Tuy nhiên, thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung nói riêng và khu vực miền núi nói chung có xu hướng nặng hơn, đồng thời vẫn còn những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản mà đáng lẽ chúng ta có thể ngăn chặn được. Điều đó đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện thật tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật Phòng, chống thiên tai. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu để người dân miền Trung chung sống an toàn với thiên tai là phải thực hiện cho tốt các phần việc liên quan tới phòng ngừa thiên tai...
Phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai
Phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, xác định cấp độ rủi ro thiên tai là những nội dung cực kỳ quan trọng để phòng ngừa thiên tai có hiệu quả. Đây là những nội dung chuyên ngành, có yêu cầu kỹ thuật rất cao. Con người và ứng dụng tiến bộ khoa học là hai yếu tố quyết định tới mức độ thành công của việc thực thi chính sách.
Việt Nam là quốc gia ven biển, nằm ở hạ nguồn của tất cả hệ thống sông ngòi lớn chảy qua lãnh thổ nhiều nước, có địa hình phần lớn là đồi núi. Ứng phó với bão từ biển, lũ từ thượng nguồn đổ về và sạt lở đất là công việc được thực hiện thường xuyên từ rất lâu đời. Những kinh nghiệm ấy được đúc rút, trao truyền và bồi đắp thường xuyên từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo thành kho tàng kiến thức, kinh nghiệm dân gian rất có giá trị. Trong những đợt mưa lũ, sạt lở đất ở miền Trung vừa rồi, rất nhiều người dân đã vận dụng các kiến thức, bài học kinh nghiệm ấy để tránh, chạy, nhờ đó thoát chết trong gang tấc. Vì thế, cần sớm triển khai công tác thu thập kiến thức, kinh nghiệm dân gian về phòng, chống bão, lũ, lụt, sạt lở đất để nghiên cứu, chọn lọc, bổ sung kiến thức khoa học, hệ thống hóa thành những cuốn cẩm nang phát trực tiếp hoặc dùng làm tài liệu tuyên truyền cho nhân dân; làm tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy trong các chuyên ngành có liên quan tới công tác phòng, chống thiên tai.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) hỗ trợ ngư dân xã đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) đưa tàu, thuyền về nơi tránh trú bão số 13. Ảnh: THÀNH CHUNG |
Đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo, phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, xác định cấp độ thiên tai cần được xếp vào nhóm chính sách ưu tiên hàng đầu. Có như vậy, nước ta mới có được đội ngũ cán bộ giỏi, biết kết hợp kiến thức, kinh nghiệm của cha ông với tinh hoa tri thức thời đại, khoa học hiện đại, phục vụ công tác một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, nhà nước cần ưu tiên đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các trạm quan trắc, các cơ sở nghiên cứu theo hướng hiện đại hóa; công tác nghiên cứu khoa học phục vụ phòng ngừa và ứng phó với thiên tai, trước mắt là xây dựng được hệ thống bản đồ cảnh báo thiên tai, phân vùng thiên tai chi tiết tới từng đơn vị hành chính cấp huyện, bắt đầu từ khu vực miền Trung, miền núi, vùng cao.
Di dời dân khỏi vùng nguy hiểm
Trên cơ sở bản đồ cảnh báo thiên tai, chính quyền địa phương ở các tỉnh miền Trung cần lập quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai; rà soát, xây dựng kế hoạch di dời dân ra khỏi vùng có rủi ro thiên tai rất cao; cắt cử cán bộ thường xuyên nắm bắt thông tin từ quần chúng nhân dân và trực tiếp quan sát thực địa để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường ở những vùng có rủi ro thiên tai ở cấp độ thấp hơn, kịp thời báo cáo và lập kế hoạch di dời dân trước khi rủi ro thiên tai ập đến.
 |
Lực lượng quân đội chèo thuyền tiếp tế lương thực tới bà con vùng lũ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: THU HÀ |
Việc lập quy hoạch, kế hoạch có thể không tiêu tốn nhiều ngân sách, nhưng để thực hiện quy hoạch, kế hoạch đòi hỏi phải có nguồn ngân sách đầu tư rất lớn. Bởi vậy, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần đặc biệt quan tâm tới việc phân bổ nguồn lực tài chính cho công tác này. Khi có nguồn lực thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chính quyền địa phương cần dành mức độ ưu tiên cao nhất cho việc triển khai thực hiện. Nơi di dân đến, bên cạnh việc phải đáp ứng điều kiện tránh rủi ro về thiên tai, rất cần quan tâm tới yếu tố thuận tiện trong tổ chức cuộc sống, sản xuất và phù hợp với đặc trưng văn hóa của từng nhóm cộng đồng. Cùng với việc xây dựng nhà ở tái định cư, cần giao đủ đất sản xuất cho bà con trên cơ sở hạ tầng thủy lợi thuận tiện, hữu dụng, nhất là đầu tư xây dựng các hồ chứa nước ngọt để tích trữ cho mùa khô phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của bà con; đồng thời quan tâm nhiều hơn tới những giải pháp phát triển bền vững để bà con yên tâm định cư lâu dài. Một trong những giải pháp phát triển bền vững rất cần được triển khai càng sớm càng tốt, đó là chuyển đổi mô hình, phương thức và loại hình sản xuất nông nghiệp để thích ứng với những tác động ngày càng tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan...
Việc di dời dân ra khỏi khu vực có rủi ro thiên tai rất cao phải được thực hiện bằng phương pháp vận động, thuyết phục để người dân thấy rõ tính mạng và tài sản của mọi người sẽ bị đe dọa ra sao nếu không di dời, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, giúp việc di dời thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả và có tính ổn định cao hơn.
Sau khi thực hiện di dời dân ra khỏi vùng có rủi ro thiên tai rất cao, tất cả diện tích đất ở, đất sản xuất trước đây của bà con phải được dùng cho trồng rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, mở rộng diện tích rừng tự nhiên để giảm lũ, sạt lở và giảm tác động tiêu cực bởi thiên tai.
Xây dựng các công trình chung sống với thiên tai
Với loại hình thiên tai sạt lở đất, đá ở khu vực miền núi, rất khó có một loại công trình nhà ở nào có thể trụ vững. Bởi vậy, khi xuất hiện rủi ro sạt lở đất, đá, việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm cần được coi là yêu cầu bắt buộc.
Để giảm nhẹ tác động tiêu cực của loại hình thiên tai sạt lở đất, đá, việc phát triển diện tích rừng tự nhiên, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc vẫn là biện pháp cơ bản, dễ thực hiện và ít tốn kém nhất.
 |
Bộ đội chèo thuyền tiếp tế lương thực cho bà con trong một công trình nhà chống lũ. Ảnh: Fanpage Dự án Nhà an toàn. |
Với những giải pháp mang tính kỹ thuật để phòng, chống sạt lở đất, đá ở khu vực miền Trung và vùng núi, nước ta có thể tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, quốc gia có địa hình chủ yếu là đồi núi và cũng thường xuyên phải đối mặt với loại hình thiên tai sạt lở đất. Cách đây hai năm, Tổng cục Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo cùng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản để chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất. Kinh nghiệm của Nhật Bản là xây dựng các đập Sabo dùng để chặn giữ trực tiếp đất, đá và cây cối bị cuốn trôi trong lòng bùn đất hoặc nước lũ, làm yếu đi sức chảy của dòng bùn đất; tạo dòng chảy xoáy ngược tại vùng thượng lưu đập, qua đó giảm lượng đất, đá chảy trôi theo dòng.
Đối với các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, để giảm thiệt hại, công tác chủ động phòng tránh là giải pháp quan trọng hàng đầu. Đồng chí Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất, cơ quan chuyên môn khi làm quy hoạch cần chú trọng hơn nữa những nghiên cứu về sạt lở đất để bố trí các khu vực dân cư bảo đảm an toàn. Về giải pháp quy hoạch đối với các vùng nguy cơ xảy ra sạt trượt, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia Nguyễn Thành Hưng cho biết: Hai đối tượng chịu tác động từ công tác quy hoạch và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai là công trình đã xây dựng, khu dân cư đã hình thành và khu dân cư, công trình mới dự kiến sẽ xây dựng. Công tác quy hoạch cần rà soát lại trên diện rộng, nhất là quy hoạch các điểm dân cư ở nông thôn. Đồng chí Nguyễn Thành Hưng cho biết: “Trước đây, chúng ta đã đề cập đến khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng nhưng chỉ quan tâm đến ngập lụt và độ dốc. Giờ phải quan tâm đến bản đồ cảnh báo các khu vực nguy cơ sạt lở và đưa vào hồ sơ quy hoạch. Những căn cứ đưa vào bản đồ dự báo sẽ là nền tảng quyết định lựa chọn khu đất xây dựng. Bên cạnh đó, công tác lựa chọn địa điểm xây dựng cần được thực hiện thận trọng hơn nữa. Việc khảo sát đánh giá mức độ an toàn trước thiên tai không chỉ dừng lại ở một khu vực mà cần tiến hành sâu hơn ở các điểm dân cư nhỏ lẻ; thậm chí là các công trình đơn lẻ, đặc biệt đối với vùng miền núi có độ dốc lớn".
Tổng kết mô hình hiệu quả để nhân rộng
Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, ở khu vực miền Trung nước ta, nhiều hộ gia đình đã được hỗ trợ xây dựng nhà chống lũ lụt bằng nhiều hình thức khác nhau và đã phát huy hiệu quả rõ ràng trong những đợt lũ lụt liên tiếp gần đây. Theo quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai, việc xây dựng và nâng cấp trường học, trạm y tế, trụ sở công, nhà văn hóa cộng đồng và công trình công cộng khác ở vùng thường xuyên xảy ra thiên tai phải tính đến nhu cầu kết hợp sử dụng làm địa điểm sơ tán dân khi có thiên tai. Vì vậy, các địa phương cần tổng kết việc thực hiện các mô hình xây dựng nhà chống lũ lụt; việc thực hiện quy định của Luật Phòng, chống thiên tai về việc xây dựng các công trình lưỡng dụng và hiệu quả thực tế trong những đợt thiên tai vừa qua. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá, đề xuất giải pháp hoàn thiện và nhân rộng các mô hình hiện có, thực hiện tốt hơn quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và đề xuất thêm mô hình, cách làm mới để có thêm thật nhiều nhà chống lũ lụt, công trình lưỡng dụng có thể sử dụng làm nơi tránh trú thiên tai cho nhân dân, qua đó bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho nhân dân.
Chẳng hạn, theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, trường học kiên cố là công trình lưỡng dụng, được sử dụng làm nơi sơ tán dân khi có thiên tai. Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam), trong đợt bão vừa qua, khoảng 50% cơ sở trường học ở Quảng Nam, Quảng Ngãi bị tốc mái, bay mái. Do vậy, cần có quy chuẩn trường học ở những vùng thường xuyên có thiên tai phải đổ mái bê tông, không lợp mái tôn hay mái ngói để bảo đảm an toàn cho người dân khi được sơ tán đến tránh trú thiên tai.
Khi mọi giải pháp phòng ngừa thiên tai ở miền Trung được thực hiện một cách đầy đủ, đồng bộ, khoa học, cẩn trọng, đề cao tính chủ động thích ứng, người dân nơi đây chắc chắn sẽ chung sống an toàn hơn với thiên tai, hiểm họa.
Nhóm PV Phòng Biên tập KT-XH-NC