Để đánh thắng các thế lực ngoại bang xâm lược, dân tộc Việt Nam đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tiến hành chiến tranh nhân dân, giành thắng lợi vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Thực tiễn đó đã được minh chứng ngay từ thuở bình minh dựng nước, trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu tiên của Âu Việt và Lạc Việt, cho đến các triều đại phong kiến Việt Nam sau này, đã biết dựa vào sức mạnh của nhân dân để đánh giặc và giành thắng lợi.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng). Ảnh tư liệu

Trên cơ sở kế thừa, phát triển tư tưởng toàn dân đánh giặc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cũng như tiếp thu tinh hoa tư tưởng quân sự nhân loại, vận dụng sáng tạo lý luận khoa học Chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân, về khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, tiến hành kháng chiến và giành thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong toàn bộ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, yếu tố cốt lõi, bao trùm trong tư tưởng quốc phòng toàn dân là “vì dân, do dân, của dân”, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua các kỳ đại hội của Đảng, cùng với việc đề ra đường lối, chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, đối ngoại… Đảng ta luôn chú trọng lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc; khẳng định xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Nền quốc phòng của Việt Nam là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, mang bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa “nhằm giữ vững hòa bình, ổn định đất nước, sẵn sàng đánh bại mọi hành động xâm lược và bạo loạn lật đổ của các thế lực đế quốc và phản động, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[1].

Nhằm phát huy vai trò và động viên toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc; đồng thời, thể theo nguyện vọng của quân và dân cả nước, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI đã ra Chỉ thị số 381-CV/TW, quyết định lấy ngày 22-12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là “Ngày hội Quốc phòng toàn dân”.

Đây là sự kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời, đây là chủ trương lớn, nhất quán và quan trọng của Đảng, Nhà nước, nhằm tiếp tục khẳng định quan điểm toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.

Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam; nhân lên hình ảnh và phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Các hoạt động phong phú của Ngày hội Quốc phòng toàn dân đã góp phần giáo dục, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân và các tổ chức chính trị-xã hội cùng chung sức, đồng lòng chăm lo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại.

Ngày 22-12-1989, lần đầu tiên “Ngày hội Quốc phòng toàn dân” được tổ chức trọng thể tại tất cả các địa phương trong cả nước. Từ đó đến nay, ngày 22-12 hằng năm đã thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc, với các hoạt động thiết thực hướng vào chủ đề quốc phòng toàn dân và Quân đội nhân dân Việt Nam. Mỗi dịp 22-12 hằng năm, toàn dân và toàn quân ta lại có nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo để tổ chức Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân, với nhiều hình thức phong phú, ý nghĩa, như: Mít tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân dân; thăm hỏi, trao quà động viên gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; tổ chức dâng hương tại các nghĩa trang, nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ… tạo không khí vui tươi, phấn khởi, nâng cao tinh thần yêu nước cho mọi tầng lớp nhân dân.

Qua đó, xây dựng và củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển đất nước, tiến tới thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thực tiễn qua 35 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, nền quốc phòng toàn dân, sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam ngày càng được củng cố và tăng cường; hình ảnh, vị thế của Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Nền quốc phòng toàn dân tiếp tục được củng cố, phát triển toàn diện, đồng bộ cả về tiềm lực, thế trận và lực lượng. Lực lượng vũ trang nhân dân được xây dựng vững mạnh về chính trị, sức chiến đấu ngày càng được nâng cao, từng bước tiến lên hiện đại, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các khu vực phòng thủ quân khu, tỉnh, thành phố và thế trận phòng thủ của đất nước ngày càng được xây dựng phù hợp, vững chắc; hệ thống công trình phòng thủ biển, đảo, biên giới, địa bàn chiến lược trọng yếu được xây dựng cơ bản; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được gắn kết chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, các lực lượng trong từng ban, bộ, ngành, địa bàn và cả nước.

Cơ chế lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh ngày càng hoàn thiện. Sự kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng hoàn thiện. Công tác đối ngoại quốc phòng thực hiện tốt phương châm “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” và ngày càng đi vào chiều sâu, đa dạng các hình thức hợp tác đa phương và song phương, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tăng cường lòng tin chiến lược, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, cùng phát triển, góp phần bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa", không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Hiện nay, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải phát triển nhanh, mạnh, vững chắc, đồng bộ, toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội và phải vươn lên trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy hiệu quả Ngày hội Quốc phòng toàn dân cần được quan tâm đặc biệt, bởi đó là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trung tá, ThS LÊ VĂN THÀNH (Viện Lịch sử quân sự)


[1] Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, trang 848.