Xuất phát từ yêu cầu đó, tháng 2-1955, Tổng Quân ủy xác định kế hoạch 5 năm xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng (1955-1959) với phương châm: “Tích cực xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh tiến dần từng bước lên chính quy hóa và hiện đại hóa. Phải đi từ quân đội đơn thuần là bộ binh đến một quân đội có đủ các binh chủng, quân chủng... Xây dựng một lục quân cách mạng, chính quy, tương đối hiện đại, có bộ binh, pháo binh và một số binh chủng bảo đảm, đồng thời đặt cơ sở đầu tiên cho các binh, quân chủng như thiết giáp, không quân, hải quân; chuẩn bị điều kiện để sang kế hoạch sau sẽ thực hiện hiện đại hóa lên một trình độ cao hơn”[1].

Kế hoạch do Bộ Tổng Tham mưu và các Tổng cục chuẩn bị từ năm 1955 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Quân ủy. Được Bộ Chính trị thông qua về nguyên tắc đầu năm 1956, Ban Chấp hành Trung ương Đảng phê chuẩn tại Hội nghị lần thứ 12 (tháng 3-1957).

Kế hoạch đề ra nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng trong 5 năm (1955-1959) là xây dựng một lực lượng quản lý, tương đối hiện đại, đặt những cơ sở đầu tiên cho hai quân chủng Không quân và Hải quân, chuẩn bị điều kiện để khi bước sang kế hoạch sau sẽ hiện đại hóa quân đội trên một mức độ cao hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội ở Nam Định (1957). Ảnh tư liệu: TTXVN 

Những nội dung cụ thể về xây dựng quân đội được trình bày trong kế hoạch gồm:

“1. Tổ chức biên chế quân đội có tổng số quân thường trực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng phù hợp với số dân và ngân sách của Nhà nước.

2. Cải tiến trang bị vũ khí kỹ thuật nhằm tăng cường hỏa lực và các phương tiện kỹ thuật, thay đổi một cách tương đối căn bản trang bị cho các sư đoàn bộ binh, giải quyết trang bị cho các binh chủng mới xây dựng. Chú trọng đào tạo nhân viên kỹ thuật, xây dựng kho tàng và cơ sở sửa chữa, huớng dẫn cán bộ, chiến sĩ biết cách giữ gìn và sử dụng vũ khí trang bị mới.  

3. Đẩy mạnh thực hiện chính quy trên cả bốn mặt quân sự, chính trị, văn hóa và thể lực. Đây là một công tác trung tâm, lâu dài và thường xuyên của việc xây dựng quân đội trong hòa bình.

4. Huấn luyện cán bộ là khâu trung tâm nhất của công tác huấn luyện bộ đội. Đi đôi với huấn luyện tại chức, tổ chức cho cán bộ chỉ huy các cấp các quân chủng, binh chủng về căn bản được học qua các trường bổ túc và một phần qua các trường đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo và chỉ huy bộ đội hoàn thành mọi nhiệm vụ.

5. Thực hiện các điều lệnh chung của quân đội gồm điều lệnh đội ngũ, điều lệnh cảnh vệ, điều lệnh nội vụ, điều lệnh kỷ luật. Xúc tiến nghiên cứu biên soạn điều lệnh chiến đấu và các điều lệnh công tác chính trị, công tác tham mưu, công tác hậu cần.

6. Kiện toàn cơ quan tham mưu các cấp, nhất là Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan tham mưu quân khu, sư đoàn. Xây dựng các cơ quan tham mưu của quân đội ta có đủ trình độ tổ chức, huấn luyện, chỉ huy một quân đội do nhiều binh chủng hợp thành.

7. Xây dựng và nâng cao cơ sở vật chất trong quân đội lên chính quy và tương đối hiện đại. Gắn liền việc kiện toàn tổ chức cơ quan hậu cần các cấp với việc bảo đảm mọi nhu cầu vật chất cho kế hoạch xây dựng quân đội và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

8. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị. Đây là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng bậc nhất, có tác dụng quyết định trong việc xây dựng quân đội chính quy, hiện đại. Coi trọng xâv dựng các đảng bộ cơ sở. Thực hiện chế độ thủ trưởng phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể và thống nhất của Đảng ủy. Công tác chính trị phải nhằm nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nâng cao ý chí chiến đấu của quân đội, xây dựng sự nhất trí trong toàn quân về tư tưởng và hành động trong việc thực hiện kế hoạch xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu. Công tác chính trị phải đi sâu vào chiến thuật, kỹ thuật, chấp hành điều lệnh, nghiệp vụ, chuyên môn”[2].

Kế hoạch xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng 5 năm lần thứ nhất (1955-1959) còn đề ra những công tác cụ thể nhằm tăng cường phòng thủ và chuẩn bị chiến đấu như nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị làm nhiệm vụ ở biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, bờ biển (tuyến 1) và các đơn vị phòng không, các công tác tình báo, xây dựng công trình quốc phòng, đường sá, sửa chữa các sân bay, nghiên cứu xây dựng các căn cứ hải quân, xây dựng hệ thống thông tin chỉ huy quân sự… Ngân sách quốc phòng trong 5 năm (1955-1959) và kế hoạch phân phối, sử dụng ngân sách được Trung ương Đảng phê duyệt.

Hơn hai năm sau khi miền Bắc được giải phóng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, thông qua Kế hoạch 5 năm xây dựng quân đội. Đây là một sự kiện lớn, thể hiện sự quan tâm lãnh đạo chặt chẽ của Đảng đối với quân đội. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ ngày thành lập, quân đội được xây dựng theo một kế hoạch dài hạn và trong điều kiện có hòa bình. Kế hoạch xác định những nội dung cơ bản, toàn diện, vạch ra chương trình cụ thể trong bước đi đầu tiên của quân đội ta trên con đường xây dựng chính quy, hiện đại. Đây là một vấn đề mới đối với Đảng ta, nhân dân và quân đội ta: “Chúng ta càng phải xác định rằng, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng phải là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân”[3].

Những năm đầu tiên sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Tổng Quân ủy đã xác định được một kế hoạch “xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng” quy mô và mang tầm chiến lược. Đó là tiền đề, cơ sở cho sự phát triển của quân đội ta ngày nay, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

NGUYỄN THỊ THẢO (Viện Lịch sử Quân sự)


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đảng toàn tập, Tập 18, (1957), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 283- 287.

[2] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử  quân  sự  Việt Nam,  Lịch sử  Quân  đội  nhân dân Việt Nam, Tập 2, Nxb Quân đội  nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.36-37.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đảng toàn tập, Tập 18, 91957), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 289.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.