Liệu đó có phải là một thành công lớn trong sự kỳ vọng của Doha cũng như những ai đã ủng hộ họ ở Paris và FIFA? Câu trả lời là có. Đêm nay, ai chiến thắng trong trận chung kết, Messi hay Mbappe thì Qatar với việc đưa World Cup tới một nước vùng Vịnh và các trận đấu diễn ra vào mùa đông thay vì mùa hè như trước đây đã chiến thắng rực rỡ. Đọc những bài viết đầy hứng khởi trên báo chí Qatar những ngày này là thấy một bức tranh tươi sáng về việc hình ảnh của Qatar trên trường quốc tế đã thay đổi theo hướng tích cực.

GDP của họ cho thấy sự tăng trưởng bất chấp khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới. Những thăm dò cho thấy, các fan đến Qatar đa phần cảm thấy hài lòng với World Cup này. Đó là một World Cup được tổ chức chỉ trong một tháng, nhưng đã mất hơn 10 năm chuẩn bị, với rất nhiều tiền được chi ra. Nhưng trên thực tế, khi một vòng quay 12 năm kết thúc thì một vòng quay mới đang mở ra. World Cup chỉ đơn giản là sự bắt đầu của một chiến lược dài hơi hơn ở phía trước đối với Qatar.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: TTXVN 

Trong 12 năm, một quốc gia gần 3 triệu dân, với thu nhập đầu người hơn 50.000USD/năm, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư thế giới và xuất khẩu khí đốt hóa lỏng số 1 thế giới đã thay đổi hình ảnh của mình theo cách sử dụng bóng đá làm một thứ quyền lực mềm đầy hiệu quả. Trên thực tế, đã vang lên râm ran những chỉ trích đối với họ về đủ mọi vấn đề, từ quyền lợi và cái chết của những người lao động nhập cư hay đơn giản là việc cấm uống rượu, bia, nhưng không gì có thể ngăn cản đa số nghĩ rằng, đây là World Cup thành công trên nhiều bình diện, nhất là ở khả năng tổ chức của nước chủ nhà. Câu chuyện không phải ở chỗ họ chỉ có tiền, chỉ giàu có mà làm được tất cả những điều ấy, mà là ở khả năng hoạch định chiến lược và quản trị dự án lớn.

Bằng việc với tay sang Pháp để đặt chân đến thành phố ánh sáng, nơi cả thế giới hướng về đó, làm chủ PSG, đưa về những ngôi sao bậc nhất thế giới là Neymar, Mbappe và Messi, để rồi 2 trong số 3 siêu sao ấy có mặt trong trận chung kết đêm nay, Qatar đã đi một bước rất dài, trong nhiều năm, trước khi trái bóng thực sự lăn trên sân cỏ nước họ. PSG, với số tiền chi ban đầu hơn 100 triệu USD để mua lại và cho đến giờ đã tốn của Qatar 1 tỷ USD đầu tư, trở thành một "mũi khoan" vào "thành trì" bóng đá châu Âu. Số tiền ấy chẳng là gì so với 410 tỷ USD mà Qatar Sports Investments, quỹ đầu tư bóng đá mà gia đình hoàng gia Qatar đang nắm giữ, nhưng cho phép Qatar can thiệp sâu vào chuyện nội bộ bóng đá châu Âu ở cấp câu lạc bộ, thông qua việc Nasser Al-Khelaifi, Chủ tịch của PSG đã trở thành Chủ tịch ECA (Hiệp hội Các câu lạc bộ lớn nhất và giàu nhất châu Âu), không chỉ là can thiệp về chính trị bóng đá và từ đó tác động các chính sách khác về kinh tế, tài chính của châu lục này mà còn đem về rất nhiều lợi nhuận. Sau PSG là beIN Sports, một hệ thống truyền hình thể thao lớn mà Qatar sở hữu. Họ cũng đã nhảy vào châu Âu và đang mở rộng khu vực làm ăn sang Bắc Mỹ và toàn bộ vùng Trung Đông.

Đó là một bước chuyển quan trọng, đầy tham vọng để thay đổi suy nghĩ, từ một Qatar chỉ có dầu và khí thành một Qatar giỏi đầu tư ra nước ngoài và chính họ trở thành một trung tâm về tài chính, đầu tư lớn bậc nhất vùng Vịnh.

Trái bóng chỉ lăn trên sân, nhưng ở Qatar, nó lăn trên các bàn đàm phán trước, trong và sau khi các trận đấu kết thúc, cho một tương lai xa hơn không phải vì bóng đá, mà vì vị thế của đất nước nhỏ bé nhưng thông minh và rất năng động này trên bản đồ thế giới.

THƯ ANH (từ Doha, Qatar)