Hồi ức về một doanh trại của gần 25 năm trước cứ thế ùa về trong một buổi sớm mai, khi bắt gặp đoàn quân đang sải bước chân, vai trĩu nặng ba lô, vũ khí. Nhưng trên khuôn mặt sạm đen của mỗi người chiến sĩ vẫn thênh thênh nét lạc quan, tươi tắn môi cười trước cái vẫy tay của một em nhỏ đang được mẹ đưa đến trường, và như thể đáp lại nụ cười duyên cùng ánh nhìn đầy thiện cảm của một nàng thiếu nữ.
 |
Cán bộ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 hướng dẫn chiến sĩ trẻ nghiên cứu, học tập trong ngày nghỉ. |
Ngày ấy, tôi được tăng cường về tiểu đoàn huấn luyện làm trung đội trưởng, nên sau những ngày tập huấn cán bộ, củng cố doanh trại là quá trình thâm nhập, tuyển quân. Tiếp đó là khoảng thời gian chờ đợi tiếp nhận chiến sĩ mới về đơn vị. Rồi ngày ấy cũng đến, cái vắng lặng trong một quãng thời gian dài nay được thay bằng tiếng cười nói hồn nhiên và những ánh mắt trong trẻo pha thêm phần lạ lẫm của các chàng lính mới. Trong “ngôi nhà chung” ấy, bên cạnh những cậu học trò mới “chân ướt chân ráo” bước ra từ cổng trường trung học phổ thông còn là những người có phần từng trải như một anh bí thư đoàn xã ở huyện Mê Linh (Hà Nội) hay chàng công nhân của một công ty sản xuất, kinh doanh khóa ở Thủ đô, trước khi nhập ngũ đã có vợ và một cô con gái nhỏ. Cái khác biệt và đa dạng ấy, nếu xét ở khía cạnh này có thể là sự không đồng đều về lứa tuổi, trình độ, nhưng khi nhìn từ góc độ kia, nó lại là sự bù đắp, bổ trợ cho nhau, góp phần xây dựng tập thể dần vững mạnh.
Hơn hai thập kỷ đã đi qua, song khuôn mặt Dũng vẫn rõ nét trong tôi. Sinh ra và lớn lên ở TP Việt Trì (Phú Thọ), có chiếc răng khểnh, nụ cười duyên, nhiệt tình trong công việc nhưng cũng có lúc Dũng... bỗng dưng ngồi khóc một mình. Một ngày, tuy đã đến giờ nghỉ trưa nhưng phía sau nhà trung đội vẫn có bóng người ngồi lặng lẽ. Tôi tiến lại gần, thì ra là Dũng. Tiếng chào của cậu nghe nghèn nghẹn, nhìn kỹ, hóa ra chàng đang khóc. Tôi hỏi “nhớ nhà à?” thì Dũng lí nhí “vâng” cùng cái gật đầu xác nhận. Điều thú vị là sau đó không lâu, một buổi sáng, Dũng lên phòng tôi trình bày rằng hôm nay xin phép được tiếp bạn gái lên chơi, nhưng rồi lại e thẹn đề nghị: “Trung đội trưởng đừng kể với bạn gái chuyện em khóc nhé!”.
Đó còn là Tú, trai nội thành Hà Nội, tuy thấp bé nhưng đá bóng rất hay, ngày mới về đơn vị còn có phần láu lỉnh, trải qua thời gian được rèn giũa nên ngày càng chững chạc và xông xáo trong mọi việc. Cũng thấp bé như Tú, Tuấn là trai làng nghề ngoại thành Hà Nội, có cái miệng rộng, thích ca hát và sớm trở thành “cây'' văn nghệ của trung đội. Tôi lại nhớ đến Hải, dáng người cao ráo, tính cách dí dỏm. Sau lần xung phong mang cáng trong đêm hành quân rèn luyện đầu tiên, mặt Hải tái dại bởi không nghĩ phải khiêng đồng đội bị chuột rút cả một quãng đường dài như thế...
Đôi lúc, sau những buổi leo đồi, vượt dốc mệt nhoài, lòng chỉ mong 3 tháng huấn luyện tân binh qua mau. Nhưng sau nội dung thực hành “3 tiếng nổ” và lễ tuyên thệ chiến sĩ mới, những thành viên của “ngôi nhà chung” nối nhau lần lượt tỏa về các đơn vị, doanh trại lại trở về im ắng, lòng mới nôn nao nhớ những tháng ngày bộn bề công việc. Đó là những ngày kiên trì uốn nắn các chàng lính mới từng động tác Điều lệnh đội ngũ hay cách lấy đường ngắm-siết cò súng tiểu liên AK; những tối bên trang báo, phía dưới là đội hình im phắc lắng nghe; những buổi hành quân giữa đêm đen, nhịp giày rầm rập hòa lẫn tiếng thở dồn, bởi đường dài và ba lô trên vai trĩu nặng... Để rồi hôm nay, nhìn bước chân dồn dập của một đoàn quân, nỗi nhớ lại gọi tên những khuôn mặt binh nhì thân thương.
HOÀNG HÀ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.