Những trụ sở phơi nắng, phơi sương

Sau hơn hai năm sáp nhập vào thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn (Nghệ An), trụ sở cũ của xã Vân Diên vẫn chưa có hướng xử lý khả quan. Không chỉ để không trụ sở gây lãng phí, xuống cấp, mỗi tháng ngân sách còn phải bỏ ra 1,5 triệu đồng thuê người bảo vệ.

Thực tế, huyện Nam Đàn hiện có tổng số 363 tài sản, trụ sở cần lập phương án sắp xếp sau sáp nhập. Trong đó, tổng số tài sản dự kiến bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 173 tài sản. Cùng với trụ sở các xã, một số lượng lớn nhà văn hóa các khối, xóm dôi dư sau sáp nhập cũng đang chậm có hướng xử lý vì những vướng mắc liên quan đến hồ sơ pháp lý.

Tại tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Lào Cai cũng xảy ra tình trạng tương tự. Sau sáp nhập, toàn tỉnh có 17 công trình của các ĐVHC cũ chưa sử dụng (15 trụ sở cấp xã, 2 trạm y tế xã). Số tài sản, trụ sở này đã được UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý, khai thác, sử dụng hoặc bán đấu giá nhưng tới nay vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để.

Nhiều nơi thiếu trụ sở làm việc, nhưng ở nhiều huyện, xã lại dư thừa, đóng cửa bỏ không, cỏ mọc um tùm, xuống cấp gây lãng phí lớn.

Quảng Ninh được ghi nhận là một trong những địa phương thực hiện rất tốt chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt phương án sắp xếp, sử dụng trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn ĐVHC cấp huyện, cấp xã mới. Tuy nhiên, sau sắp xếp, TP Hạ Long vẫn còn 54 nhà đất chưa có phương án sắp xếp lại, xử lý do chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.

Trụ sở UBND xã Đại Dực (Tiên Yên, Quảng Ninh) sau việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Khảo sát của phóng viên Báo Quân đội nhân dân cho thấy, dù nhiều hay ít, câu chuyện dôi dư tài sản công hầu như đều xuất hiện ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sáp nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Việc quản lý, sử dụng tài sản công sau khi sáp nhập có nơi còn thiếu khoa học, gây lãng phí. Liên quan đến vấn đề quản lý tài sản công sau sắp xếp ĐVHC, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn thừa nhận thực tế, có nơi sắp xếp hiệu quả, có nơi lãng phí. Nguyên nhân do khi sắp xếp chưa lường hết các vấn đề, triển khai việc sắp xếp nhanh; ngoài ra, có phần do những thủ tục hành chính quản lý về tài sản công.

Ưu tiên sử dụng vào mục đích công

Thời gian qua, công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công sau khi sắp xếp các ĐVHC đã được tỉnh Hòa Bình triển khai khẩn trương, quyết liệt, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, trong đó có chủ trương bán đấu giá đối với tài sản là nhà, đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với nhà, đất dôi dư của các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã sau khi sáp nhập.

Theo ông Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, khi bán đấu giá công khai, số tài sản này được người dân mua ngay từ đợt đầu, có số thu tương đối tốt và nộp toàn bộ vào ngân sách. Cùng với đó, khi thực hiện sáp nhập các ĐVHC, lãnh đạo huyện Lương Sơn đều tính đến việc các xã sau sáp nhập làm việc ở đâu. Từ đó, đầu tư sửa chữa đồng bộ, bảo đảm đáp ứng yêu cầu công việc.

Với Quảng Ninh-đơn vị đang có số lượng tài sản công dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập ĐVHC khá lớn, theo Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tiến Dương, hướng xử lý với các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC là để sử dụng vào mục đích công.

Thực tế cho thấy, nhiều trụ sở UBND xã cũ đã được tỉnh chuyển đổi công năng thành trường học, trung tâm chuyên môn, trụ sở của đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, không để lãng phí và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. “Với những trụ sở còn dôi dư, các địa phương không muốn đưa ra đấu giá đất mà muốn chuyển đổi thành trung tâm văn hóa cộng đồng, vì đất dành cho không gian sinh hoạt chung của bà con nhân dân ở trung tâm ngày càng ít”, ông Nguyễn Tiến Dương cho hay.

Tài sản công là nền tảng, là nguồn vốn quan trọng xây dựng và phát triển nền kinh tế, làm cho dân giàu, nước mạnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Do vậy, việc quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, từ thực tế của các địa phương trong triển khai việc quản lý, sử dụng tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sáp nhập ĐVHC cho thấy, nhiều nơi đang lúng túng vì chưa biết xử lý công trình dôi dư như thế nào để tránh lãng phí nhưng vẫn bảo đảm theo quy định của Nhà nước về xử lý tài sản công. 

Để khắc phục hạn chế nêu trên, ngày 28-6-2021, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 6911/BTC-QLCS về việc xử lý đối với tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo việc quản lý, xử lý đối với trụ sở làm việc, các tài sản khác của những cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo nghị quyết của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi sắp xếp lại; đồng thời xử lý kịp thời trụ sở, tài sản khác dôi dư bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước.

Việc lập phương án xử lý và tổ chức xử lý tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị nêu trên, các địa phương căn cứ vào Điều 41, Điều 42, Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành như Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26-12-2017... đã quy định cụ thể các hình thức xử lý tài sản công của các cơ quan nhà nước khi có thay đổi về tổ chức, thay đổi chức năng, nhiệm vụ; thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục lập phương án, phê duyệt phương án, quyết định xử lý và tổ chức thực hiện việc xử lý theo từng hình thức.

(còn nữa)

GIA MINH - CHIẾN THẮNG - MẠNH HƯNG - VŨ DUNG