Tôi không đồng ý với quan điểm trên, tôi thích cách Nhật Bản chơi tấn công, làm chủ trận đấu trước Costa Rica. Bởi hai đội bóng này ngang ngửa về trình độ, Nhật Bản thậm chí nhỉnh hơn nhờ lợi thế tâm lý sau trận thắng Đức. Khi có lợi thế như vậy, chẳng nhẽ Nhật Bản lại hèn nhát phòng ngự? Thực tế, nếu có một trung phong sắc bén cỡ Taremi của Iran hay Valencia của Ecuador thì Nhật Bản đã sớm giải quyết được trận đấu.

leftcenterrightdel
    Cầu thủ Nhật Bản làm chủ trận đấu trước Costa Rica.Ảnh: Trenddetail 

Nhật Bản thường chơi hay khi thi đấu với những đội mạnh hơn. Nhưng trước Costa Rica ngang cơ, chẳng có lý do gì để Nhật Bản phòng ngự số đông. Tuy nhiên, kể cả họ có chơi tử thủ trước Costa Rica để tạo lợi thế đi tiếp thì người hâm mộ của họ có chấp nhận không, làng túc cầu có ghi nhận lối chơi xấu xí này không? Hơn nữa, lâu nay Nhật Bản thường biết đến là hình ảnh của một đội bóng chơi co cụm, phòng ngự chặt chẽ khi thi đấu World Cup. Chẳng nhẽ họ cứ chơi phòng ngự mãi sao? Theo tôi, qua trận đấu này, bóng đá Nhật Bản muốn truyền đi thông điệp rằng: Họ đang và sẽ sẵn sàng chơi đôi công. Trong thời gian tới, bóng đá Nhật Bản chắc chắn sẽ tập trung đào tạo các trung phong và một ngày nào đó, họ sẵn sàng chơi sòng phẳng với bất cứ đội bóng nào.

Thua Costa Rica, nhưng Nhật Bản được nhiều điều. Đó là sự tự tin làm chủ trận đấu, điều mà Nhật Bản lâu nay chưa có và chưa dám thể hiện tại đấu trường World Cup. Bóng đá Nhật Bản đã có bước phát triển thần kỳ trong thời gian qua và tôi cho rằng trận đấu với Costa Rica sẽ giúp họ gợi mở nhiều điều cho tương lai. 

Danh thủ NGUYỄN HỒNG SƠN