Từ hiệu quả của những mô hình này, Đảng, Nhà nước ta đã có chính sách hỗ trợ nhân rộng, cùng với sự chung tay của đồng bào và bạn bè quốc tế, rất nhiều nhà chống lũ lụt, chống siêu bão được xây dựng ở các tỉnh miền Trung, góp phần rất hiệu quả giảm thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân, giúp nhiều hộ gia đình ở miền Trung có thể chung sống an toàn với thiên tai...
Nước lên đến đâu, nhà phao nổi đến đấy
Nếu nói về kinh nghiệm phòng, chống bão, lũ, lụt, có lẽ, hiếm người dân nơi đâu trên cả nước sánh bằng người dân miền Trung. Lâu nay, người dân miền Trung vẫn truyền nhau kinh nghiệm dựng nhà trên hệ thống phao để khi có lũ về gây ngập lụt, nước dâng đến đâu, nhà phao nổi đến đó. Nhà phao được xây dựng trên hệ thống thùng phuy được cố định, liên kết chắc chắn ở dưới; có hệ thống neo chằng để không bị dòng nước cuốn trôi. Khi có dự báo thiên tai, những hộ gia đình có nhà phao sẽ chuyển lương thực, vật dụng thiết yếu, đồ dùng quý và đưa người lên nhà phao. Nhờ có nhà phao, nhiều hộ gia đình ở miền Trung đã vượt qua các trận lũ lụt với thiệt hại thấp nhất.
 |
Nhà phao tại Tân Hóa đã phát huy tác dụng, ảnh chụp ngày 18-10-2020. Ảnh do dự án Nhà an toàn cung cấp |
Trước kinh nghiệm và hiệu quả từ mô hình này, Nhà nước ta và một số mạnh thường quân trong nước cùng bạn bè quốc tế đã hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các hộ dân làm thêm nhiều nhà phao hơn nữa, góp phần tích cực cùng nhân dân miền Trung sống chung an toàn với lũ lụt.
Dự án Nhà chống lũ và Quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững đã thực hiện sáng kiến xây dựng nhà an toàn và làng hạnh phúc để hỗ trợ người dân giảm tối đa thiệt hại do thiên tai.
Tại Quảng Bình, hiện có gần 100 nhà phao biệt lập do dự án Nhà chống lũ trực tiếp hỗ trợ xây dựng. Trong quá trình thực hiện dự án, cùng với các kiến trúc sư, người dân địa phương tham gia vào thiết kế và góp 50% giá trị căn nhà. Tính đến hết năm 2020, dự án Nhà chống lũ đã hỗ trợ thành công 795 hộ gia đình tại các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Bình, Khánh Hoà, Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang trong việc xây dựng và cải tạo nhà an toàn. Các kiến trúc sư của dự án Nhà chống lũ đã hoàn thiện thiết kế nhiều mô hình nhà an toàn như: Nhà kê nền thấp, nhà kê nền cao, nhà hai gác, nhà phao... Các mẫu thiết kế bảo đảm kết cấu vững chắc, phù hợp với địa hình, chống chịu được các loại thiên tai như: Lũ quét, lũ ống, lũ bùn... Trong đợt lũ vừa qua, mặc dù vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, nhưng những ngôi nhà phao biệt lập đã phát huy tác dụng ở nhiều khu vực thuộc tỉnh Quảng Bình, như thị xã Ba Đồn, huyện Tân Hóa, Minh Hóa.... Nước lũ dâng lên, nhà phao cũng nổi lên trên và trở thành ngôi nhà an toàn cho người dân.
Nhà cộng đồng, làng hạnh phúc
Bên cạnh đó, chương trình Nhà chống lũ cũng hỗ trợ 122 gia đình tại một số khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai ở huyện Nam Trà My và huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) để hình thành Làng hạnh phúc với việc xây dựng nhà ở và hạ tầng bảo đảm an toàn. Chương trình hỗ trợ kỹ thuật và một phần tài chính, phối hợp với cộng đồng cư dân, tận dụng nguồn lực và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để thực hiện dự án. Trong đó, Làng hạnh phúc chú trọng quy hoạch an toàn và giúp các sinh hoạt cộng đồng diễn ra thuận lợi, người dân được tiếp cận dễ dàng các dịch vụ công như: Trường học, trạm xá, điện lưới, nước sạch... Bên cạnh đó, người dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở an toàn, tránh hướng gió lốc, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét với hạ tầng ổn định như: Điện, nước sạch, khu xử lý rác thải.
 |
Một khu dân cư được di dời tới vùng đất cao ráo để phòng tránh lũ lụt. Ảnh: MẠNH HƯNG |
Không chỉ với từng hộ dân đơn lẻ, để sống chung với lũ cần có nơi tránh trú an toàn cho cộng đồng cư dân. Tại huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), một số khu vực dân cư đã được xây dựng Nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai do Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện. Những ngôi nhà kiên cố vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, vừa trở thành điểm tránh trú khi mưa bão, lũ lụt hoành hành. Sáng kiến này đã đáp ứng niềm mong mỏi của người dân địa phương, không chỉ bảo vệ cho bà con trước thiên tai mà còn nhân lên tinh thần cộng đồng cùng nhau vượt khó.
Nhà kiên cố, cao ráo
Trong đợt mưa lũ lịch sử ở các tỉnh miền Trung vừa qua, nhiều nơi tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) nước ngập cao quá cửa nhà. Thường xuyên phải đối mặt với dòng lũ dữ, nhiều hộ dân ở xã Lộc An đã chủ động kiên cố nhà cửa, đặc biệt là xây dựng nhà vượt lũ với sàn nhà cao, tường, mái vững chắc để khi nước dâng lên trở thành nơi tránh trú. Nhà chống lũ của gia đình bà Hồ Thị Lành được xây dựng từ năm 2018 thông qua dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” với sự hỗ trợ của Nhà nước và Quỹ Khí hậu xanh, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Với diện tích xây dựng 15m2, ngôi nhà kiên cố này đã giúp gia đình bà Hồ Thị Lành vượt qua những mùa bão lũ, thậm chí nhiều hộ dân xung quanh còn mang đồ dùng, lương thực, thực phẩm gửi nhờ.
Từ khi xây được nhà phòng, chống bão, lũ vào năm 2019, gia đình chị Bùi Thị Toan (thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) thêm vững tâm mỗi khi đến mùa mưa bão. “Nhờ có căn nhà này, đợt lũ vừa qua, dù nước lên cao, sóng lớn nhưng gia đình tôi vẫn an toàn và giữ được tài sản”, chị Bùi Thị Toan chia sẻ. Nói về hiệu quả của mô hình nhà vượt lũ, ông Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, những hộ dân xây dựng nhà kiên cố, cao ráo được bảo vệ tốt hơn trước ảnh hưởng thiên tai. Từ mô hình này, theo ông Lê Văn Sơn, địa phương rất cần được hỗ trợ xây dựng nhà vượt lũ cộng đồng với quy mô lớn, sức chứa nhiều người, qua đó, các khu vực dân cư sẽ được bảo đảm an toàn hơn, người dân có thể di chuyển nhanh và thuận tiện hơn khi được cảnh báo về thiên tai, nhất là ở vùng xung yếu, dễ ngập lụt.
Một dự án khác được tài trợ bởi Quỹ Khí hậu xanh thông qua UNDP (gọi tắt là GCF) được triển khai từ năm 2017 đến năm 2021 tại 7 tỉnh ven biển Việt Nam cũng đã hỗ trợ hàng nghìn hộ gia đình ở một số tỉnh miền Trung xây dựng được những ngôi nhà cao tầng chắc chắn.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Lê Thanh Phong, Trưởng phòng Phòng, chống thiên tai và Quản lý đê điều, Chi cục Thủy lợi (Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Dự án GCF tài trợ theo kế hoạch đầu tư xây dựng 897 nhà, hiện nay đã xây dựng được 715 nhà tại các huyện, thị xã: Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, Ba Đồn. Mỗi ngôi nhà có giá thành khoảng 70 triệu đồng, dự án GCF hỗ trợ 40 triệu đồng, còn lại người dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Mô hình nhà chống lũ do GCF tài trợ đã phát huy tác dụng rất tốt trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua".
Đứng trong ngôi nhà cao ráo, kiên cố do dự án GCF tài trợ xây dựng, anh Lê Văn Tân (thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vui vẻ nói: “Nhờ dự án GCF tài trợ và sự quyên góp ủng hộ của bà con nên tôi dựng được ngôi nhà chống lũ chắc chắn như thế này. Vì vậy, trong đợt lũ lịch sử vừa qua, tôi và mẹ già không phải đi sơ tán. Không những thế, tôi còn giúp được thêm 3 người hàng xóm sang tránh trú nhờ”.
 |
Anh Lê Văn Tân (thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) và mẹ trong ngôi nhà chống lũ. Ảnh: TRUNG KIỂM |
Nhà nước hỗ trợ nhân dân làm nhà chống lũ
Từ năm 2014, Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung đã được triển khai trên phạm vi 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chương trình này, để xây dựng những ngôi nhà bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, Nhà nước có chính sách hỗ trợ 12-16 triệu đồng/hộ, cho vay ưu đãi tối đa 15 triệu đồng/hộ trong vòng 10 năm. Vốn hỗ trợ cùng với nguồn lực của người dân góp sức xây dựng lên những ngôi nhà có sàn bê tông cốt thép, bảo đảm 3 cứng (sàn, tường, mái), diện tích tối thiểu 10m2 và sàn cao hơn mức ngập lụt thường xuyên ở địa phương là 1,5m.
Chia sẻ về những kết quả đạt được của chương trình nhà vượt lũ, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá: “Qua kiểm tra ở địa phương, chúng tôi thấy nhà chống lũ đã phát huy tốt hiệu quả, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân không chỉ trong mùa mưa bão năm nay mà nhiều năm qua. Hiện nay, chương trình đã hỗ trợ gần 20.000 hộ dân xây dựng nhà vượt lũ”.
Trong số 14 địa phương thuộc phạm vi chương trình nhà vượt lũ, ngoài tỉnh Bình Thuận không tham gia do không có đối tượng thuộc chương trình, đến nay, có 6/13 địa phương đã hoàn thành gồm: Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và Đà Nẵng. Các tỉnh còn lại là: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đều có tỷ lệ hoàn thành đạt hơn 70%. Ông Hà Quang Hưng cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương đánh giá hiệu quả mô hình nhà chống bão lũ, từ đó, đề xuất nhân rộng mô hình theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, tăng mức hỗ trợ Nhà nước với mong muốn có thêm nhiều hơn nữa những ngôi nhà an toàn cho người dân.
Như vậy, thực tế, ở miền Trung đã có rất nhiều mô hình, cách làm hay để nhân dân chung sống an toàn với thiên tai. Tuy nhiên, nếu để toàn bộ nhân dân miền Trung có được những ngôi nhà chống lũ an toàn, tổng số tiền đầu tư ước tính lên khoảng 500.000 tỷ đồng. Đây là con số quá lớn, ngân sách nhà nước không thể đầu tư toàn bộ trong thời gian ngắn. Vì thế, sự chung tay, góp sức của đồng bào trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế là rất quan trọng.
(Còn nữa)
Nhóm PV Phòng biên tập KT-XH-NC