* MỜI BẠN ĐỌC DỰ ĐOÁN KẾT QUẢ WORLD CUP 2022
Diễn biến trận đấu đã quá rõ ràng và giới mộ điệu chẳng cần một bài tổng thuật mới hiểu chuyện gì đã xảy ra. Thế nhưng những câu hỏi thì vẫn cứ lởn vởn trong đầu và thậm chí là vuột ra khỏi miệng không ít người hâm mộ: “Chuyện gì đã xảy ra với cỗ xe tăng Đức?” “Người Đức có nên xem lại chính mình?”
 |
Các cầu thủ Nhật Bản ăn mừng chiến thắng trước đội tuyển Đức ở trận mở màn bảng E. Ảnh: Getty |
Với bước bứt tốc dũng mãnh và cú vuốt bóng bằng chân phải, Takuma Asano đã khiến cầu trường vỡ tung. Thực tế còn hơn thế! Hàng trăm triệu người hâm mộ World Cup 2022 vỡ òa trong cảm xúc. Không rõ liệu sự bùng nổ của đội tuyển Nhật Bản có lấy cảm hứng từ chiến thắng của Saudi Arabia trước gã khổng lồ Argentina một ngày trước đó hay không, nhưng điều ai cũng cảm nhận được ở trận cầu tối 23-11 là một Nhật Bản hoàn toàn khác và cả một cỗ xe tăng Đức cũng hoàn toàn khác.
Thực ra nói cỗ xe tăng Đức hoàn toàn khác cũng không phải. Điều cần phải khác là người hâm mộ phải khác đi, bản thân đội tuyển Đức cũng phải khác đi, phải chấp nhận thực tế rằng không phải cứ Đức là mạnh, là sẽ thắng. Chứng kiến pha ghi bàn “chốt hạ” trận mở màn bảng E của Nhật Bản và những cái nhìn ngơ ngác của các tuyển thủ dường như còn đang trong cơn mê sảng của mình, Thomas Müller đã thốt lên: “Thật là nực cười!” Còn Gundogan thì than thở: “Chúng tôi đã để họ ghi bàn quá dễ dàng”.
Thôi nào! Thêm một lần nữa người Đức cần phải khác đi. Họ cần học cách tôn trọng đối thủ. Câu nói của Thomas Müller thốt ra cứ như thể là Đức đến với World Cup 2022 chỉ để chiến thắng vậy, cứ như thể họ đến Qatar để mang về danh hiệu lần thứ 5 ở giải đấu danh giá nhất hành tinh này vậy. Còn câu nói của Gundogan thì chẳng khác nào cho rằng mình chưa làm hết sức nên đối phương mới có thể chiến thắng. Có thể thấy cỗ xe tăng Đức còn chưa sẵn sàng với việc mình có thể sẽ thất bại, dẫu rằng 4 năm trước họ đã bẽ bàng rời Nga sau vòng bảng. Điều đáng nói là trong 2 trận thua bẽ bàng ở World Cup 2018 đó, đương kim vô địch cũng thảm bại dưới tay một đội bóng đến từ châu Á: Hàn Quốc. Nói gì thì nói thất bại vẫn là thất bại, không điều gì có thể biện minh cho một thất bại mà bàn thắng duy nhất mình ghi được lại từ chấm phạt đền.
 |
Sự thất vọng của "cỗ xe tăng Đức". Ảnh: Getty.
|
Giờ thì người Đức nên tin vào một sự thật rằng họ có thể thua và thua đau. Sự tương đồng giữa Argentina và Đức mới thật kỳ lạ: Cả 2 đều được hưởng penalty và đều dẫn trước bằng lợi thế penalty đó để rồi cùng thua chóng vánh 1-2 trước các đối thủ xếp hạng thấp hơn nhiều lần. Có người đã thốt lên đầy trào phúng rằng: “Cỗ xe tăng Đức đã rất biết an ủi đội bóng áo trắng xanh”. Chỉ mới một ngày trước thôi, tâm điểm World Cup 2022 là Argentina thì giờ đây “cỗ xe tăng Đức” đang bị soi tới từng mắt xích. Điều đáng an ủi với Argentina là ở chỗ thế trận của Saudi Arabia dù sao cũng còn chưa quá lấn lướt và về tương quan lực lượng thì họ vẫn còn có thể vượt qua những đối thủ còn lại dễ dàng hơn. Riêng với Đức, nếu không có một sự nhìn nhận lại một cách nghiêm túc bản thân và thay đổi thì trận đụng độ với Tây Ban Nha vào ngày 28-11 tới có thể là dấu chấm hết lần thứ 2 cho đội bóng từng 4 lần lên đỉnh vinh quang.
Viễn cảnh tồi tệ đó có thể sẽ không xa, bởi “cỗ xe tăng Đức” đang có dấu hiệu rệu rã. Phát biểu sau trận đấu, Ilkay Gundogan phàn nàn rằng đồng đội của mình đã thiếu sức chiến đấu, thiếu khát khao chiến thắng, ám chỉ rằng đội bạn mới là người có khát khao chiến thắng mãnh liệt hơn. Nói về bàn thắng thứ hai của đội tuyển Nhật Bản, Gundogan lại nhận xét: “Tôi chưa từng thấy một bàn thắng nào được ghi dễ dàng hơn thế ở một kỳ World Cup. Thật thiếu sức thuyết phục. Chúng tôi phụ thuộc quá nhiều vào bóng dài, trong khi ở những đường bóng ngắn thì cơ bản là bị đối phương hóa giải và mất bóng. Có cảm giác chẳng ai muốn nhận bóng cả”.
Khi bị nhắc lại trải nghiệm đớn đau bị loại 4 năm về trước, huấn luyện viên Hansi Flick bực bội: “Tôi không phải là một phần của đội tuyển năm 2018. Vì thế, tôi không quan tâm. Tôi đang hướng tới tương lai”. Nhưng tương lai nào sẽ chờ đợi cỗ xe tăng Đức nếu toàn đội chỉ thấy chỉ trích. Bản thân đội tuyển Đức thì chỉ trích FIFA vì chiếc băng đeo tay đội trưởng, huấn luyện viên Flick chỉ thẳng lỗi của Niklas Sule lên mặt báo, Gundogan thì chỉ trích đồng đội của mình... Tìm ra khuyết điểm là điều quan trọng, nhưng là để khắc phục chứ không phải đổi lỗi cho nhau. Chỉ khi nào người Đức ngừng cho mình là số một và tập hợp lại theo cái cách mà những “Samurai xanh” đã làm ngày hôm qua thì mới mong không lặp lại câu chuyện buồn 2018.
Là một người khá yêu thích đội tuyển Đức, cá nhân tôi mong “cỗ xe tăng” sẽ lại tiến lên sau khi đại tu xong những mắt xích đang cần phải sửa chữa. Trước mắt thì chỉ có một cách là chờ đợi ngày 28-11 tới đây!
HỮU DƯƠNG