Không chỉ tuyên truyền trước khi sắp xếp, sau sắp xếp, nhiều địa phương cũng rất quan tâm tới việc thực hiện lời hứa với nhân dân. Thành công đạt được nhiều, nhưng vẫn có những điều mà người dân còn trăn trở, băn khoăn...
Nâng cao chất lượng đời sống người dân
Sau hơn hai năm sáp nhập xã Đại Thành vào xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), cuộc sống người dân không có nhiều xáo trộn. Trong giai đoạn đầu sau khi sáp nhập, tại trụ sở cũ của xã Đại Thành vẫn duy trì bộ phận một cửa giúp người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính như trước đây. Anh Sằn A Phật, ở thôn Khe Lặc (thuộc xã Đại Thành cũ) chia sẻ: "Tôi và gia đình cũng như các hộ dân trong xã đã được lấy ý kiến nhiều lần. Lúc đầu cũng có nhiều ý kiến chưa đồng thuận với chủ trương sáp nhập hai xã. Lý do mà người dân chưa đồng thuận chính là hệ thống giao thông đi lại khó khăn. Quãng đường từ các bản thuộc xã Đại Thành đến trụ sở xã Đại Dực rất xa, nhiều dốc cao. Tuy nhiên, cán bộ đã tuyên truyền, hứa với bà con là sẽ xây dựng lại hệ thống đường sá, rút ngắn đường đi từ nơi xa nhất đến trung tâm xã từ 20km xuống còn 7km. Trước mắt, UBND xã vẫn duy trì cán bộ trực, làm việc song song tại trụ sở UBND xã Đại Thành cũ và tại trụ sở UBND xã Đại Dực để tạo thuận lợi nhất cho nhân dân làm thủ tục hành chính. Vì vậy, người dân đã đồng thuận rất cao với chủ trương sáp nhập hai xã".
Trao đổi với chúng tôi về "bí kíp" thực hiện thành công chủ trương sắp xếp ĐVHC trên địa bàn, Phó bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã Đại Dực Lý A Sinh cho biết: "Khi triển khai chủ trương sáp nhập hai xã, cán bộ xuống từng thôn tuyên truyền, giải thích, ghi nhận cũng như làm rõ từng ý kiến của người dân. Vì vậy, nhân dân đồng thuận, ủng hộ rất cao". Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tiến Dương: Tỉnh Quảng Ninh coi phát triển giao thông là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời quán triệt thời gian đầu sau sáp nhập vẫn giải quyết thủ tục hành chính ở hai nơi để tạo thuận lợi nhất cho nhân dân.
 |
Giao thông phát triển nên nhân dân xã Đại Dực (Tiên Yên, Quảng Ninh) có điều kiện vươn lên làm giàu từ sản xuất quế. Ảnh: HƯNG MẠNH |
Quả thực, việc thực hiện lời hứa với nhân dân tại Quảng Ninh đang được các cấp chính quyền tiến hành rất tốt. Cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, nhất là hệ thống giao thông phát triển đã mở đường cho người dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa nơi đây phát triển kinh tế. Nhờ giao thông thuận tiện, người dân xã Đại Dực có điều kiện đẩy mạnh sản xuất lâm nghiệp với những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, như: Cây quế, cây thông. Thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể, đến nay đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm, tiệm cận theo tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đi mấy chục ki-lô-mét để mua viên thuốc đau bụng
Sau khi sáp nhập xã Bản Péo vào xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì, Hà Giang), Phòng khám đa khoa khu vực Nậm Dịch thuộc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì đảm nhận chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 3.612 nhân khẩu thuộc 14 thôn. Trước khi sáp nhập, việc đảm nhiệm chăm sóc sức khỏe cho 2.097 người dân trên địa bàn rộng 18,65km2 với đường đồi núi hiểm trở đã là quá tải đối với 8 cán bộ, nhân viên y tế của phòng khám. Sau khi sáp nhập, địa bàn phụ trách rộng hơn và dân cư đông hơn, công việc của Phòng khám đa khoa khu vực Nậm Dịch càng thêm áp lực.
Ông Sin Ngọc Thinh, Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Nậm Dịch chia sẻ: "Sau khi sáp nhập, lực lượng nhân viên y tế và cơ sở vật chất vẫn giữ nguyên hiện trạng trong khi địa bàn phụ trách mở rộng, khiến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là khi dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn, việc rà soát, truy vết hay tổ chức tiêm chủng cho người dân gặp nhiều thách thức. Sau khi sáp nhập, nhiều người dân có tâm lý ngại đi xa khám, chữa bệnh, điều này gây trở ngại lớn cho công tác khám, chữa bệnh tại địa bàn. Không ít trường hợp, cán bộ, nhân viên ở phòng khám phải đi lại nhiều lần để thăm khám sức khỏe. Có khu vực, mỗi quả đồi chỉ có một nhà dân, cộng thêm đường núi gập ghềnh, cheo leo, cán bộ y tế phải mất 3-4 tiếng đi bộ mới tới”.
Khó khăn của Phòng khám đa khoa khu vực Nậm Dịch cũng là khó khăn chung của nhiều cơ sở và bác sĩ, nhân viên y tế ở các xã thuộc diện sáp nhập, nhất là miền núi. Thực tế, nước ta có chính sách phát triển đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản. Tuy nhiên, đội ngũ này cũng mới chỉ thực hiện được nhiệm vụ sơ cứu ban đầu và khám, chữa một số bệnh thông thường tại cộng đồng. Gánh nặng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân vẫn thuộc về các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực. Cùng với đó, vì nhiều lý do khách quan, nhân viên y tế thôn, bản cũng không thể cung cấp thuốc thường xuyên, đầy đủ ngay cả với những bệnh thông thường. Vì thế, thực tế vẫn có những trường hợp người dân phải vượt quãng đường vài chục ki-lô-mét tới trạm y tế xã chỉ để mua viên thuốc đau bụng.
Đây là lý do khiến nhiều người dân và cán bộ, nhân viên y tế ở những ĐVHC thuộc diện sắp xếp đề nghị giữ lại trụ sở, nhân viên y tế của các xã miền núi bị sáp nhập làm điểm trạm y tế xã nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân trong việc sử dụng các dịch vụ y tế.
Tránh nay nhập, mai tách
Xã Đại Thành và xã Đại Dực vốn trước kia đều thuộc xã Đại Dực (Tiên Yên, Quảng Ninh). Năm 2006, xã Đại Dực được tách thành hai xã là Đại Dực và Đại Thành. Năm 2020, hai xã Đại Dực và Đại Thành lại sáp nhập thành xã Đại Dực. Theo kế hoạch, sắp tới, tỉnh sẽ tiến hành sắp xếp lại cấp thôn, bản nên địa chỉ cư trú của người dân, địa chỉ đóng trụ sở của doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải thay đổi. Tương tự như vậy, tại Gia Lai, năm 2008, xã Chư Hdrông được tách thành phường Chi Lăng và xã Chư Hdrông thuộc TP Pleiku. Năm 2020, do thuộc diện sắp xếp ĐVHC, xã Chư Hdrông lại được sáp nhập vào phường Chi Lăng. Thực trạng đó gây ra không ít băn khoăn đối với người dân.
Chuyển băn khoăn của người dân tới đại diện Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên Trần Thị Duyên Hoa cho biết: "Để tránh phiền hà cho người dân, tỉnh đã quán triệt tới các cơ quan, địa phương về việc thực hiện đúng quy định của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14. Cụ thể là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và không thu tiền nếu nhân dân có nhu cầu chuyển đổi giấy tờ. Nếu giấy tờ vẫn còn thời hạn và người dân không muốn chuyển đổi thì vẫn được sử dụng bình thường".
Vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm không chỉ là việc chuyển đổi, sử dụng giấy tờ trong tương tác với cơ quan công quyền mà còn trong các quan hệ dân sự, kinh tế, nhất là đối với các cơ quan, doanh nghiệp. Bởi vậy, những việc tưởng đơn giản nhưng cũng tiêu tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của. Vì thế, tâm lý chung của người dân, doanh nghiệp là mong việc sắp xếp ĐVHC lần này được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo về mọi mặt, tránh tình trạng tách-nhập nhiều lần trong tương lai.
(còn nữa)
GIA MINH - CHIẾN THẮNG - MẠNH HƯNG - VŨ DUNG