Trên sân khấu truyền hình, trên diễn đàn, trên bục giảng, trong bài báo, luận văn… người ta vẫn nhiệt tình nói: “Vô cùng đặc sắc”, “vô cùng hấp dẫn”, “vô cùng ấn tượng”, “cực kỳ hoành tráng”, “cực kỳ lôi cuốn”, “cực kỳ cuồng nhiệt”… “thật tuyệt vời”, “quá đẹp”, “quá siêu”… Trong ngôn ngữ giới trẻ thì tình trạng này còn đi xa hơn: Cực sang, cực siêu, cực chất, cực hót, cực nóng… Cách dùng từ này đã thành thói quen đến nỗi có thể xác lập ngay một công thức với cấu tạo: Tính từ chỉ mức độ cao nhất + tính từ/động từ mạnh. Ví dụ: “Vô cùng hấp dẫn”, “vô cùng cuồng nhiệt”… Người ta dùng thật thoải mái những kết hợp từ mà không sợ đúng sai: “Cực kỳ bùng nổ”, “cực kỳ nóng bỏng”, “vô cùng sang chảnh”, “tuyệt vời ấn tượng”…
Từ ngôn ngữ nói đến ngôn ngữ văn bản cách nhau không quá xa, những từ này dễ dàng thấy trên mặt báo, nhất là các báo mạng có đối tượng đọc là giới trẻ. Ví như: “Đêm diễn cực kỳ cuồng nhiệt, hoành tráng đã khép lại nhưng dư âm sẽ còn đọng lại mãi về hình ảnh dàn sao siêu khủng đã cháy hết mình tạo ra một không khí vô cùng sôi động, siêu nóng, quá hấp dẫn và tuyệt vời mỹ mãn…”. Dễ thấy ngay cách dùng các tính từ “cực kỳ”, “siêu”, “vô cùng”, “tuyệt vời” đã cho thấy sự thổi phồng khác xa với sự thật vốn có.
Nhưng thể hiện rõ hơn cả là trong các bài thi tuyển sinh vào đại học. Hình như cứ viết về tác phẩm nào đó là có rất nhiều thí sinh “phong” luôn cho tác giả là một thiên tài. Trong khi đó với nền văn học Việt Nam để được gọi là “thiên tài”, là rất hiếm hoi. Chưa kể tới sự phân tích thể hiện trong bài thi, các hình tượng đều bị đẩy đi quá giới hạn, ví như “bức tranh vùng Kinh Bắc được tác giả vẽ lên vô cùng đặc sắc với những hình ảnh cực kỳ ấn tượng và những nét màu tuyệt vời xao xuyến…”. Văn như thế, các thầy cô giáo gọi là văn sáo, sáo rỗng!
“Vô cùng”, “cực kỳ”, “quá”… là những từ chỉ mức độ cao nhất, để gọn lại mà vẫn giữ nguyên được nghĩa, người ta bèn thay thế bằng từ “siêu”. Thế là có một loạt từ mới: Siêu bền, siêu rẻ, siêu nhanh, siêu hót, siêu chất, siêu sao, siêu sang, siêu đẹp, siêu giàu, siêu khủng… “Siêu” vốn là một từ Hán Việt có nghĩa vượt lên trên mức bình thường (siêu nhân, siêu hình, siêu nhiên…) nhưng nay lại được kết hợp với một từ thuần Việt thành ra lai tạp: Siêu chảnh, siêu rẻ… Thậm chí nó vượt qua các quy tắc ngữ pháp thông thường để kết hợp với một từ tố Anh ngữ là “hot” thành “siêu hot” được hiểu là siêu nóng, quá nóng…
Những tính từ chỉ sự quá mức, những cách nói tạo sự giật gân gây chú ý là “sản phẩm” (đúng ra là mặt trái) của kinh tế thị trường cần một sự quảng cáo, giới thiệu, đánh bóng, lăng xê, như “cực tốt”, “cực bền”, “siêu rẻ”... Thế là chúng đi một cách tự nhiên vào đời sống mà không hề có sự sàng lọc, cho nên dễ hiểu nó thường hay được giới trẻ sử dụng.
Ngôn ngữ là văn hóa, đến lượt văn hóa thể hiện trong ngôn ngữ. Trung thực, đúng mực trong ngôn ngữ là một cách thể hiện sự đúng mực và trung thực của con người. Nói quá lên hay giảm đi đều làm phương hại tới bản chất sự vật và tác động tiêu cực tới hiệu ứng tiếp nhận của người nghe, người đọc. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không chỉ của riêng nhà trường mà của toàn xã hội, không của riêng ai mà của tất cả mọi công dân Việt Nam yêu nước!
NGUYÊN THANH