Phê bình văn học trẻ ở Việt Nam đang thiếu những gì? Đầu tiên, cái thiếu của phê bình trẻ chính là lực lượng. Đã có những ý kiến cho rằng lực lượng phê bình trẻ hiện nay khá mỏng. Điều đó không phải không có căn cứ. Trên bình diện nghề nghiệp, chúng ta đang thiếu những người trẻ làm phê bình chuyên nghiệp, có chuyên môn vững vàng, tin cậy. Một vấn đề cũng cần được minh định ở đây, thiếu và đủ được hình dung như thế nào? Không phải cứ có bao nhiêu nhà văn thì có bấy nhiêu nhà phê bình là đủ. Cái thiếu, chính là thiếu sức, thiếu lực lượng có khả năng bao quát diễn biến của văn chương. Tại sao? Câu trả lời chính là chúng ta vẫn còn thiếu ngay từ khâu đào tạo. Rất ít người trẻ đi theo con đường phê bình văn học. Đa phần, kể cả các nhà phê bình lão thành hay các nhà phê bình trẻ, đều là kiêm nhiệm, tay ngang. Điểm qua có thể thấy, Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn, Phan Tuấn Anh là giảng viên đại học; Cao Việt Dũng, Trần Thiện Khanh, Đoàn Ánh Dương là nghiên cứu viên ở viện nghiên cứu. Một số người khác như: Lê Thiếu Nhơn, Đoàn Minh Tâm, Hoàng Đăng Khoa là biên tập viên ở các báo… Không có nhà phê bình chuyên nghiệp. Đó là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc phê bình trẻ hiện nay mỏng, thiếu. Cái thiếu này, từ lực lượng, làm nên cái yếu đang hiện diện trong đời sống phê bình hiện nay.
Phê bình trẻ thiếu lý thuyết-phương pháp. Đây cũng là một thực trạng khá rõ nét trong đời sống phê bình hiện nay. Số lượng những nhà phê bình trẻ có trình độ, được đào tạo căn bản, đào tạo chuyên sâu, có tri thức, có phương pháp ở nước ta vẫn có, nhưng còn quá ít. Điều đó không cứu vãn được những áp lực đồ sộ từ phía còn lại, nơi phần đông vẫn là những người làm phê bình tay ngang, phê bình báo chí, thậm chí thù tạc. Không có phương pháp, lý thuyết tức là không có mô hình làm việc, điều đó khiến cho chất lượng những bài phê bình hiện nay, trên mặt bằng chung là chưa cao. Sự tái xuất hiện, du nhập của các lý thuyết nghiên cứu, phê bình văn học vào Việt Nam những năm gần đây khá ồ ạt. Điều đó đem lại những mô hình làm việc hứa hẹn sự chuyên nghiệp, nhưng không phải nhà phê bình trẻ nào cũng có thể, có điều kiện tiếp xúc, thông hiểu và vận dụng các mô hình làm việc này. Đó là lý do khiến cho những phê bình đang xuất hiện khá nhiều trên báo chí thường là những cảm nhận, bình tán thay vì phê bình một cách đúng nghĩa, thực chất.
Phê bình trẻ thiếu bản lĩnh, sự khách quan, công tâm và lòng dũng cảm. Có lẽ, đây cũng không phải là chuyện riêng của phê bình trẻ. Không dám-ngại va chạm dẫn đến việc viết cho vừa lòng nhau đang là một biểu hiện khá phổ biến trong đời sống phê bình hiện nay. Để có thể làm phê bình một cách nghiêm túc, đòi hỏi nhà phê bình dám đương đầu, dám chấp nhận, đôi khi là đánh đổi. Như thế, với những người viết phê bình trẻ, dường như là đòi hỏi hơi cao đối với họ. Những người trẻ làm phê bình kiêm nhiệm, tay ngang, trong không gian đương đại, có rất nhiều mối bận tâm. Phê bình không đem lại cho họ một cam kết khả dĩ nào đáp ứng các đòi hỏi đời sống. Vì vậy, thật khó để nói rằng một nhà phê bình trẻ nào đó có thể đi tới tận cùng, triệt để hoạt động phê bình.
Phê bình trẻ thiếu một không khí phê bình có tính chất tranh luận, đối thoại, trên tinh thần hướng đến chân lý. Tâm lý ngại va chạm của người làm phê bình, thái độ không bằng lòng của người sáng tác… đang đưa phê bình đến trạng thái gần như thỏa hiệp rất nguy hại cho chất lượng của phê bình văn học chuyên nghiệp. Hiện nay, có thể thấy xuất hiện trên các diễn đàn, các mặt báo, đa phần là những bài viết có tính chất an toàn, giao đãi, khiến cả đôi bên cùng hài lòng-một thứ quà tặng. Không có đối thoại, tranh luận, đương nhiên sẽ khó tìm ra chân lý. Nhưng, cũng ngay ở đây, khi diễn ra tranh luận, những “phê bình” này lại mang màu sắc tranh cãi, đi xa khỏi mục đích của phê bình, tranh luận học thuật.
Phê bình trẻ đang thiếu không gian để hành nghề. Mặc dù có nhiều hình thức xuất bản, đăng tải trong thời đại truyền thông như hiện nay, tuy nhiên, không phải cứ gửi đến là được đăng (đối với báo chí). Các thiết chế xung quang một tờ báo, một diễn đàn đôi khi đã không dành cho các nhà phê bình trẻ -nhất là những người viết ở địa phương, cơ hội được hiện diện. Tại sao? Một tờ báo, tạp chí bao giờ cũng có tôn chỉ, mục đích, có độc giả riêng. Vì thế, họ phải chủ động bài vở thông qua kênh cộng tác viên thường xuyên. Những bài viết “vãng lai” sẽ rơi vào tình trạng không phù hợp với yêu cầu về nội dung, chủ đề, chủ điểm, số chữ, quy cách trình bày, diễn đạt… của một tờ báo hay tạp chí nào đó. Không nắm được thiết chế, thật khó để nói các bài viết “xa lạ” được biên tập viên chú ý (hoặc không phải là lựa chọn hàng đầu).
Phê bình trẻ đang thiếu niềm tin từ giới sáng tác. Điều này có thể nhận thấy qua việc xuất hiện tình trạng nhà văn, nhà thơ tự viết phê bình cho nhau. Một số nhà văn, nhà thơ đồng thời viết phê bình, tiểu luận. Có lẽ, người sáng tác phải xuất hiện trong vai trò người phê bình để chuyển đạt suy tư của mình về sáng tác. Họ không đủ kiên nhẫn chờ đợi các nhà phê bình hoặc không tin vào phê bình nữa. Bộ phận không chuyên, tay ngang, thù tạc, giao đãi đang làm cho hình ảnh của phê bình trẻ trở nên nhạt nhòa, yếu kém, không tạo được sự tín nhiệm, tin cẩn để giao phó tác phẩm từ giới sáng tác.
Các nhà phê bình trẻ đang trong tình trạng thiếu thốn về vật chất. Theo quan sát của người viết, các nhà phê bình trẻ đa phần đều kiêm nhiệm. Họ phải lao động cật lực để có tiền trang trải cuộc sống. Nhiều bài viết ra đời chỉ như là một hình thức viết kiếm sống của tác giả. Điều đó, không may, lại đang chiếm tỷ lệ lớn trong bức tranh phê bình văn học trẻ hiện nay. Cơm áo đã co kéo nhiều thứ từ nhà phê bình như thời gian, sự chuyên tâm nghiêm cẩn, sự dũng cảm, khách quan, công tâm… Và, hệ quả là chất lượng phê bình theo đó mà giảm sút.
Để khắc phục cái thiếu và yếu của phê bình văn học trẻ, cần phải có những chuyển động mang tính đồng bộ và không phải một sớm một chiều. Trước hết, cần có biện pháp đào tạo những nhà phê bình chuyên nghiệp. Đào tạo từ trường lớp, nhưng quan trọng hơn là tự đào tạo. Các nhà phê bình trẻ, dù kiêm nhiệm cũng nên ý thức về công việc phê bình nếu đã dấn thân tham dự. Nhà phê bình chuyên nghiệp là rất cần thiết, nhưng, như một mô hình phổ biến của khoa học xã hội nhân văn, sẽ tồn tại nhiều nhà trong một con người. Vì thế, một giảng viên đại học, một nhà nghiên cứu, một nhà báo vẫn có thể đảm đương nhiệm vụ một nhà phê bình chuyên nghiệp. Để hoạt động phê bình thực sự có chất lượng, khách quan, công tâm, cần cải thiện đời sống của nhà phê bình trẻ thông qua hình thức trả nhuận bút cao hơn, tăng cường dung lượng các trang báo-tạp chí, diễn đàn phê bình để giới phê bình có không gian hành nghề. Phê bình không tránh khỏi tranh luận, vì thế, để có một nền phê bình chuyên nghiệp, cần tạo ra cơ chế tinh thần tôn trọng chân lý trong đời sống văn chương, học thuật. Chân-Thiện-Mỹ cần phải được đặt ra như là một phạm trù của đạo đức nghề nghiệp, nhân cách, luân lý, tư cách nghệ sĩ, trí thức trong không gian văn học-nghệ thuật đương đại.
TS NGUYỄN THANH TÂM