Dù quy mô chỉ tương đương cấp sư đoàn, nhưng chiến dịch có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, góp phần làm thất bại về cơ bản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy, mở đầu thời kỳ mới của cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam.
Bước sang năm 1964, cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam đang ở thế tiến công trên khắp 3 vùng chiến lược. Lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ. Không kể 300.000 dân quân du kích, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương có khoảng 120.000 quân, trong đó có 42.000 quân chủ lực (tăng 1/3 so với năm 1963). Trên cơ sở đó, Quân giải phóng tổ chức được 12 trung đoàn tập trung, trong đó miền Đông Nam Bộ có 2 trung đoàn là Q761 và Q762 (tăng gấp đôi so với năm 1963). Trong lúc đó, Chính quyền Sài Gòn lâm vào cuộc khủng hoảng với những vụ đảo chính diễn ra liên tục. Tuy vậy, đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố tìm mọi cách đưa chiến lược “chiến tranh đặc biệt” lên mức cao, tăng quân ngụy từ 417.000 tên (năm 1963) lên 561.600 tên (năm 1964), tăng số lượng cố vấn và quân yểm trợ Mỹ từ 22.400 (năm 1963) lên 26.200 tên (năm 1964)[1]. Tháng 2-1964, Mỹ triển khai kế hoạch mang tên “Chiến thắng” (từ tháng 4-1964 đến 1966) nhằm tiêu diệt toàn bộ tổ chức quân sự, chính trị, kinh tế của ta ở miền Nam Việt Nam.
 |
Máy bay của địch bị bắn rơi trong Chiến dịch Bình Giã. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu.
|
Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 2 đề ra nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam, trong đó nhấn mạnh phải nỗ lực mạnh mẽ để nhanh chóng tăng cường lực lượng quân sự và kiên trì đánh lâu dài, đồng thời tích cực tranh thủ thời cơ giành thắng lợi trong một thời gian ngắn. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 9, Trung ương Cục miền Nam họp Hội nghị lần thứ 2 xác định nhiệm vụ 2 năm 1964 - 1965 là: Tranh thủ thời cơ, liên tục tấn công địch làm cho mưu đồ tập trung quân đánh phá có trọng điểm và gom dân lập ấp chiến lược của chúng bị thất bại, diệt sinh lực của địch nhiều hơn nữa, đồng thời khẩn trương xây dựng thực lực ta, đặc biệt là xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, tạo ra những điều kiện cần thiết để năm sau có thể mở ra cục diện to lớn cho phong trào cách mạng, tiến lên giành thắng lợi quyết định[2].
Quán triệt nhiệm vụ của Trung ương, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1964 -1965 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ nhằm: 1. Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, làm chuyển biến so sánh lực lượng chuyển biến cục diện có lợi cho ta (trong đó có yêu cầu cụ thể là diệt từ 1 đến 2 tiểu đoàn lực lượng trù bị và cơ giới địch). 2. Tích cực hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nổi dậy phá “ấp chiến lược” của địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích tạo thuận lợi cho phong trào cách mạng phát triển phá kế hoạch bình định có trọng điểm của địch. 3. Mở rộng căn cứ từ Hát Dịch đến đông và tây Đường số 2, nối liền địa bàn từ miền Đông Nam Bộ với vùng rừng và biển Quân khu 6, xây dựng các bến tiếp nhận vũ khí miền Bắc chi viện qua đường biển cho chiến trường miền Đông Nam Bộ. 4. Rèn luyện trình độ tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực, đặc biệt về chiến thuật đánh vận động, nâng cao trình độ chỉ huy các cấp và rút kinh nghiệm cho việc tổ chức chỉ huy các chiến dịch sau này. Phạm vi chiến dịch dự kiến trải rộng trên địa bàn gần 500km2 thuộc các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa và Bình Thuận (nay là tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận). Hướng chủ yếu nằm trên tỉnh Bà Rịa, khu vực chi khu Đức Thạnh - ấp chiến lược Bình Giã. Hai hướng thứ yếu và phối hợp là Nhơn Trạch - Long Thành (Biên Hòa) và Hoài Đức - Tánh Linh (Bình Thuận). Chọn địa bàn này, lực lượng tiến công có khả năng chuẩn bị tốt các mặt cho tác chiến tập trung lớn của lực lượng chủ lực. Đây cũng là nơi xung yếu trong hệ thống phòng thủ phía đông Sài Gòn của địch. Khi bị đánh, chúng sẽ tập trung đối phó, tạo cơ hội cho Quân giải phóng đánh diệt địch ngoài công sự, làm thay đổi cục diện chiến trường.
Về tình hình địch, ở tỉnh Bà Rịa có Tiểu khu Phước Tuy, trực thuộc Đặc khu Phước Biên (tổ chức quân sự của 2 tỉnh Bà Rịa - Biên Hòa ghép lại) dưới sự chỉ huy của Quân đoàn 3 ngụy. Dưới Tiểu khu Phước Tuy có 4 chi khu (Đức Thạnh, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc), một số yếu khu quân sự, một căn cứ huấn luyện. Ngoài lực lượng tại chỗ, địch tăng cường 1 tiểu đoàn biệt động quân, 1 chi đội cơ giới, 2 trung đội pháo 105mm, lực lượng cơ động của Quân đoàn 3 sẵn sàng chi viện ứng cứu. Về phía ta, lực lượng tham gia chiến dịch có tổng cộng có 7.000 quân, gồm 2 trung đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn trợ chiến chủ lực Miền, 1 tiểu đoàn tập trung của Quân khu 7, 1 tiểu đoàn tập trung của Quân khu 6, 1 đại đội bộ đội địa phương của tỉnh Bà Rịa và bộ đội địa phương huyện Hoài Đức[3]. Ngoài ra còn có lực lượng phục vụ chiến đấu của Miền, các quân khu, các tỉnh có liên quan. Phương châm của chiến dịch là tích cực tiến công tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp chặt chẽ lực lượng ba thứ quân, tiến công quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị và binh vận, bảo đảm chắc thắng, tiêu diệt gọn từng đơn vị dịch, xây dựng lực lượng ta, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Phương thức tác chiến chủ yếu của chiến dịch là: đánh địch ngoài công sự, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật phục kích, tập kích, vận động tiến công, đánh bại các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch.
Tư tưởng chỉ đạo chiến dịch là đánh chắc thắng, nắm chắc tình hình địch - ta, chủ động tiến công, cơ động linh hoạt, bước trước tạo tiền đề có lợi cho bước sau, bước sau phát huy thắng lợi của bước trước, chiến đấu liên tục, giành thắng lợi giòn giã. Chiến dịch diễn ra trong hai đợt. Đợt 1 từ đêm 2-12-1964 đến 17-12-1964; Đợt 2 từ đêm 27-12-1964 đến chiều 3-1-1965. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.700 địch (bắt 293 tên), trong đó diệt Tiểu đoàn Biệt động quân 33, Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến 4 và 1 chi đoàn thiết giáp M113, đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn biệt động quân (30, 35, 38), 7 đại đội bảo an, làm tan rã hầu hết lực lượng dân vệ trong khu vực; phá hủy và phá hỏng 45 xe quân sự (phần lớn là M113), bắn rơi, bắn cháy 56 máy bay các loại, thu hơn 1.000 súng và gần 100 máy thông tin các loại; phá vỡ hàng loạt ấp chiến lược ven Đường số 2 và Đường số 15, giải phóng vùng ven Hàm Tân và toàn bộ huyện Hoài Đức, mở rộng căn cứ Hát Dịch (Bà Rịa) nối liền với Chiến khu Đ và căn cứ Bình Thuận, bảo đảm căn cứ tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc vào bằng đường biển.[4].
 |
Tượng đài chiến thắng Bình Giã nằm tại Quốc lộ 56, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu - nơi ghi dấu trang sử hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh: dangcongsan.vn) |
Chiến dịch Bình Giã có ý nghĩa lịch sử vượt ra ngoài phạm vi một chiến dịch thông thường, như lời của Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Với Ấp Bắc năm 1963 địch thấy khó thắng được ta, thì với Chiến dịch Bình Giã, địch đã thấy thua ta...”[5] Kết quả của chiến dịch chứng tỏ rằng, lực lượng vũ trang ba thứ quân, đặc biệt là chủ lực Miền đã có một bước tiến mới về trình độ tổ chức chỉ huy và trình độ thực hành chiến dịch. Qua thực hành chiến dịch, bộ đội chủ lực Miền có thể đánh, tiêu diệt các đội quân mạnh và trang bị hiện đại với các chiến thuật tân kỳ nhất của địch. Công tác bảo đảm hậu cần cho chiến dịch đã mở ra tiền đề về hình thức tổ chức hậu cần khu vực và hậu cần tại chỗ của chiến tranh nhân dân địa phương sau đó. Đó là vai trò to lớn của Chiến dịch Bình Giã đối với tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, đối với từng lĩnh vực cụ thể của chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ nói riêng.
Chiến thắng Bình Giã năm 1964 đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của chủ lực, giải phóng quân miền Nam, góp phần thúc đẩy nhanh sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ; khẳng định đường lối, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, sự điều hành nhạy bén, linh hoạt của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, góp phần tạo bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
NGUYỄN THỊ THẢO (Viện Lịch sử Quân sự)
[1] Bộ Tư lệnh quân khu 7 – Tỉnh ủy Bà Rịa –Vũng Tàu, 50 năm chiến dịch Bình Giã, thắng lợi và bài học lịch sử (2.12.1964 -2.12-1914), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.12.
[2] Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử biên niên xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 461.
[3] Bộ Quốc phòng, Cục khoa học Quân sự, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, CD Quyển 1, Lịch sử quân sự, Mục từ: Chiến dịch Bình Giã.
[4] Bộ Quốc phòng, Cục khoa học Quân sự, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, CD Quyển 1, Lịch sử quân sự, Mục từ: Chiến dịch Bình Giã.
[5] Lê Duẩn, Về chiến tranh nhân dân Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1983, tr.185.
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.