Nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, Hà Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó điểm nhấn là gắn việc bảo tồn các giá trị văn hóa với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho đồng bào.

Lấy du lịch để bảo tồn văn hóa

Từ trung tâm huyện Quản Bạ theo con đường bê tông uốn lượn quanh những chân đồi khoảng 3km, chúng tôi có mặt tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ. Nặm Đăm là thôn 100% người Dao, nằm gọn trong một thung lũng nhỏ, được thiên nhiên ưu đãi với phong cảnh hữu tình, nên thơ. Trong nhiều homestay với phong cách rất riêng ở đây, chúng tôi chọn homestay có tên “Toong” để tham quan, tìm hiểu.

Thật thú vị, tại đây, chúng tôi được thưởng thức, đắm mình trong không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao, từ vẻ độc đáo của ngôi nhà trình tường (nhà truyền thống của người Dao), trang phục dân tộc, đến lối canh tác nông nghiệp, trồng lúa, ẩm thực...

Anh Lý Tà Dòng, sinh năm 1994, chủ Toong Homestay và vợ là chị Lý Thị Liềm đang bận làm cơm trưa phục vụ 8 du khách nhưng vẫn tranh thủ giới thiệu với chúng tôi về cơ sở của mình nói riêng và thôn Nặm Đăm nói chung. “Năm 2018, tôi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Thời điểm này, địa phương có chính sách hỗ trợ người dân trong thôn xây dựng homestay “thuần Dao” để vừa kinh doanh du lịch phát triển kinh tế, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tôi quyết định tham gia. Homestay của tôi có tổng diện tích 2ha, có ruộng lúa, ao cá... bắt đầu hoạt động từ tháng 3-2019. Từ việc kinh doanh homestay đã mang lại lợi nhuận cho gia đình khoảng 20 triệu đồng/tháng”, anh Lý Tà Dòng chia sẻ.

Theo ông Sân Sái Dương, công chức văn hóa-xã hội xã Quản Bạ, thôn Nặm Đăm có 60 hộ dân thì 26 hộ đã xây dựng, hoàn thành homestay để đón khách, 10 hộ đang xây dựng, hoàn thiện. Các hộ còn lại không kinh doanh homestay nhưng lại trồng rau, sản xuất lương thực, thực phẩm cung cấp cho cả thôn, hình thành Làng văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) thôn Nặm Đăm, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Quản Bạ, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ tìm hiểu về văn hóa truyền thống các dân tộc trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: PHƯƠNG HIỀN

Để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, thôn xây dựng hương ước quy định 100% hộ dân phải xây nhà kiểu truyền thống (nhà trình tường, xây bằng đất, trừ công trình phụ), người dân mặc trang phục dân tộc, không bán, không cho người ngoài thuê nhà, thuê đất... Thôn cũng duy trì đội văn nghệ với 11 thành viên là các nghệ nhân để biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ... mang đậm bản sắc dân tộc phục vụ du khách.

Nhờ đó, khách du lịch đến với Nặm Đăm ngày càng nhiều, các hộ dân trong thôn đều “sống khỏe” nhờ hoạt động kinh doanh du lịch. “Từ thành công của mô hình Làng VHDLCĐ thôn Nặm Đăm, huyện Quản Bạ tiếp tục định hướng xây dựng một số làng VHDLCĐ, như: Làng VHDLCĐ thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài của dân tộc Bố Y; làng VHDLCĐ thôn Khố Mỷ của dân tộc Mông...”, đồng chí Phạm Ngọc Pha, Phó chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết.

Cũng như Làng VHDLCĐ thôn Nặm Đăm, đến một số làng VHDLCĐ khác, như Làng VHDLCĐ thôn Lô Lô Chải của đồng bào dân tộc rất ít người Lô Lô ở xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn), Làng VHDLCĐ thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc) của đồng bào Mông, chúng tôi thực sự ấn tượng trước cách làm du lịch chuyên nghiệp, sáng tạo và hiệu quả “kép” (vừa phát triển du lịch, tạo sinh kế, thu nhập cho đồng bào, vừa góp phần quan trọng gìn giữ, phát huy bản sắc các dân tộc) mà những mô hình này mang lại.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Hoài, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 33 làng VHDLCĐ của hầu hết các dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh. Đặc trưng của mô hình làng VHDLCĐ là các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, phát huy, xây dựng trở thành sản phẩm du lịch, hoạt động của mô hình thể hiện phương châm: Lấy du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa, lấy văn hóa làm cơ sở để phát triển du lịch.

“Thực tế cho thấy, nhiều làng VHDLCĐ hoạt động rất hiệu quả, thu hút đông đảo du khách, mang lại thu nhập ổn định cho bà con, từ đó, bà con lại càng có động lực để bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, đồng chí Nguyễn Thị Hoài khẳng định.

Nhiều “mũi giáp công”

Phát triển du lịch để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là một hướng đi cần thiết và đúng đắn, tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ, chưa toàn diện mà cần tổ chức nhiều “mũi giáp công”.

Nhận thức rõ điều này, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, như đưa văn hóa truyền thống các DTTS vào giảng dạy trong nhà trường; phát huy vai trò của hội nghệ nhân dân gian (NNDG) trong duy trì, phát triển di sản văn hóa phi vật thể và truyền dạy cho thế hệ trẻ; xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; mở các lớp truyền dạy kỹ thuật may, thêu hoa văn trang phục truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống cho người dân; kiểm kê di sản văn hóa, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng và đưa vào danh mục di sản văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia; phục hồi, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể...

Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn thôn Mác Thượng, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình dệt thổ cẩm vừa tạo thu nhập, vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa. Ảnh: ANH DŨNG

Theo đồng chí Nguyễn Thị Hoài, đến nay, Hà Giang có 27 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nhiều di sản của đồng bào DTTS rất ít người, có thể kể đến như: Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn; Lễ Cúng tổ tiên của người Lô Lô; Lễ Ra đồng, Lễ Cúng thần rừng của người Pu Péo; nghi lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội Gầu Tào của người Mông; tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang thuộc các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc...

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 6-1-2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS vào giảng dạy trong trường học, đến nay, các trường học trên địa bàn tỉnh đều đã bố trí góc văn hóa truyền thống các dân tộc trong khuôn viên trường. Đây là nơi trưng bày đồ dùng, vật dụng, trang phục... của đồng bào các DTTS để giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa cho học sinh thông qua giờ học ngoại khóa.

Các trường còn lồng ghép nội dung này vào các tiết học giáo dục địa phương, mời nghệ nhân đến biểu diễn, ghi hình những lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ để giới thiệu cho học sinh nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục...

Cùng với đó, thời gian qua, tỉnh Hà Giang cũng rất quan tâm đến việc phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản, NNDG trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu.

Từ mô hình hội NNDG được thành lập đầu tiên tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì năm 2003, đến nay, tỉnh đã nhân rộng mô hình với 194 tổ chức hội ở cấp xã, huyện với hơn 9.000 hội viên, trong đó 18 nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là mô hình tổ chức hội tự nguyện, được cấp ủy, chính quyền địa phương đề xuất, vận động thành lập nhằm quy tụ các nghệ nhân, người có uy tín, thầy mo, thầy tạo... giúp địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh rất hiệu quả...

Ai tiếp bước nghệ nhân già?

Đó là câu hỏi đầy trăn trở của NNDG Phù Minh Thành, 59 tuổi, người dân tộc Pà Thẻn, ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình. Đây cũng là một trong những khó khăn chính trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở Hà Giang hiện nay.

Nghệ nhân Phù Minh Thành là thầy cúng trong Lễ hội nhảy lửa-một lễ hội truyền thống độc đáo của người Pà Thẻn. Khi lễ hội diễn ra, người tham gia sẽ lao vào nhảy múa giữa đống lửa, dẫm lên đống than đang rực hồng nhưng không hề bị đau, bị bỏng. Theo trí nhớ của nghệ nhân Phù Minh Thành, nghề thầy cúng không biết có từ bao giờ, chỉ biết ông được bố truyền nghề từ thời thanh niên.

“Ngày xưa, Lễ hội nhảy lửa bắt đầu được tổ chức từ ngày 16-10 âm lịch, kéo dài đến 30 tết, nhưng nay thì diễn ra cả năm theo nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, hiện nay, thanh niên hầu như không theo nghề thầy cúng, tôi già rồi mà vẫn chưa truyền nghề được cho ai...”, nghệ nhân Phù Minh Thành bày tỏ. Lễ hội nhảy lửa mang bản sắc riêng, là lễ hội duy nhất của người Pà Thẻn còn được duy trì đến nay, thế nhưng, việc một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ thờ ơ với văn hóa truyền thống sẽ khiến nguy cơ di sản này bị thất truyền.

Đây cũng là thực trạng, là khó khăn chung trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của nhiều DTTS ở Hà Giang, đòi hỏi các cấp, các ngành cần tiếp tục có chính sách đồng bộ, phù hợp để “tre già măng mọc", khi các nghệ nhân tuổi cao, sức yếu, qua đời thì sẽ có thế hệ trẻ tiếp bước.

Một nội dung nữa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa là các địa phương cần có giải pháp quản lý, tuyên truyền, giáo dục nhằm hạn chế ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, của du khách tác động ngược vào người dân, làm nảy sinh thứ văn hóa “lai căng”. Mặt khác, hiện nay, trong 33 làng VHDLCĐ của tỉnh, còn có làng hoạt động chưa hiệu quả, sản phẩm trùng lắp, cần được tập trung giải quyết, khắc phục. Bên cạnh đó, tỉnh cần có thêm chính sách thiết thực để hỗ trợ, động viên đội ngũ hơn 9.000 hội viên NNDG hoạt động tích cực, hiệu quả...

 

“Bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc; chú trọng việc bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, nghi lễ tín ngưỡng dân gian; các làn điệu dân ca, dân vũ; những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống; các làng nghề truyền thống; các hội NNDG...; tập trung xây dựng các làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới để phục vụ du lịch tại các địa phương”.

(Chương trình số 62-CTr/TU ngày 29-3-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về phát triển văn hóa gắn với du lịch)

(còn nữa)

TRUNG KIÊN - ĐỨC THỊNH