Điện ảnh cách mạng Việt Nam được khai sinh từ trong khói lửa chiến tranh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ. “Điện ảnh Đồi Cọ” (Khu di tích Đồi Cọ, thuộc Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên)-nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam (ngày 15-3-1953)- lúc bấy giờ hầu hết là những nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, những người lính trẻ lên chiến khu theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ làm điện ảnh từ tình yêu Tổ quốc sâu thẳm với niềm tin cháy bỏng đi tới hòa bình, độc lập, tự do. Từ Chiến khu Việt Bắc đến đường Trường Sơn; từ chiến trường Điện Biên Phủ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những tác phẩm điện ảnh được làm trong thời kỳ chiến tranh gian khổ, có từng thước phim được quay trực tiếp tại chiến trường đã thể hiện khát vọng thống nhất non sông của những người làm phim trẻ tuổi.

Cuộc hội ngộ lớn

Ngày 22-3-1975, khi quân ta đang tiến công giải phóng Huế thì LHP Việt Nam lần thứ 3 bế mạc tại Hải Phòng. Những người làm điện ảnh đã khẩn trương lên đường theo bước chân thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để trực tiếp ghi hình và thể hiện trang sử hào hùng nhất của dân tộc: Đại thắng mùa Xuân 1975. Đất nước thống nhất tạo nên một vận hội lớn trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Hiện thực lớn lao của toàn dân tộc trong suốt 30 năm đấu tranh kiên cường bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, thống nhất non sông cùng những ước nguyện cao đẹp khi đứng trước một kỷ nguyên mới của hòa bình đã làm nên những cảm xúc sáng tạo bùng nổ của những người làm điện ảnh, đánh dấu cuộc hội ngộ lớn của những đồng nghiệp hai miền Nam-Bắc một nhà.

Đoàn làm phim Hãng phim truyện Việt Nam gặp gỡ gia đình tử tù Côn Đảo Lê Hồng Tư-Nguyễn Thị Châu để thực hiện bộ phim tài liệu “Thành phố lúc rạng đông” (tháng 5-1975). Ảnh tư liệu 

LHP Việt Nam lần thứ 4 (năm 1977) được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh là LHP quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất với những thành tựu được sáng tác trong hai năm đầu của hòa bình, với Bông sen Vàng cho phim điện ảnh “Sao tháng Tám”, Bông sen Vàng cho phim tài liệu “Chiến thắng lịch sử Xuân 1975” và “Thành phố lúc rạng đông”, ghi dấu ấn lịch sử của một nền điện ảnh thống nhất, mở ra những hành trình sáng tạo của thời kỳ mới. 

LHP Việt Nam lần thứ 8 tổ chức tại Đà Nẵng (năm 1988) đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ làm phim, cho thấy sức mạnh tác động to lớn đến công chúng của nghệ thuật điện ảnh, thể hiện xứng đáng tầm vóc của một LHP quốc gia từ số lượng phim tham dự cho đến nhiều gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu, nhiều phong cách nghệ thuật được thể hiện trên một bình diện tác phẩm phong phú, đồ sộ, có thể nói chưa từng có từ trước cho tới lúc bấy giờ. Cuộc hội ngộ lớn lao này đã đưa điện ảnh Việt Nam đạt một tầm cao mới. Đây là thời kỳ những bộ phim truyện “Cánh đồng hoang” (đạo diễn Hồng Sến); “Mẹ vắng nhà” (đạo diễn Khánh Dư); “Mối tình đầu” (đạo diễn Hải Ninh); “Về nơi gió cát”, “Xa và gần” (đạo diễn Huy Thành); “Thị xã trong tầm tay”, “Bao giờ cho đến tháng Mười” (đạo diễn Đặng Nhật Minh); “Chuyện cổ tích cho tuổi 17” (đạo diễn Xuân Sơn)... cùng những bộ phim tài liệu “Tháng năm, những gương mặt” (đạo diễn Đặng Nhật Minh); “Đường dây lên sông Đà” (đạo diễn Lê Mạnh Thích); “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế” (đạo diễn Trần Văn Thủy)... cùng nhiều tác phẩm khác đã làm nên một diện mạo điện ảnh Việt Nam thống nhất, đẹp đẽ, rung động, tràn đầy cảm xúc cho đến ngày hôm nay.

Chuyển mình và đổi mới

Cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, ngành điện ảnh chịu tác động sâu sắc bởi quy luật cơ chế thị trường mà toàn ngành chưa từng trải qua, chưa có tiền lệ. Số đầu phim được sản xuất bằng kinh phí nhà nước chỉ còn đếm trên đầu ngón tay; tình hình hoạt động điện ảnh sa sút rõ rệt trong việc sản xuất, phát hành và phổ biến phim. Những người làm điện ảnh đứng trước các thách thức cũng như vận hội đổi mới. Thời kỳ này đã bắt đầu một cuộc chuyển giao thế hệ. Những nhà làm phim thế hệ đầu tiên đã hoàn thành vai trò lịch sử trong nghệ thuật của mình; những người làm phim trưởng thành sau chiến tranh, bằng sức trẻ và cảm nhận về một đất nước đổi mới toàn diện đã làm nên những bộ phim phản ánh một cách táo bạo về hiện thực cuộc sống, với những phức tạp của một xã hội đang từng bước chuyển mình. Sự đổi mới trong sáng tác chính là hành trình trở về đời thường của những con người đã mất đi cuộc sống bình thường do chiến tranh và sự chia cắt.

Phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” được kênh truyền hình CNN đánh giá là một trong 18 phim hay nhất thế kỷ 20 của châu Á. Ảnh tư liệu

Bên cạnh sự gia tăng về số lượng phim trong cơ chế mới (trong đó có sự góp phần đáng kể của phim truyện video), diện mạo của điện ảnh Việt Nam thông qua phim truyện trong những năm đầu bước vào cơ chế thị trường đã tạo nên sức hút mới từ đề tài phong phú, cách nhìn cuộc sống đa dạng, mạnh bạo trong cách khai thác những vấn đề xã hội, các nhân vật được phản ánh đa chiều, với những phức tạp trong tính cách, có sự gần gũi với đời thường. Những bộ phim truyện: “Gánh xiếc rong” (đạo diễn Việt Linh); “Tướng về hưu” (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi); “Tuổi thơ dữ dội” (đạo diễn Vinh Sơn); “Thương nhớ đồng quê”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Mùa ổi” (đạo diễn Đặng Nhật Minh); “Ngã ba Đồng Lộc” (đạo diễn Lưu Trọng Ninh); “Ai xuôi vạn lý” (đạo diễn Lê Hoàng); “Những người thợ xẻ” (đạo diễn Vương Đức); “Đời cát” (đạo diễn Thanh Vân); “Thung lũng hoang vắng” (đạo diễn Nhuệ Giang)... cùng phim tài liệu “Trở lại Ngư Thủy” (đạo diễn Lê Mạnh Thích); “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” (đạo diễn Trần Văn Thủy); “Chị Năm khùng” (đạo diễn Lại Văn Sinh)... đã khẳng định sự chuyển mình và đổi mới thành công trong 25 năm đầu tiên thống nhất của điện ảnh Việt Nam.

Hội nhập và phát triển

Có thể nói, LHP Việt Nam lần thứ 13 (năm 2001) đã cho thấy sự chuyển giao thế hệ thành công của điện ảnh Việt Nam, đặc biệt đối với loại hình phim truyện khi những giải thưởng cá nhân xuất sắc nhất đã được trao cho các nhà làm phim thế hệ mới: Đạo diễn Thanh Vân, nhà quay phim Lý Thái Dũng, diễn viên Hồng Ánh... Họ cùng tác phẩm điện ảnh của mình giới thiệu một Việt Nam với những vấn đề hậu chiến đã mang lại sự đồng cảm và chia sẻ sâu sắc của nhiều tầng lớp khán giả trong và ngoài nước.

Luật Điện ảnh năm 2006 ra đời, cho đến nay vẫn là bộ luật đầu tiên và duy nhất trong lĩnh vực nghệ thuật. Điều này rất có ý nghĩa khi từ năm 2006 trở về trước, hầu hết phim Việt Nam mọi thể loại đều được sản xuất bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, tính thương mại của mỗi bộ phim dường như chưa được đặt lên hàng đầu. LHP Việt Nam lần thứ 15 (năm 2007) đánh dấu sự tham gia và để lại dấu ấn mạnh mẽ của đội ngũ làm phim người Việt sống tại nước ngoài trở về quê hương làm phim, với “Dòng máu anh hùng” (đạo diễn Charlie Nguyễn), “Mùa len trâu” (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) cùng những gương mặt đạo diễn trẻ như Bùi Thạc Chuyên, Ngô Quang Hải, Bùi Tuấn Dũng...

Mười năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của những nhà làm phim, đặc biệt về tổ chức sản xuất, công nghệ tiên tiến, quảng bá truyền thông. Các thế hệ làm phim mới có sự kết nối với một không gian số toàn cầu đã có những thử nghiệm, những dấn thân trong việc khẳng định màu sắc phim Việt với khán giả trong nước và quốc tế. Liên tiếp tại các LHP Việt Nam trong giai đoạn 2013-2023 đã khẳng định con đường xã hội hóa thành công của ngành điện ảnh, khi những bộ phim truyện được vinh danh giải thưởng Bông sen Vàng dành cho phim truyện xuất sắc nhất đều từ các nguồn lực đầu tư trong xã hội cùng góp vốn làm phim, đưa phim ra rạp, đến với công chúng trên nhiều nền tảng trực tuyến.

Quá trình hội nhập quốc tế về điện ảnh đã thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài đổ vào ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào phát triển sự nghiệp điện ảnh dân tộc. Thành công của “Những đứa trẻ trong sương” (đạo diễn Hà Lệ Diễm), “Bên trong vỏ kén vàng” (đạo diễn Phạm Thiên Ân), “Mưa trên cánh bướm” (đạo diễn Dương Diệu Linh)... tại các LHP quốc tế hàng đầu đã khích lệ tinh thần những người làm phim trẻ. Bên cạnh đó, tính thương mại của mỗi bộ phim được các nhà đầu tư đặt lên hàng đầu cùng việc sáng tạo nội dung đáp ứng được thị hiếu khán giả cũng như doanh thu phòng vé. Đây là điểm khác biệt nổi bật của phim Việt so với những thời kỳ trước.

Theo thống kê của Box Office Vietnam, tổng doanh thu phòng vé Việt Nam năm 2024 đạt gần 4.700 tỷ đồng, riêng phim Việt đạt khoảng 1.900 tỷ. Bên cạnh đó, tiếng vang của “Đào, phở và piano” là minh chứng cho thấy dòng phim lịch sử-chiến tranh cách mạng vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả, đặc biệt với lớp khán giả trẻ ngày nay; song điện ảnh Việt Nam hiện đang thiếu các tác phẩm về đề tài này để tạo nên sự đột phá mạnh mẽ tương tự. Điện ảnh Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất hiện đang hướng tới những sản phẩm bứt phá về mặt nghệ thuật, nội dung lẫn bản sắc dân tộc với những thông điệp mang tính toàn cầu được tác giả gửi gắm để dù cho ngôn ngữ, văn hóa khác biệt, khán giả quốc tế vẫn cảm nhận, đồng cảm với tính nhân văn của con người và đất nước Việt Nam.

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú NGUYỄN THỊ THU HÀ (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.