưởng chưa có tài khoản/thẻ ngân hàng; được tích hợp với ảnh chân dung của Chủ thẻ hoặc người được ủy quyền để thay thế chứng minh thư khi rút tiền. Người hưởng sẽ nhận tiền tại các điểm chi trả của Bưu điện (bưu cục, điểm Bưu điện văn hóa xã). Bưu điện đảm bảo bố trí điểm chi thuận tiện cho người hưởng, tối thiểu mỗi xã, phường có một điểm chi theo thời gian chi trả như hiện tại. Trong trường hợp chưa nhận tiền trong kỳ chi trả, người hưởng có thể đến các điểm cung cấp dịch vụ của  Bưu điện để nhận tiền (theo thông báo của Bưu điện). Với phương thức chi trả qua Thẻ thanh toán, sau khi Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội chuyển tiền, danh sách cho bưu điện huyện và file danh sách được upload vào hệ thống Thẻ chi trả, tiền sẽ được ghi có ngay vào tài khoản người hưởng; người hưởng sẽ nhận được thông báo SMS biến động số dư (nếu có điện thoại). Hệ thống thẻ chi trả này được xây dựng và triển khai thí điểm từ năm 2017. Đến nay, năng lực của hệ thống đã sẵn sàng để triển khai mở rộng.

Hiện nay, Bưu điện Việt Nam đang đề xuất Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho phép tiếp tục triển khai chi trả trợ cấp người có công qua bưu điện tại 20 địa phương thí điểm; mở rộng chi trả trên phạm vi toàn tỉnh đối với các đơn vị đang thí điểm tại một số huyện (Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Ninh) đồng thời mở rộng chi trả qua Bưu điện trên phạm vi toàn quốc trong năm 2020.

Khẳng định việc triển khai mô hình chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện là một chủ trương đúng đắn, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đồng tình với những kiến nghị mà các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng như Bưu điện Việt Nam đề xuất và cho rằng, để triển khai mô hình chi trả mới được tốt nhất, thực sự tri ân lớp người có công với cách mạng, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất phối kết hợp với Bưu điện Việt Nam triển khai mô hình khi đã có đủ năng lực cũng như làm tốt công tác dân vận. Có như vậy, mô hình này mới có thể phát huy những mặt tích cực, hạn chế những bất cập và có thể triển khai trên diện rộng ở nhiều địa phương khác trong cả nước.

Bài, ảnh: VĂN PHONG - THU THỦY