Nhắc đến bộ phim “Cánh đồng hoang”, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho biết, đây là một trong những bộ phim Việt hiếm hoi thể hiện được vẻ đẹp gần như hoàn hảo từ biên kịch đến đạo diễn, quay phim và âm nhạc; đặc biệt nhất là diễn xuất tuyệt vời của hai ngôi sao điện ảnh một thời: Nghệ sĩ Nhân dân Lâm Tới (vai Ba Đô), diễn viên Thúy An (vai Sáu Xoa, vợ Ba Đô). Phim do nhà văn Nguyễn Quang Sáng biên kịch, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hồng Sến đạo diễn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết nhạc. Bộ phim “Cánh đồng hoang” được công chiếu vào ngày 30-4-1979, sau đó từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá như giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1980, huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế Moscow năm 1981.
 |
Một hình ảnh ấn tượng trong phim “Cánh đồng hoang”. Ảnh tư liệu |
Phía sau thành công của "Cánh đồng hoang" là những cống hiến lặng thầm của đội ngũ làm phim với nhiều điều chưa kể. Phim được thực hiện trong hơn nửa năm trời, giữa vùng nước lũ Đồng Tháp Mười mênh mông. Ê kíp sản xuất hơn 100 người đã làm việc cật lực bất kể ngày đêm để làm ra những thước phim sống mãi với thời gian. Ông Dương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm phim, chia sẻ: “Cánh đồng hoang” được thực hiện trong hoàn cảnh khó khăn bộn bề, thiếu thốn vô cùng, dự toán kinh phí chưa tới 300.000 đồng nhưng phải chi tiêu đủ thứ, nào là thuê trực thăng, ăn uống, chi phí cho diễn viên, đạo cụ. Anh em trong đoàn ăn, ngủ tạm bợ trong những căn nhà bỏ hoang, hay “sướng” hơn một chút là trong trường học nhiều tháng liền, vậy mà mọi người vẫn vui vẻ, lạc quan".
Nghệ sĩ Ưu tú, nhà quay phim Bằng Phong, phó quay phim “Cánh đồng hoang”, cho biết: “Thời đó, chỉ có một máy quay phim, máy bộ đàm liên lạc cũng không có, để quay cùng lúc nhiều cảnh, ê kíp phải hẹn trước với diễn viên và dựa vào dấu hiệu hay ký hiệu làm dấu, có như vậy thì các cảnh quay mới diễn ra cùng lúc”. Nhắc về kỷ niệm, nhà quay phim Bằng Phong nhớ nhất cảnh quay kinh điển khi hai chiếc trực thăng quần thảo trên không, vợ chồng Ba Đô phải cho con vào túi ni lông, buộc miệng túi lại và dìm xuống nước để che giấu. “Cảnh quay này được tập trước ở trên bờ, chỗ khô ráo để tính cú máy trước. Sau đó, khi xuống nước thật, quay phim căn máy y hệt và chỉ làm một lần, không lặp đi lặp lại như những phân cảnh khác vì đây là cảnh quay đặc biệt, cháu nhỏ lúc ấy mới hơn 10 tháng tuổi”, Nghệ sĩ Ưu tú Bằng Phong kể.
“Diễn viên nhí” lần đầu đóng phim khi đó là Nguyễn Văn Thuận, cháu ruột của đạo diễn Hồng Sến. Đây cũng chính là cảnh kinh điển trong phim, khiến khán giả mỗi lần xem lại đều thót tim, ám ảnh. Hình ảnh này được các nhà làm phim lấy cảm hứng từ chất liệu đời sống thật.
Trong dòng chảy của những tác phẩm kinh điển, “Cánh đồng hoang” nổi bật như một bản hùng ca trữ tình của màn ảnh Việt. Vợ chồng Ba Đô-Sáu Xoa chỉ có duy nhất chiếc xuồng nhỏ, sống trong một căn chòi giữa cánh đồng hoang, hằng ngày đối mặt với những trận càn quét của máy bay địch, với thế lực sắt thép tượng trưng cho thế giới văn minh, hiện đại. Thế nhưng, ở đó vẫn lấp lánh chất trữ tình bởi cuộc sống hồn hậu, chan hòa với thiên nhiên của con người, tình cảm vợ chồng, gia đình và tình yêu quê hương, đất nước. Như một lát cắt lịch sử Việt Nam, bộ phim không chỉ tái hiện cuộc chiến khốc liệt mà còn khắc họa sinh động nhịp sống bình dị nhưng kiên cường của con người. Mỗi khung hình, mỗi thanh âm đều thấm đẫm hơi thở vùng sông nước-nơi sự trù phú của thiên nhiên hòa quyện với những hiểm nguy rình rập, tạo nên một bức tranh hiện thực vừa nên thơ, vừa bi tráng.
Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức bình chọn 50 tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu. Hạng mục điện ảnh với 10 đề cử, trong đó có bộ phim điện ảnh kinh điển “Cánh đồng hoang” cùng 9 tác phẩm điện ảnh tiêu biểu khác.
CHÂU XUYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.