Có tiếng ô tô chạy chậm lại và dừng trên con đường bên bờ ruộng. Ba người đàn ông bước xuống, trông lạ lẫm, vẻ như đang tìm kiếm một thứ gì đó. Ba người giang tay bước xuống dốc. Đi đầu là một thanh niên cao ráo, quãng tuổi ngang với Abd al-AI. Chỉ nhìn qua cũng biết họ từ Cairo tới.
Người thanh niên chào Abd al-Maujud: “Chúc bác mọi sự bình an!”.
Abd al-Maujud đáp: “Vâng, Chúa chúc phúc cho các anh! Mời các anh uống chút trà nhé!”.
Người thanh niên hỏi: “Bác là chủ khu đất này à?”. Abd al-Maujud bảo rằng ông và hai con trai là tá điền, nhưng nông sản trồng từ đây tới chỗ bánh xe guồng nước đằng xa, cỡ khoảng 4 fê-đan (1 fê-đan = 4.200m2) là của ông. Cả vùng này trồng rau quả vì nó gần Cairo. Nông sản gồm cà chua, hành tây, khoai tây, cà tím, hoa quả... Còn ở đây, Abd al-Maujud chỉ trồng đậu Hà Lan.
Abd al-Maujud bảo Abd al-Al mang đến một ít đậu. Người thanh niên cao ráo bảo anh ta làm việc ở một khách sạn lớn ở Cairo, mở cửa bảy ngày trong tuần; mỗi ngày nấu ăn cho hơn 1.000 người. Mặc dù giám đốc là người phương Tây nhưng họ hiểu thị trường, hiểu cách thức và chiêu trò của các nhà thầu. Họ bảo: “Cần gì phải đi đâu xa? Chúng ta có những người nông dân, có nguồn tài chính mà phương tiện vận chuyển thì đã sẵn có. Chúng ta còn có cả nhân viên khách sạn để chuyển đồ nữa chứ”.
 |
Minh họa: Tô Ngọc. |
Abd al-Maujud lắc lắc đầu: “Ồ, họ làm vậy là tốt, suy nghĩ thấu đáo và được tổ chức hoàn hảo…”. Abd al-Al mang một ít đậu Hà Lan ra. Jabir bảo: “Đây là đậu loại một, hạt nào cũng mẩy. Thương lái sẽ không bán loại này ra thị trường đâu. Họ sẽ giữ lại cho những khách hàng nào hiểu thứ đồ ăn này và nghệ thuật của nó. Nhưng mọi thứ đều có cái giá của nó”. Nghe vậy, người thanh niên bảo khách sạn nơi anh ta làm không quan tâm quá nhiều tới giá cả, mà chất lượng là chính. Suy cho cùng thì đây là khách sạn quốc tế cơ mà.
Abd al-Maujud lặng im, nhìn hai người còn lại. Một người xách chiếc cặp da vuông màu đen, có vẻ như là đối tác làm việc. Người này bảo rằng mình là bạn người thanh niên cao ráo và không hiểu chút gì về khách sạn. Người còn lại là lái xe, chắc là làm cùng khách sạn đó. Jabir bắt đầu chủ đề mua và bán, hỏi rằng khách sạn muốn mua bao nhiêu. Người thanh niên bảo sẽ mua cả vụ đậu, không chỉ vụ của năm nay mà còn tất cả những vụ tiếp theo-tất nhiên là cả rau quả nữa. Cả cái thành phố Cairo nhập rau quả từ nơi này và vùng đất đối diện, vùng đất gần sông Nile và sa mạc. Anh ta chỉ về hướng đông, nơi phía sau ngôi làng thì không còn ai sinh sống. Nếu một con lạc đà lạc vào khu sa mạc đó, nó sẽ không thể tìm được lối về và sẽ chẳng có ai tìm được nó cả.
Người thanh niên gật gật đầu; người lái xe tán thưởng chất lượng đậu Hà Lan. Người thanh niên hỏi giá đậu. Abd al-Maujud bảo ở đây người ta bán theo bì; mỗi bì chừng khoảng năm đến sáu bảng. Mỗi bì khoảng 60 đến 70 cân. Người thanh niên lại bảo rằng giá ngoài chợ chắc chắn là đắt hơn. Rồi người thanh niên kết thúc câu chuyện bằng cách đứng dậy, bảo rằng chẳng cần phải nói quanh co gì nữa, giá cả ở đây rất hợp lý, đậu rất ổn, và quan trọng hơn là anh ta thấy khách sạn đã tìm thấy thứ mình cần mua.
Jabir mang ra một túi đậu khoảng 3 cân, đưa cho người lái xe. Abd al-Al sốt sắng hỏi địa chỉ khách sạn ở Cairo. Người thanh niên khoát tay quả quyết bảo sẽ quay lại tìm mọi người sau vài ngày nữa. Lúc đó, anh ta sẽ mang theo những chiếc túi đặc biệt để đựng đậu. Rồi thì thương vụ sẽ kết thúc và anh ta sẽ trả tiền mặt cho Abd al-Maujud. Abd al-Al chẳng cần phải tới Cairo làm gì. Sẽ rất khó để tìm được khách sạn vì đường thì xa mà khách sạn thì có nhiều nhân viên an ninh đứng gác. Thế nên tất cả những gì cần làm chỉ là ký vào hóa đơn và nhận tiền.
Abd al-Maujud hỏi vẻ tán đồng: “Tiền sẽ tới tay chúng tôi bằng cách nào?”. Người đàn ông phẩy tay: “Ồ, theo bất cứ cách nào bác muốn…”. Ba người thanh niên đứng dậy, từ chối bữa trưa Abd al-Maujud mời, cảm ơn và chúc ông khỏe mạnh. Adb al-Al hỏi: “Khi nào thì các anh quay lại?”. Người thanh niên bảo rằng không thể nói chính xác được nhưng sẽ trong khoảng 3 ngày.
Tiếng bánh xe nghiến lên bờ đất nhỏ dần cho tới khi không gian yên tĩnh trở lại. Abd al-Maujud tự hỏi không hiểu mình đang mơ hay đang tỉnh, còn Abd al-Al thì phá tan bầu không gian yên tĩnh giữa trưa đang thơm nồng mùi nông sản bằng sự lo lắng của mình. Anh bảo rằng dù sao thì anh cũng không tin tưởng người thanh niên đó. Abd al-Maujud bảo: “Đừng lo! Bố hoàn toàn tin tưởng họ”. Ông bảo Abd al-Al rằng, cả ông và anh đều muốn nghỉ ngơi, khỏi phải mệt lử người và chán ngán mỗi khi phải đong đậu vào bao, mang tới hết chỗ này rồi chỗ khác để tìm người chung tiền thuê xe vận chuyển ra chợ trong những đêm lạnh buốt. Mà chẳng phải lúc nào họ cũng bán hết được hàng và đành phải cứ chở đi chở lại mỗi đêm như vậy…
Abd al-Al bảo anh hiểu những điều đó, nhưng anh vẫn không tin tưởng mấy người đàn ông kia vì người thanh niên cao ráo không nói địa chỉ khách sạn. Abd al-Al chỉ thực sự tin khi nào nhìn thấy những chiếc xe tải tới chở hàng và cầm được tiền trên tay. Jabir thì bảo rằng người thanh niên trông như nhân viên mật vụ, bởi những người này thường tỏ ra thân thiện. Abd al-Maujud quát: “Nhân viên mật vụ tới đây làm gì chứ? Mấy người đó chẳng hỏi gì bí mật cả. Họ chỉ ngồi uống trà với chúng ta thôi”. Ba bố con im lặng!
Đêm xuống, Abd al-Maujud lại bảo ông sẽ nghỉ, không chở hàng nông sản ra chợ nữa và rằng cái chợ đó với tất cả sự bạo tàn và đáng thương của nó đã gặm nhấm dần cuộc đời ông. Ông sẽ không vay mượn chỗ này chỗ kia để chở nông sản đi nữa, sẽ không nhặt nhạnh tiền tạm ứng ở chỗ này hay chỗ khác nữa. Ông chỉ muốn thoát khỏi mỏi mệt và phiền nhiễu. Hôm sau, trước khi mặt trời kịp rọi tia nắng đầu tiên lên cây long não, Abd al-Maujud đã hỏi: “Chẳng phải hôm nay mấy người đó sẽ quay lại sao?”. Rồi không đợi ai trả lời, ông nhỏm dậy, thập thễnh bước ra con đường phía bờ ruộng. Ông dõi mắt dọc theo con đường vắng tanh, bối rối. Có lẽ mấy người đó lạc đường cũng nên. Trong một vùng, nơi này với nơi kia nhiều khi rất giống nhau; mà mấy người đó lại từ Cairo tới.
Ngày hôm sau nữa, ông mang theo một cành cọ làm gậy chống cho đỡ đau khớp như ngày hôm trước. Thời gian trôi nhanh. Đến ngày thứ bảy, trước khi mặt trời kịp lặn thì Abd al-Maujud đã trở nên rối bời, quẫn trí tự hỏi liệu có phải ông ra giá quá cao hay không? Hay ông đã tỏ ra có chút tham lam nào chăng? Adb al-Al bảo: “Thực ra bố rất hào phóng là đằng khác. Có lẽ đám người đó đã tìm được một khu trồng đậu khác, hay cũng có thể họ chỉ bày trò giải trí sau một chuyến đi dài mà thôi”.
Nhưng Adb al-Maujud chẳng hề để ý. Sau khi mặt trời mọc, ông lại đi bộ qua tất cả đám sương sớm để đến chỗ đèn hiệu giao thông, nhờ viên cảnh sát ở đó nếu thấy “một chiếc xe đen” nào tới thì hướng dẫn nó đi về chỗ cánh đồng của mình. Ông nghĩ, có lẽ người thanh niên đó mệt mỏi vì phải hỏi đường và chờ đợi quá lâu. Quãng nửa đêm, Adb al-Maujud bừng tỉnh dậy, rất vui kể rằng ông mơ gặp người đàn ông mà ông chưa từng thấy bao giờ. Người đàn ông này hỏi: “Có phải ông là Adb al-Maujud không?”, rồi bảo rằng khách sạn vắng khách nhưng thỏa thuận vẫn được thực hiện và khách sạn sẽ không chậm chễ nhập hàng nữa.
Adb al-Al thì gần như phát khóc khi nhìn chỗ đậu Hà Lan đang héo dần và lụi tàn. Thế này thì vụ nho Syria và sung Yemen cũng không kịp làm được nữa. Khi một chiếc xe tải từ Cairo tới lấy hàng, Adb al-Al hỏi về chiếc xe đen với ba người đàn ông như thế. Người lái xe tải chỉ ôm bụng cười rũ rượi.
Hôm đó, Abd al-Maujud lại tỉnh dậy lúc nửa đêm. Ông nghĩ, có lẽ người thanh niên đó đã đến, để nhập hàng vào phút cuối. Lần đầu tiên Abd al-Maujud ra đường mà không có hai người con trai đi cùng. Ông sợ rằng người thanh niên đó đã tới tìm mà ông không biết. Ông đã nhờ người dân trong làng chỉ đường tới cái cây long não cổ thụ nhất vùng cạnh ruộng của ông nếu gặp người thanh niên cùng chiếc xe đen đó. Ông sợ rằng anh ta tới từ Cairo nên sẽ lạc đường. Ông hỏi bất cứ ai, từ đàn ông, phụ nữ, cho tới trẻ nhỏ xem người thanh niên kia đã tới hay chưa. Ông hét lên với bất cứ chiếc xe nào chạy ngang qua con đường bên cây long não rằng, ông không sợ bóng đêm hay những nguy hiểm trên đường, rằng ông sẽ vác gậy mà đánh Jabir hay Abd al-Al nếu họ định làm mất cơ hội buôn bán cả đời của ông. Ông bảo: “Anh ta đã hứa nghĩa là anh ta sẽ tới!”.
Ai mà biết được chứ? Nhưng câu hỏi lớn nhất bây giờ là: “Ai sẽ giải quyết cái thỏa thuận mua đậu Hà Lan cho ông?”.
Truyện ngắn của Gamal el-Ghitani (Ai Cập)
HOÀNG LINH (dịch)