Vì vậy, tất cả phương tiện không đúng theo thiết kế của nhà sản xuất, ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đều bị từ chối đăng kiểm.

Siết chặt quy trình đăng kiểm

Thời gian qua, nhiều xe khi đi đăng kiểm bị từ chối kiểm định. Những trường hợp phổ biến bị từ chối đăng kiểm là lắp thêm cản trước, cản sau, giá nóc, ghế; thay đổi hệ thống đèn xe, màu sơn; cơi nới thành, thùng xe...

Đa phần các phương tiện độ, chế phục vụ mục đích chiếu sáng hoặc những yếu tố thẩm mỹ theo sở thích của chủ phương tiện, tuy nhiên tất cả những vấn đề đó là vi phạm quy định tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải và Cục ĐKVN, làm ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật và sẽ bị từ chối đăng kiểm.

Kiểm định viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 18-04D (Nam Định) kiểm tra phương tiện đến đăng kiểm. 

Ông Phùng Mạnh Thuấn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 18-04D (Nam Định) cho biết: “Cục ĐKVN đã có văn bản yêu cầu các trung tâm đăng kiểm trong cả nước phải tuân thủ nghiêm quy định đăng kiểm. Trung tâm nào làm sai sẽ bị xử lý nghiêm.

Do đó, chúng tôi kiên quyết từ chối kiểm định đối với xe độ, chế, cơi nới, làm sai với mẫu mã của nhà sản xuất đã đăng ký. Những xe lắp thêm thì buộc phải tháo, trả về nguyên trạng ban đầu mới được kiểm định. Trước đây có thể một số trung tâm đăng kiểm vẫn cho qua với những xe lắp thêm phụ kiện, nhưng không làm thay đổi kết cấu, độ an toàn của phương tiện, nhưng nay việc đăng kiểm được siết chặt hơn.

Ví dụ, với đèn, nếu thay mới thì phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất, nếu thay đèn loại khác sẽ bị từ chối kiểm định... Vì vậy, chủ phương tiện xe cơ giới khi đến hạn kiểm định nên chủ động sửa chữa, bảo dưỡng khắc phục các khiếm khuyết để bảo đảm tiêu chuẩn theo các quy định hiện hành. Qua đó quá trình đăng kiểm xe sẽ nhanh chóng, chủ phương tiện không phải đi lại nhiều lần, vừa mất thời gian, vừa thêm chi phí”.

Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 18-01S (Nam Định), trung bình mỗi tháng khoảng 8-10% xe ô tô bị từ chối đăng kiểm, nguyên nhân chính là những lỗi về hệ thống lái, khí thải, phanh xe hay thay đổi hệ thống đèn xe. 

Theo nhiều người dân, việc siết chặt, không cấp phép đối với xe độ, chế là đúng, bởi phương tiện này tham gia giao thông sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh. Anh Vũ Văn Vinh ở huyện Mỹ Lộc (Nam Định) cho biết: “Việc các trung tâm đăng kiểm kiên quyết từ chối kiểm định những xe độ, chế là rất nên làm. Bởi đăng kiểm là nhằm khẳng định phương tiện bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, đủ điều kiện tham gia giao thông một cách an toàn”.

Cùng với đó, dư luận cũng mong cơ quan chức năng cương quyết xử lý dứt điểm tình trạng xe quá niên hạn sử dụng, xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng, xe chở quá trọng tải. Đây là những phương tiện không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà thường gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Nhiều chiêu thức “lách luật” để đạt đăng kiểm

Khi các trung tâm đăng kiểm đồng loạt siết chặt việc kiểm định phương tiện, kiên quyết không đăng kiểm đối với phương tiện độ, chế, thay đổi kết cấu theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất thì không ít người dân tìm cách “lách luật” để có thể đăng kiểm được phương tiện. Các dịch vụ hỗ trợ chủ phương tiện “lách luật” như cho thuê, mượn phụ tùng nguyên bản cũng có dịp nở rộ với đủ loại thiết bị, phụ tùng.

Chỉ cần vào các trang mạng xã hội tìm kiếm cụm từ “cho thuê phụ tùng ô tô” thì lập tức xuất hiện rất nhiều bài viết, trang quảng cáo, hội, nhóm cho thuê, cho mượn phụ tùng nguyên bản để phục vụ công tác đăng kiểm phương tiện. Thử liên hệ với một vài địa chỉ quảng cáo cho thuê phụ tùng trên các trang mạng xã hội, chúng tôi được biết, giá thuê một số phụ tùng cũng rất đa dạng và sự đắt-rẻ phụ thuộc vào nhu cầu của chủ phương tiện, loại phương tiện.

Không chỉ trên các trang mạng xã hội mà tại các cơ sở sửa chữa ô tô, dịch vụ “trả” xe về nguyên bản đang được rất nhiều người quan tâm. Tìm hiểu tại một số gara ô tô, chúng tôi được biết, để có thể thay thế phụ tùng đã độ như đèn pha, mặt ca lăng... để trả lại nguyên bản tốn rất nhiều thời gian, vì vậy, nhiều gara tính phí từ 500.000 đến 1.000.000 đồng cho công việc này, tùy mức độ phức tạp khi tháo lắp. Trong trường hợp nếu gara không có đồ nguyên bản thì chủ xe phải đặt cọc tiền, chờ vài ba ngày để nhờ gara tìm đồ về thay.

Việc thuê, mượn các thiết bị, phụ tùng để đối phó khi đến hạn đăng kiểm nhằm vô hiệu hóa công tác giám sát tiêu chuẩn an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi đăng kiểm như một “bài kiểm tra” định kỳ vô cùng quan trọng, giúp các cơ quan chức năng giám sát được số lượng, chất lượng xe hiện hành.

Đây được ví như “màng lọc” các lỗi lớn của phương tiện có thể gây ra nguy hiểm cho cộng đồng hay môi trường. Thế nhưng thực tế nhiều người lại cho rằng, việc các trung tâm đăng kiểm siết chặt kiểm tra các tiêu chuẩn của phương tiện là đang làm “khó” người dân(!).

Về vấn đề này, luật sư Phan Kế Hiền, Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi độ, chế, thay thế phụ tùng ô tô và việc các hội, nhóm trên mạng xã hội hay các cửa hàng, gara ô tô cho thuê lại linh kiện để chủ phương tiện lắp đặt, sau đó mang xe đi kiểm định là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hành chính theo quy định.

Theo Điều 16, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi độ xe có thể bị phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng. Theo Điều 30, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, hành vi thuê, mượn linh kiện phụ kiện của xe ô tô khi kiểm định sẽ bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng với cá nhân và từ 8 đến 12 triệu đồng với tổ chức là chủ xe ô tô vi phạm.

Tình trạng độ, chế, cho thuê, mượn linh kiện nhằm đạt tiêu chuẩn kiểm định trong thời gian vừa qua có thể dẫn tới các phương tiện khi tham gia giao thông không bảo đảm an toàn. Do vậy, cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý nghiêm chủ phương tiện cũng như các cửa hàng có dịch vụ cho thuê, mượn linh kiện, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH