Hai cánh tay cơ bắp của ông dài đến kỳ lạ; còn đôi chân dài và khỏe thì lại giống người gác cổng thành La Mã. Dưới mái tóc dài, rủ xuống trước vầng trán rộng là đôi mắt tròn và bộ râu nâu xám luôn khiến tôi phải chú ý. Ông là người làm thuê, là lao động chính trong vùng. Ông làm việc chăm chỉ và có thể cày 5 tiếng đồng hồ liên tục trên mảnh đất nhà tôi và làm việc đó liên tục trong nhiều năm.
Tôi đã rất ngưỡng mộ ông. Mỗi khi ông làm thuê cho nhà tôi, tôi sẽ tìm đủ lý do để không phải đi học. Ông rất ít khi cười với lũ trẻ con và trông ông lúc nào cũng bình thản. Ít khi tôi thấy ông cãi cọ với ai và cũng chưa bao giờ thấy ông giận dữ. Thực ra đây cũng là bản tính của hầu hết mọi người trong vùng, trong đó có bố tôi. Lúc còn nhỏ, tôi và anh trai thường sang nhà ông xem ti-vi. Đó là một căn nhà nhỏ quây bằng tôn, nhỏ hơn nhà tôi nhưng trong đó có cơ man nào là các thiết bị điện tử mà chúng tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Ông là người rất đặc biệt, gần như chẳng bao giờ thấy ông mở miệng nói một lời. Tôi luôn tự hỏi sao ông có thể không nói một lời tình cảm với chúng tôi, những lời mà lũ trẻ vẫn muốn người lớn dành cho chúng. Chúng tôi cũng chẳng vì thế mà thấy sợ ông. Trong thâm tâm chúng tôi vẫn mong được nói chuyện với ông và làm sao để ông nói chuyện với chúng tôi.
Đó là năm tôi mười hai tuổi, ngoan ngoãn, và chẳng mấy nghịch ngợm. Tôi thường đến nhà ông xem phim. Nhà tôi nghèo; bố thất nghiệp dù cả nhà đã hết sức nỗ lực để vượt qua những tàn tích từ thời phong kiến vốn vẫn luôn ám ảnh chúng tôi trong mọi khía cạnh cuộc sống. Mẹ tôi hài lòng với cách ông làm việc và thường thuê ông mỗi khi cần. Những lúc đó, tôi thường đến ngồi xem ông làm. Ông thì chẳng bao giờ quay đầu nhìn tôi lấy một lần. Mặc dù chẳng ai nói với ai một lời, tôi hiểu ông vẫn biết đến sự hiện diện của tôi và có vẻ như cảm kích vì điều đó. Ông thường mặc đồ trắng; cơ bắp cuồn cuộn ẩn dưới lớp áo của ông thường là đề tài chính trong câu chuyện giữa hai anh em tôi. Anh tôi thường thở dài và lầm bầm: “Ông ấy thật là lực lưỡng. Khi lớn lên anh cũng sẽ như ông ấy”.
Ông thường bắt đầu cày thuê vào tháng 4 và đến cuối tháng 5 thì cày xong toàn bộ mảnh đất nhà tôi. Tháng 6, mưa sẽ đổ tràn tất cả các ao trong vùng. Mưa luôn mang lại niềm vui, năng lượng và hạnh phúc cho chúng tôi. Những giọt nước thần diệu rơi xuống từ cao xanh vô hạn là trải nghiệm hấp dẫn với tất cả chúng tôi ngày đó. Mùi đất bốc lên sau những trận mưa đầu tiên đem đến niềm vui và sự khuây khỏa. Những thân cây tưởng như đã chết vì khô hạn dưới nắng hè sẽ lại nhảy múa trong mưa và tiếng sấm ì ầm tháng 6. Giữa tháng 6, tất cả các ao trong vùng sẽ đầy tràn nước và lũ cá lớn lại lượn lờ trước hiên nhà tôi mỗi khi trời đổ mưa rào. Những lúc đó, chúng tôi sẽ đổ ra ngoài trời mưa mà bắt cá. Anh trai tôi và đám bạn thì đi câu ở mấy cái ao trong vùng và mang về cơ man là cá. Tháng 6 luôn là thời điểm mà mối liên hệ giữa thiên nhiên và con người tròn đầy nhất, khiến người ta thỏa mãn nhất khi được trải nghiệm những sắc màu huyền bí của thiên nhiên.
Trong những ngày hạnh phúc tháng 6 ấy, tôi thường thấy ông một tay mang chiếc cần câu, tay kia cầm một xâu cá buộc bằng gân lá dừa. Ông câu cá rất giỏi. Tôi thấy ông ngồi nhiều giờ bên bờ ao, kiên nhẫn như nhà tiên tri Maharishi. Ông thường câu được nhiều cá hơn cả anh tôi và cả nhóm bạn của anh cộng lại. Thỉnh thoảng tôi tới ngồi gần ông và chăm chú nhìn đuôi cá quẫy, xem có con cá kém may mắn nào cắn mồi của ông hay không. Cả hai chẳng nói một lời! Nhưng rồi cũng từ đó mà tôi bắt đầu không còn thần tượng ông nữa. Mỗi khi câu được con cá nào, ông lại lạnh lùng cầm cọng dừa xiên qua hai mắt con cá khốn khổ và cứ để nó treo đau đớn trên cọng dừa như vậy. Tôi cứ ngỡ người đang xiên cá là người khác chứ không phải là ông. Cứ thế, đến chiều thì ông đã câu được khá nhiều; tất cả lũ cá đều bị chọc mù mắt, giãy giụa đau đớn trên chiếc cọng dừa. Một cảm xúc giận dữ dâng lên trong tôi. Tôi chạy về nhà mách mẹ về việc làm mà theo tôi là độc địa nhất tôi từng thấy và xin mẹ bảo ông đừng làm như vậy nữa. Nhưng mẹ luôn coi đó là chuyện trẻ con, gạt đi mà bảo: “Đi chơi đi. Con đến chỗ ông ấy làm gì? Tìm anh con và lũ bạn của anh ấy mà chơi”.
Vài ngày sau tôi vẫn còn giận. Nhưng rồi cũng lại như mọi khi, ông không bao giờ để tâm đến tôi và cơn thịnh nộ cũng chẳng đưa tôi đến đâu ngoài nỗi buồn ngu ngốc của một đứa trẻ mười hai tuổi. “Ông ấy thật là độc ác với lũ cá!”, tôi nghĩ và cố tìm mọi cách để chọc giận ông. Thường thì tôi sẽ ném một viên đá xuống ao trong khi ông đang ngồi câu. Tôi nghĩ rằng bằng cách đó tôi sẽ giúp lũ cá tội nghiệp nhận ra rằng chúng đang gặp nguy hiểm. Nhưng tôi cũng sợ nếu làm như vậy quá thường xuyên thì ông sẽ ngẩng lên và bắt gặp tôi đang ném đá. Vậy là một “thông điệp im lặng” được truyền đi giữa hai chúng tôi. Mỗi lần như vậy, ông sẽ nhướn lông mày lên như hỏi: “Mày làm cái gì vậy, thằng nhóc?”. Còn tôi sẽ trả lời: “Chẳng gì cả, tôi đi đây!” bằng biểu hiện trên khuôn mặt và chạy thẳng về nhà.
Nhiều tháng 6 đã đi qua kể từ đó. Tôi đã tốt nghiệp đại học và tìm được một công việc trong cơ quan chính phủ, ở một thị trấn xa nhà và thường chỉ về nhà vào cuối tuần. Tôi gần như đã quên hẳn người đàn ông bắt cá thuở nào bởi cũng từ lâu ông không còn là người hùng trong những giấc mơ tôi nữa. Thời gian làm người ta thay đổi thái độ và cảm xúc. Tôi thậm chí còn chẳng bao giờ hỏi bố mẹ về ông. Tôi cũng chẳng để tâm tới nơi ở của ông như trước nữa. Tôi đã trưởng thành và chẳng gì có thể ngăn cản tôi trở thành một người đàn ông trưởng thành cả.
Tôi cũng thường đi dạo qua các khu đất mỗi khi về nhà vào cuối tuần. Một tối tháng 6 sau rất nhiều năm, tôi lại thấy ông đang ngồi bên bờ ao với chiếc cần câu. Ông già đi nhiều nhưng mọi cử chỉ, hành động vẫn giống như ngày nào. Tôi dừng lại nhìn và đột nhiên nỗi ấm ức sống lại trong tâm trí tôi; hình ảnh lũ cá tội nghiệp bị chọc mù hai mắt, giãy giụa đau đớn cũng sống lại trong tôi. Nhưng tôi cũng nhận thấy có điều gì đó khác thường trong cách câu cá của ông bây giờ. Rõ ràng là lưỡi câu vẫn còn ở trên mặt nước. Tháng 6 năm nay mưa không nhiều; nước ao tương đối thấp. Tôi tự hỏi liệu ông có thấy rằng lưỡi câu vẫn còn chưa chạm xuống nước hay không? Tôi đến gần, nhìn ông chăm chú. Ông nhìn thẳng về phía trước như không biết đến sự hiện diện của tôi. Bên cạnh ông chẳng có một con cá nào xâu vào cọng dừa nữa. Tôi giật mình nhận ra hai mắt ông đã lòa. Tôi tê tái nhận ra cảnh ngộ của người từng là người hùng tuổi thơ tôi. Giờ thì đến lượt lũ cá trong ao đang cười cợt. Một nỗi thương cảm trào dâng; tôi nhặt một viên đá ném xuống nước.
Ông giật mình yếu ớt: “Ai đó? Không thấy tôi đang câu sao?”.
Tôi trả lời: “Cháu đây”.
Giọng ông đột nhiên trìu mến: “Con trai đấy à. Ta biết là con khi nghe tiếng đá rơi xuống mặt ao”. Ông đưa mắt như kiếm tìm gương mặt của tôi.
Tôi cố để câu chuyện khỏi gợi nên lòng thương xót: “Sao giờ mà ông vẫn còn ngồi đây câu cá? Đêm đã tối, gió đã lạnh và ao thì chẳng còn con cá nào cả. Có lẽ để cháu mua cho ông vài con”.
Ông nhìn về phía tôi, mắt long lanh nước. Có lẽ giờ thì ông đã hiểu. Tôi có thể cảm nhận được những cảm xúc của ông nhưng tôi bất lực, chẳng thể làm bất cứ điều gì. Có một từ mà chúng ta thường đổ lỗi cho nó mỗi khi chúng ta không kiểm soát được tình hình. Đó là “Số phận”! Bất lực, tôi bước đi mà không nguôi mường tượng lại những ngày xưa oanh liệt của một con người.
Truyện ngắn của Ga-nê-ha-ríp-ra-cát (Ấn Độ)
HUYỀN CHI (dịch)