Năm nào mẹ tôi cũng mang mít biếu các nhà hàng xóm, coi như chia sẻ một chút thơm thảo của đời cây. Hết mùa mít, mẹ sai tôi, hoặc đích thân bà dùng dao đẽo thân cây, ở những núm mà trước đó từng đeo nặng quả. Người ta bảo làm thế thì mùa sau mít sẽ sai quả hơn. Cứ nhìn những cây mít bị bỏ hoang trong những vườn hoang mà xem, vì không ai làm việc đó cho chúng, nên mỗi năm chúng ra quả một ít đi.
Năm tôi còn ở một ngôi làng trong chân núi, hàng xóm của tôi là một bà cụ cô đơn. Bà sống một mình trong ngôi nhà tranh rất ngăn nắp, sạch sẽ. Ngôi nhà lại nằm giữa một vườn cây um tùm. Mùa mít sai cành, bà thường dùng một cái sào dài và sai tôi đi cùng bà ra vườn gõ mít. Bà dạy tôi cách cảm nhận thông điệp từ những quả mít nằm lúc lỉu trên cao khi nó truyền qua cái sào tre khô khốc. Thật kỳ lạ. Khó để miêu tả quả mít sắp chín, đang chín và những quả mít còn non như thế nào qua âm thanh. Nhưng chỉ cần gặp một quả mít đang chín, người ta sẽ nhận ra ngay lập tức ở… bàn tay cầm sào của mình.
Hết mùa mít, bà nhờ người dùng dao phạt đi những cuống quả cũ, hơn thế, còn chém vài nhát vào thân mít nữa. Năm sau, thật lạ lùng. Từ những vết dao chém năm trước, một quả mít ngon lành được ra đời.
Năm nào cũng vậy, vào mùa trồng bầu, trồng mướp, mẹ tôi cũng ươm mầm và đem tặng cây non cho những nhà trong xóm. Phần cây non nhà mình, mẹ làm cho chúng một cái giàn tre trên sân để chúng bám vào và bò khắp, tạo thành một khoảng sân xanh trong, mát mẻ. Điều tôi lấy làm lạ là: Khi các thân mướp, bầu đã leo lên đến khoảng một phần ba giàn, mẹ lấy mảnh thủy tinh, và tốt nhất là mảnh sành sứ, rạch đôi gốc cây theo chiều dọc, rồi chèn những mảnh vỡ đó vào thân cây. Có những mùa mướp, bầu, gốc của chúng phình to vì chi chít mảnh sành cắm vào. Khi giàn bầu mướp tàn, những mảnh sành sứ đó cũng theo thân cây mà vùi xuống đất sâu. Mẹ bảo, làm thế, mướp bầu sẽ đau mà ra nhiều quả.
Đậu đen là một loại cây gần như thế. Khi người ta trồng đậu, cây đậu cao ngang đầu gối sẽ bị ngắt ngọn. Càng là ngọn non thì càng bị ngắt. Vào mùa đậu ra hoa, kết quả rồi chín, những ruộng đậu bị ngắt ngọn là những ruộng cho năng suất cao hơn. Thậm chí, có ruộng đậu chỉ toàn lá là lá, khi chúng không được ngắt ngọn. Ở quê tôi, khi trồng đậu xanh, người ta không chăm cho chúng thật tươi tốt. Tươi tốt quá chúng sẽ không ra quả. Những ruộng đậu được chăm chút vừa phải, thậm chí hơi bị bỏ còi cọc, thì lại ra nhiều quả.
Tôi không mấy để tâm đến những việc đó, bởi đó là những đúc kết kinh nghiệm trồng trọt của dân gian, mà có khi chính họ cũng không hiểu tại sao lại như thế. Tôi nghĩ nhiều về những vết thương khi đứng giữa một khu vườn hoa trái, với những thân cây sần sùi. Những sần sùi ấy là những vết thương mà cây đã từng hứng chịu. Cây đã phải tiết ra những dưỡng chất để chữa lành vết thương cho mình. Và lạ, tại sao cây cứ phải chịu đớn đau, mất mát thì mới sai hoa trĩu quả?
Người ta bảo trầm hương, thứ hương liệu quý hiếm, mà có được nó, bao người đã phải bỏ mạng nơi rừng thẳm. Thứ hương liệu đó lại bắt đầu từ một vết thương trên một thân cây.
Con trai biển chẳng hề có ý thức tạo một viên ngọc sáng để làm đẹp cho một người nào. Nó tạo ra ngọc bởi chế độ tự chữa lành vết thương lòng do một hạt cát sắc nhọn nào đó đã vô tình lọt vào lòng nó. Nghe nói, muốn nuôi trai tạo ngọc, người ta phải khiến con trai đau lòng bằng cách gây cho nó một vết thương. Nó tiết ra những chất để chữa vết thương đó. Con trai nào không chịu được vết thương, hoặc vết thương quá sâu, nó sẽ chết, mãi mãi không bao giờ tạo ngọc.
Người ta trưởng thành hơn sau những đớn đau trong cuộc đời. Nhưng nếu được chọn, tôi vẫn muốn được chọn trưởng thành mà không phải đớn đau. Và tôi vô cùng trân trọng cái cách những loài cây chữa vết thương của chúng bằng hoa thơm quả ngọt...
Tản văn của PHẠM THANH THÚY