Sự quan tâm đến một thế hệ người viết mới ngày càng có thêm nhiều động thái khích lệ rõ ràng, chẳng hạn vào hồi đầu năm, Giải thưởng Tác giả trẻ (dành cho những cây bút không quá 35 tuổi) của Hội Nhà văn Việt Nam được khởi động và tìm ra những gương mặt tiêu biểu để trao giải cho các hạng mục: Văn, thơ, lý luận phê bình, dịch thuật. Cũng nhằm hướng về hội nghị tại Đà Nẵng, hai tuyển tập “Mắt lửa” (văn trẻ) và “Mạch rồng” (thơ trẻ) vừa kịp thời ra mắt bạn đọc, tập hợp các tác phẩm của những tác giả trẻ tiêu biểu trên cả nước, qua đó cũng có thể thấy được xu thế phát triển văn học trẻ Việt Nam đương đại.

    Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất (tháng 1-2022).Ảnh: HẠNH LÊ

Lớp tác giả trẻ (sinh từ năm 1986, 1987 trở đi) được lớn lên và trưởng thành trong điều kiện xã hội có nhiều khác biệt so với giai đoạn trước đó. Từ sau thời kỳ đổi mới (năm 1986), văn chương Việt Nam phát triển trong điều kiện đất nước hòa bình, mở cửa với thế giới, hội nhập dễ dàng với các nền văn học phát triển trên thế giới, một kỷ nguyên công nghệ số với sự hỗ trợ đắc lực của internet, ngoại ngữ, trí tuệ nhân tạo đã giúp rút ngắn nhiều khoảng cách.

1. Đọc tuyển tập "Mạch rồng" (NXB Hội Nhà văn, 2022) với 30 tác giả thơ trẻ, có thể thấy một bức tranh khá sống động, đa dạng và phong phú về phong cách, giọng điệu. Có tác giả chú trọng vào ý tứ, ngôn ngữ thơ; lại có những tác giả chú trọng về biểu hiện cảm xúc. Có những người trung thành với cách viết truyền thống, dùng những thể thơ dễ nhớ, dễ thuộc, chú trọng vần điệu để tạo nhạc tính cho tác phẩm, đồng thời có ý thức tìm tòi tứ thơ. Huỳnh Ngọc Tuyết Cương (1993, Đồng Nai) là một trong những gương mặt thành công theo lối viết này. Tuyết Cương thường dồn nén những hình ảnh độc đáo, những ý thơ lạ vào phần cuối mỗi tác phẩm để tạo dư âm: “Có đứa trẻ nhặt rác/ Cầm lên một tiếng chuông/ Dòng sông vẫn chậm rãi/ Trôi về phía cội nguồn” (Trong ánh mắt sông), “Tưởng đi nghiêng ngả núi rừng/ Ngờ đâu mẹ đứng sau lưng đỡ mình” (Tâm sự với đường hoa)...

Một sự khác biệt nữa là lối viết của các cây bút đến từ vùng cao, là những người dân tộc thiểu số. Đặc trưng trong biểu hiện nghệ thuật của những cây bút này là lối tư duy cụ thể, chất phác, lấy sự chân thành, cảm động làm hồn cốt cho mỗi tác phẩm. Hai cây bút tiêu biểu nhất là Lý Hữu Lương (1988) và Vàng A Giang (1993). Lý Hữu Lương với tập thơ “Yao” chính là một trong những cây bút dành Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam hồi đầu năm nay. Thơ Lý Hữu Lương ngoài cảm xúc chân thành vẫn tạo được sự lãng mạn, cảm giác phóng khoáng cùng những nỗi niềm thân phận.

Còn đọc Vàng A Giang, tôi ngỡ như anh kế thừa được ít nhiều hồn thơ của Y Phương qua những câu thơ đơn sơ, giản dị mà ấm tình: “Người đồng mình nói chuyện như suối/ Cứ róc rách ít khi đùng đùng bão giông... Có mặn nồng tha thiết thì đến phiên chợ/ Có yêu nhau, thương nhau cho nhau cái bánh ngô” (Người quê). Với Lâm Long Hồ (An Giang) lại là một lối thơ độc đáo khác. Chùm 10 bài haiku của anh là cách viết đi tìm chiều sâu trong mỗi sự việc, sự vật, bản thể để gửi gắm triết lý hoặc một quan niệm nhân sinh nào đó của tác giả: “Trong chậu thủy tinh/ cá vàng không thấy/ bức tường đang nhốt mình”.

Có những tác giả không xuất hiện trong tuyển tập này, nhưng theo quan sát của tôi lại thực sự là một cái tên cần được nhắc đến trong dòng chảy thơ Việt Nam đương đại. Đó là Nguyễn Thị Thúy Hạnh (1987) với hai tập thơ đã xuất bản: “Di chữ” (NXB Hội Nhà văn 2017) và “Văn học vết thâm” (NXB Hội Nhà văn 2021). Từ “Di chữ” đến “Văn học vết thâm” là một bước phát triển quan trọng của hành trình thơ Thúy Hạnh trong việc xác lập một lối đi, mở rộng biên độ về chữ với cách tạo những ấn tượng thị giác quan trọng trên mỗi văn bản thơ. 

2. Với 52 tác giả góp mặt trong tuyển "Mắt lửa" (văn trẻ) mang đến một thế giới đa dạng, phong phú không kém gì so với các tác giả trong tuyển thơ. Nếu như cái mạnh của thơ là tư duy bằng hình tượng, ngôn ngữ chắt lọc, trau chuốt, cô đọng thì cái mạnh của văn xuôi là vốn sống và chi tiết dồi dào, là những câu chuyện được kể với các lối dẫn dắt khác nhau nhằm thu hút sự chú ý, tập trung của người đọc một cách cao nhất để chinh phục họ, khiến độc giả không thể rời mắt mà phải theo suốt từ trang đầu cho đến những trang văn cuối cùng. Những truyện ngắn hay nhất trong tuyển này là những truyện cân đối được cả hai mặt quan trọng: Cốt truyện và cách kể.

“Bông lạc vàng” của Trương Thị Chung và “Sau lưng là rừng thẳm” của Hoàng Hiền là những truyện ngắn hay về đề tài số phận con người. Những mảnh đời bị xô đẩy đến mức khốn cùng nhưng không vì thế mà tàn lụi, trái lại, họ vẫn nuôi một ý chí, khát vọng để thay đổi và vươn lên.

Có những truyện tập trung vào phê phán thói hư, tật xấu trong xã hội, dựng nên các nhân vật phản diện, phơi bày thói giả tạo, độc ác, tráo trở, nhỏ nhen, phản bội. Đó là các truyện “Đại gia Lương” của Hồng Cư và “Độc dược” của Hoàng Khánh Duy. Các cây viết trẻ đều sinh ra và lớn lên trong thời đất nước hòa bình nhưng vẫn có những người quan tâm đến đề tài chiến tranh, những câu chuyện thời hậu chiến và cố gắng tìm ra một lối đi riêng. Đó là các truyện “Khói mật hương” của Trần Ngọc Diệp và “Gương mặt chiến tranh” của Lê Văn Ngọc, trong đó, “Khói mật hương” có nhiều nỗ lực trong việc triển khai lối viết theo phong cách hiện thực huyền ảo, miêu tả một người lính đã hy sinh ngoài chiến trường vẫn mong muốn một ngày được tìm về quê nhà bên những người thân yêu.

Nhiều tác giả trẻ quan tâm đến đời sống của đồng bào miền núi, trong đó đặc biệt tập trung viết về những đề tài như: Cái nghèo; bảo vệ môi trường; phòng, chống tệ nạn xã hội; giữ gìn văn hóa; cuộc sống gia đình; sự thiệt thòi của những người phụ nữ... Có thể kể đến một loạt truyện như: “Vía của rừng” của Triệu Hoàng Giang, “Vượt qua bóng núi” của Ksor H’yuên, “Vàng ở núi” của Hoàng Thị Hiền...

Phan Đức Lộc (1995) là cây bút công tác trong ngành công an, có 7 tập sách được xuất bản. Bên cạnh đề tài về lực lượng công an nhân dân đã được thể hiện trong tiểu thuyết thì đề tài miền núi cũng được Phan Đức Lộc quan tâm và thể hiện trong nhiều truyện ngắn mà “Mùa đông ở Sinh Phình” trong tập “Mắt lửa” là một trong những truyện nổi bật. Bi kịch của cái nghèo, nỗi giằng xé giữa việc giữ lại con trâu để nuôi sống gia đình hay bán trâu đi để lấy tiền chữa bệnh cho con được tác giả chuyển tải bằng một bút pháp chân thực, cảm động đến xót xa. Cách kể, cách tả và lối hành văn cuốn hút, mang đậm phong cách vùng cao.

Có những tác giả thể hiện sự quan tâm của mình đến đời sống đô thị hiện đại với cách tiếp cận đề tài mới mẻ. “Mắt lửa” của Nguyệt Chu là một truyện như thế khi viết về Miên, nhân vật nữ chính của truyện là một nghệ sĩ múa lửa. Nhưng đằng sau ánh hào quang của sân khấu là bao bi kịch xót xa.

Dĩ nhiên khi đọc kỹ tuyển tập “Mắt lửa”, chúng ta vẫn có thể nhận ra những điểm còn bất cập, hạn chế của một số truyện ngắn, một số cây bút. “Vĩnh dạ ký” của Nguyễn Dương Quỳnh gồm 3 truyện nhỏ, viết theo phong cách truyền kỳ chí quái, trong đó, “Xà vương truyện” chưa tạo được sức thuyết phục về logic dẫn dắt câu chuyện, “Bạch liên truyện” còn bị ảnh hưởng nhiều điển xưa tích cũ. Có truyện như “Là nhà” của Trần Duy Thành tạo ra cấu trúc khá rắc rối với các tiêu đề phụ, nhưng những tiêu đề ấy dường như chẳng liên quan gì đến câu chuyện mà tác giả đang kể, ngôn ngữ nhân vật nhiều chỗ còn chưa hợp lý so với hoàn cảnh, tình huống mà truyện đang miêu tả. Có những truyện còn hơi đơn giản hoặc người đọc còn đang mong chờ một cái kết có tính bùng nổ mạnh hơn nữa thì truyện đã bất ngờ kết thúc, chẳng hạn các truyện: “Cô gái vẽ linh hồn” của Nguyễn Thị Cẩm Giang,  “Đại gia Lương” của Hồng Cư. Có truyện làm người đọc cảm thấy sự bất hợp lý trong logic diễn biến tâm lý nhân vật, như truyện “Đám tang đầu ngõ” của Tạ Ngọc Diệp.

Có những tác giả văn xuôi trẻ còn vắng mặt trong tập này nhưng rất xứng đáng được nhắc tên bởi nỗ lực sáng tạo và cách viết mới mẻ của họ. Đó là Hiền Trang (1993) với các tập truyện “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa” (2018), “Dưới mái hiên đêm, những khách lạ” (2020), “Chopin biến mất” (tiểu thuyết, 2022). Đó là Hoàng Công Danh (1987) với các tập truyện: “Cõng nhau trong một cõi người”, “Trong cơn say níu sợi dây đứt”, “Khói sẽ làm mắt tôi cay”, “Con tin Stockholm”, “Chuyến tàu vé ngắn”...

Có thể khẳng định rằng, những người viết trẻ ở cả hai lĩnh vực sáng tác cơ bản là văn xuôi và thơ trong văn học đương đại đã cho ta một bức tranh khá đa dạng, nhiều sắc màu như khối lập phương rubik. Con đường đến với văn chương dĩ nhiên không dễ dàng, nhưng quan trọng, ở mỗi bạn trẻ có khát vọng dám sống và dám viết. Sự dấn thân ấy, chí ít, sẽ là ngọn nguồn để tạo ra những tiềm năng bùng nổ và hy vọng cho người đọc. Cùng với sự hòa nhập trong dòng chảy văn chương thế giới đương đại bằng những cách cảm, cách nghĩ đa chiều, mỗi người viết trẻ còn cần xác định phải giữ trọn một mạch nguồn sâu thẳm của các giá trị truyền thống dân tộc với tinh thần nhân bản, giàu tính giáo dục và lòng yêu thương.

TS ĐỖ ANH VŨ