Ngày ấy, khi tôi đang còn ngồi trên ghế trường tiểu học thì gia đình tôi nghèo lắm. Cái nghèo đeo đẳng và hiển hiện trên tấm áo vá chằng vá đụp mà mẹ, cha vẫn thường mặc hằng ngày. Có hôm hàng xóm có cỗ, bố mẹ còn không kiếm đâu cho được cái áo, cái quần lành lặn để diện nên đành không tới dự mà gửi phong bao tiền mừng. Anh chị em chúng tôi tới trường cũng vì vậy mà không được tươm tất áo quần bằng những đứa trẻ cùng xóm.
 |
Ảnh minh họa:baobinhthuan.com.vn |
Là con út và được chiều nhất nhà nên mẹ cũng dành dụm và mua cho tôi một bộ quần áo mới, chỉ thi thoảng những dịp quan trọng tôi mới mang mặc, còn thì hằng ngày, tôi vẫn quần áo vá đến trường.
Mẹ thường động viên tôi: “Con ạ, đói cho sạch, rách cho thơm! Có quần áo vá nhưng không rách, không hở là được con ạ. Gắng mà học hành cho giỏi để mai này giúp bố mẹ thoát nghèo”. Thương bố mẹ lắm nhưng vì còn nhỏ, tôi cũng chẳng biết làm gì mà chỉ biết miệt mài học tập và giúp đỡ gia đình những công việc lặt vặt để bố mẹ đỡ vất vả hơn mà thôi.
Cái mặc là vậy, cái ăn thì cũng cơ cực và thiếu thốn lắm, khi cả nhà với 5 miệng ăn mà mỗi bữa chỉ có vài lon gạo độn với sắn, lúc lại ngô, khoai... Nhiều khi khoai, ngô, sắn còn không đủ nên bố mẹ đều vẫn bớt khẩu phần ăn để nhường cho mấy anh chị em chúng tôi ăn no. Những lúc như vậy, tôi càng thương và thấu hiểu tấm lòng, sự vất vả của bố mẹ nhiều. Những sáng trở giấc tới trường, trong khi bọn trẻ hàng xóm thường được ăn cơm rang với nước dưa chua, với mỡ lợn thì chị em chúng tôi chỉ có mỗi món khoai luộc.
Sáng sớm nào cũng vậy, mẹ dậy nấu cám lợn và tiện thể luộc luôn nồi khoai cho anh chị em chúng tôi ăn để đi học. Khi khoai luộc chín, việc nấu cám đã xong, mẹ vào giường đánh thức chúng tôi dậy đánh răng rửa mặt và ăn sáng. Nhìn nồi khoai nhiều khi ngán tới tận cổ nhưng mấy anh chị em đều cố ăn lấy vài củ cho đỡ đói lòng và một phần cũng để mẹ vui. Khi chúng tôi ăn xong và đi học rồi, còn thừa củ nào, mẹ mới dám ăn. Có bữa, gặp ngày mùa, bố tôi cũng phải đi cày bừa buổi sáng nên mẹ lại dành phần để bố ăn lấy sức lao động, còn mình thì nhịn tới trưa. Nhà tôi không nhiều đất canh tác nên khoai dành cho các con ăn sáng cũng thường không dư giả, vì vậy mẹ vẫn phải đi vay mượn tiền để mua khoai về trữ ở gầm giường dành cho gia đình ăn dần.
Những mùa khoai cứ tiếp nối, qua đi và những bữa sáng triền miên bằng khoai luộc luôn tiếp diễn, để rồi anh chị em chúng tôi cũng lớn khôn dần. Điều bố mẹ tôi hạnh phúc nhất là các con mình đều ăn học nên người và đỗ đạt với tương lai ngời sáng ở phía trước. Sự phấn đấu không biết mệt mỏi của bố mẹ, các anh chị tôi, cùng chút may mắn của thời cuộc đã giúp gia đình tôi không còn cảnh cơ hàn.
Mỗi khi trở về căn nhà nhỏ ở ven thành phố, nhìn cuộc sống đổi thay, sự giàu có đã và đang len lỏi nơi làng quê, tôi thấy lòng vui chộn rộn. Vậy nhưng pha lẫn niềm vui là một nỗi buồn man mác vì hình bóng của mẹ tôi, người suốt một đời cơ cực vì chồng, vì con đã không còn nữa. Nghĩ đến mẹ, hai hàng lệ cứ tuôn trào, từ đáy con tim, tôi luôn thương nhớ mẹ vô cùng...
LÊ THỊ HIỆP
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.