Nhưng nếu được hỏi ý nghĩa tên gọi của sông Cầu thì không phải ai cũng có cho mình câu trả lời chính xác. Ngay chính tôi, khi bất giác được hỏi cũng cảm thấy bối rối, chữ “cầu” trong sông Cầu nghĩa là cầu gì?
Xuôi dòng lịch sử, soi bóng sông trăng
Sông Cầu vốn là con sông lớn của xứ Bắc. Sông có diện tích lưu vực khoảng 6.030 km² với chiều dài ước 290km. Sông Cầu khởi nguồn từ đỉnh Phja Khao, còn gọi là núi Tham Thẩu, trên địa bàn xã Phương Viên (Chợ Đồn, Bắc Kạn). Ngoài nguồn chính từ xã Phương Viên, đến đoạn thành phố Bắc Kạn, dòng sông nhận thêm một nguồn phụ nữa từ xã Đôn Phong (Bạch Thông, Bắc Kạn) hợp lưu. Dưới cánh rừng già, sông len lỏi qua những tầng núi, luồn lách qua lớp lớp đá mồ côi lớn nhỏ. Sông đi hết địa phận tỉnh Bắc Kạn rồi Thái Nguyên trước khi dùng dằng trở thành ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Chạy hết ranh giới tự nhiên ấy, sông Cầu như thấy mình đơn lẻ và thấy mình cần một mối tâm giao lớn nên mới gặp gỡ với sông Lục Nam, sông Thương, sông Đuống, sông Kinh Thầy, sông Thái Bình tại nơi gọi là Lục Đầu giang trước khi mang theo con nước mải miết ra Biển Đông.
 |
Bến đò ngã ba Xà bên sông Cầu. Ảnh: NGUYÊN ĐỨC |
Hành trình lặng thầm của sông Cầu đi qua những núi đồi xuôi ngược. Nhưng có lẽ, với sự tinh tế và nhạy bén của mình, sông đã phát hiện ra mối ân tình sâu thẳm. Để rồi, bắt đầu từ quãng Ngã ba Xà tại xã Tam Giang (Yên Phong, Bắc Ninh) cho đến cuối chặng thủy trình, sông Cầu bỗng chốc trở nên mênh mang, trầm hùng và lãng mạn. Đó là điều mà người dân quê tôi vẫn thường tự hào mỗi khi nhớ về con sông quê hương.
Nhắc đến sự trù phú và nhộn nhịp của dòng sông xưa, thử điểm lại một số thông tin khảo cổ học ven sông Cầu. Từ Ngã ba Xà trở xuống, các nhà khảo cổ đã phát hiện đậm đặc những dấu tích của người Việt cổ. Tại di chỉ Nội Gầm thuộc thôn Phù Cầm, xã Dũng Liệt (Yên Phong) đã phát hiện nhiều hiện vật của một xưởng chế tác đá. Căn cứ vào kỹ thuật chế tác, loại hình hiện vật, các nhà khảo cổ có thể định danh thời đại thuộc giai đoạn văn hóa Đồng Đậu. Chẳng vậy mà Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng từng khẳng định nơi đây chính là “cái nôi sinh thành của người Việt”.
Sông Cầu tất bật với thủy trình, nhộn nhịp với các miền văn hóa. Cũng vì thế, nó là một trong số ít những con sông có nhiều tên gọi nhất của Việt Nam. Dựa theo văn tự ghi lại, sông Cầu được khai tên lần đầu vào thời Lý với hai tên gọi Phú Lương (từ Bắc Kạn đến Bắc Ninh) và Nguyệt Đức (từ Bắc Ninh đổ ra Lục Đầu). Lúc này, với sự phát triển của Đạo giáo và chiêm tinh học, vua đã ban cho dòng sông xứ Bắc những cái tên ứng với các vì sao. Ngoài sông Cầu thì một loạt con sông hồi đó như Thiên Đức (sông Đuống), Nhật Đức (sông Thương) và Minh Đức (sông Lục) cũng được đặt theo cấu trúc này.
Cũng trong số các con sông được ban tên theo các vì sao, duy nhất sông Cầu có hình thế nằm vắt ngang, chặn đứng tất cả con đường thiên lý từ Trung Quốc vào Việt Nam. Có lẽ, chính sông Cầu đã được lịch sử lựa chọn để trở thành con sông “ái quốc” như vậy. Năm 1077, khúc sông Cầu với tên gọi Như Nguyệt đã không còn là dòng sông trăng hiền hòa mà biến thành phòng tuyến chôn vùi hàng vạn quân giặc. Nơi ấy vang vọng bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” và những chiến tích của vị tướng tài ba Lý Thường Kiệt bảo vệ Thăng Long thành trước âm mưu xâm lược của nhà Tống. Cũng trong tài liệu địa lý nhà Tống, Vũ Bình (sông Cầu) ắt hẳn là con sông để lại nhiều ám ảnh với vua tôi phương Bắc khi phải bỏ lại bao tham vọng ngông cuồng bên bờ sông.
Nhắc vậy để nhớ, những tên gọi của sông Cầu trong sách sử của nước nhà gắn chặt với thời kỳ mà sông được lựa chọn thành yếu tố trung tâm trong lịch sử từ Như Nguyệt, Phú Lương, Nguyệt Đức (nhà Lý) hay Vũ Bình (nhà Tống). Nhưng còn cái tên sông Cầu thì sao? Nó chẳng phải là cái tên dân gian nằm ngoài hệ thống sách vở? Trước câu hỏi này, tôi phải tìm đến người bạn là nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Bằng, cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh để có câu trả lời thỏa đáng. Hóa ra, với người dân, dù sông được vua ban cho tên gì, được bôi lên lớp mực màu gì thì nó vẫn tồn tại tên gọi trong tâm thức dân gian như một thực thể song song. Cũng bởi vậy nên sông Cầu hay sông Thị Cầu gắn với tên gọi của bến Thị Cầu hay Đáp Cầu nằm trên sông. Đây cũng là bến sông, bãi chợ nổi tiếng xuất hiện từ thời nhà Lý-là cầu nối thẳng với con đường thiên lý qua phương Bắc. Người dân quê vốn vậy, cái gì quen, cái gì dễ nhớ vẫn là cái tên được tồn tại và sử dụng nhiều nhất. Và sông Cầu chính là cái tên vừa quen, vừa dễ nhớ ấy.
Thân thương “con sông của người quan họ”
Trong nhịp điệu quen thuộc ấy, tôi đã từng men theo đê sông Cầu tìm về với làng Diềm thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Đoạn đường đê còn nguyên vẻ thơ mộng xưa cũ với lũy tre nối tiếp những bờ bãi xanh xanh của cây cỏ. Đôi khóm lục bình lững lờ trôi trên dòng sông còn vương khói sóng tĩnh mịch. Ven bờ, người đánh cá gõ mái chèo vào mạn thuyền thành nhịp, miệng cất lên một làn điệu quan họ với chất giọng ngọt ngào, lảnh lót. Cứ thế, lời ca ẩn khuất trong hình sông, dáng cỏ. Trên con đường nhỏ vào ngõ quê, thanh âm xao xuyến vẫn nối dài không dứt.
Nơi làng quê chân chất, đâu phải cứ vào kỳ lễ hội, người dân vẫn tiếp những vị khách xa xôi bằng cả tấm lòng của người quan họ. Tôi chợt nhớ lại một kỷ niệm cùng người quan họ, trong tiết trời thu ngà ngà say, ngôi nhà của Nghệ nhân Ngô Thị Nhi có tới 3 thế hệ quan họ sinh sống. Chàng lữ khách nhận từ tay người quan họ bát nước chè xanh long lanh trong đáy mắt mùa qua “nhịp hải hà”. Cắn miếng kẹo lạc thơm mùi gừng, phảng phất lớp bột áo tựa mây trôi, ta nghe tan trong miệng một khúc trầm bổng dịu ngọt. Ấy thế mà chẳng xa xôi đâu, tôi có thể quả quyết điều này, dọc đôi bờ sông Cầu, nơi đâu ta cũng có thể gặp hình bóng nghệ nhân quan họ, nơi đâu ta cũng có thể gặp được tình ý quan họ như trong truyện cổ tích bước ra. Dọc đôi bờ sông ấy là các làng quan họ cổ, từ Viêm Xá, Cổ Mễ đến Thượng Đồng, từ Trà Xuyên, Khả Lễ đến Thị Cầu... Ở những thôn làng ấy, làn điệu dân ca quan họ vẫn mượt mà, canh quan họ vẫn thâu đêm dẫu người lữ khách có đôi lần lỡ hẹn...
Sông Cầu lặng lẽ đi hết những nhịp đập riêng chung. Đứng giữa dòng sông hiền hòa ấy, tôi tự hỏi những lớp sóng mênh mang kia đã giấu biết bao tâm sự thầm kín của những chuyến giao thương nhộn nhịp vùng đất phía Bắc kinh kỳ. Ngay ở điểm đầu sông Cầu chảy qua địa phận Bắc Ninh, làng nghề tơ tằm Vọng Nguyệt án ngữ như một chỉ dấu đầy linh hoạt và mềm mại cho tiếng vọng về xưa cũ. Năm 2019, trong lần lấy tư liệu, tôi tình cờ gặp ông Ngô Văn Hành ở thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang (Yên Phong, Bắc Ninh). Gia đình ông có truyền thống 4 đời làm nghề tơ tằm. Trong ký ức của ông, đoạn phù sa bồi đắp ven sông Cầu quê ông xưa bạt ngàn dâu xanh. Những cánh đồng dâu tưởng chỉ có trong thơ ca hiển hiện ngay phía bãi bồi cạnh sông. Ông Hành khoe với chúng tôi những mặt hàng tơ tằm nức tiếng vẫn xuất khẩu đi khắp các nước...
Tôi đã đi qua nhiều miền quê, đã được nghe nhiều làn điệu dân ca trên sông nước. Đó là nhịp điệu hào sảng của câu hò trên sông Mã, vẻ sầu thương của ca Huế trên sông Hương, hay nỗi lòng da diết trong câu vọng cổ trên sông Hậu. Trở về quê, tôi ước ao một lần được nghe quan họ trên sông Cầu. Quan họ sẽ vang lên như thế giữa cái mênh mang sóng nước, giữa cái hồn cốt của dòng sông trăng.
Nghĩ đến đây, tôi chợt nhớ câu chuyện được truyền tụng của một văn nhân Bắc Ninh từng “chơi lớn” với bạn bè. Dịp Giêng Hai, hạt mưa xuân giăng khắp đất trời, ông thuê hẳn chiếc phà xuôi dòng sông Cầu để bạn tâm giao có dịp vãn cảnh, ngâm tụng thơ phú. Chiếu trải trên phà, trà xanh mới hãm, khẩu trầu mới têm, đôi mắt người quan họ lóng lánh, câu ca người quan họ thêm vang rền. Thuyền trôi đi giữa những âm vang sóng nước, lãng đãng chân mây, cuối trời. Câu chuyện nửa thật nửa ngờ, người được nghe chỉ biết ước sao chuyến phà du lịch sông Cầu như thế sẽ được quy hoạch và đi vào khai thác. Với những người con quê hương Bắc Ninh, chắc hẳn ai cũng mong một ngày được thấy sông Cầu trở thành dòng sông du lịch, xứng đáng với tiềm năng vốn có.
Được biết UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với các điểm di sản văn hóa tại vùng ven sông Cầu. Trong tương lai không xa, tôi mường tượng với tốc độ phát triển ổn định như hiện nay, sẽ có một vùng văn hóa Kinh Bắc hội tụ và lan tỏa mạnh mẽ. Bệ phóng bền vững vẫn là những trầm tích văn hóa của vùng cổ kính ven kinh thành xưa. Và sông Cầu, với sứ mệnh của riêng mình, sẽ tiếp tục là cầu nối bền chặt giữa quá khứ và tương lai của một vùng văn hóa xứ sở thơ mộng, kiều diễm ấy.
Ghi chép của NGUYỄN ĐỨC HÀ