“Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu, giấy đỏ/Bên phố đông người qua”...

Hình ảnh ông đồ mặc áo the, đầu đội khăn xếp ngồi viết thư pháp tại các khu phố, lễ hội, đình, chùa... đã không thể thiếu trong mỗi dịp đầu năm. Hơn 10 năm nay, bên hồ Văn (Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám), "ông đồ" Lê Thanh Liêm luôn có mặt để “cho chữ” mỗi khi Tết đến, xuân về.

Chúng tôi có dịp du xuân đến Hội chữ Xuân, không khó để tìm được khu vực thư pháp của ông Lê Thanh Liêm. Bởi chỉ cần hỏi chỗ ngồi của “thầy đồ” Liêm ở đâu, thì ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn.

“Thầy đồ” Liêm khoác trên mình bộ áo dài truyền thống, đang chuẩn bị bút, mực, cẩn thận treo từng câu hoành, câu đối... trong không gian thư pháp của mình. Nhờ sự chỉn chu, tỉ mỉ, mà khu vực thư pháp của ông Lê Thanh Liêm luôn nhận được nhiều sự quan tâm, yêu mến của du khách, nhiều người từ xa chỉ nghe danh cũng tìm đến ông để xin chữ.

 “Thầy đồ” Lê Thanh Liêm miệt mài “cho chữ” tại Hội Xuân.

Ông Liêm vốn là người “ngoại đạo”, bởi nghề chính của ông là nhân viên kỹ thuật.

Đam mê thư pháp từ nhỏ, mỗi lần qua phố thấy “ông đồ” viết chữ, ông Liêm đều dừng lại quan sát rồi về tự tìm hiểu, bắt chước học theo.

Đến năm 1995, ông Lê Thanh Liêm mới bắt đầu hiện thực hóa ước mơ, chính thức theo đuổi viết chữ thư pháp. Đều đặn mỗi ngày, sáng đi làm, tối về đi học thêm thư pháp ở trung tâm, đến đêm muộn ông vẫn miệt mài bên ánh đèn để luyện chữ. Ông chia sẻ, có những câu chữ phải mất đến gần hai tháng mới có thể viết thành thạo.

Để trở thành “ông đồ” như ngày hôm nay, ông Liêm đã gặp không ít khó khăn từ những ngày mới theo đuổi thư pháp. Những ngày đầu tập luyện tốn rất nhiều giấy, mực, ông phải tự chế bút lông, tận dụng những tờ lịch, tờ báo cũ để viết chữ. Từ những nét chữ cơ bản đến nâng cao, ông đều dành trọn niềm đam mê qua từng nét bút.

Ông Liêm chia sẻ: “Để học thư pháp, ngoài giấy, bút, mực, nghiên, thì yếu tố quan trọng nhất là sự kiên trì của người học. Đặc biệt là giai đoạn sau 6 tháng, bắt đầu làm quen với những bài nâng cao, trình độ khó hơn, người học rất dễ nản, bỏ dở giữa chừng.

Không những vậy, thư pháp rất kén người học, không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết về chữ Hán, chữ Nôm, mà người học còn phải hiểu được văn hóa, ngữ nghĩa của từng câu chữ. Người học cần phải có sự đam mê, nghiêm túc rèn luyện và tính kiên trì, nhẫn nại cao. Với bản thân tôi, thư pháp không phải là một môn học, mà là nét đẹp văn hóa giúp con người tâm an, trí sáng”.

Ông Lê Thanh Liêm giới thiệu những bức thư pháp của mình.

Là một người yêu thư pháp, ông luôn bảo tồn nét đẹp văn hóa “cho chữ” và phát huy truyền thống hiếu học.

Ông Liêm mở lớp học thư pháp miễn phí tại nhà, đối tượng đa phần là các bạn học sinh, sinh viên. Mỗi lớp học của ông chỉ nhận từ 5 đến 10 học sinh, để bảo đảm chất lượng dạy và học. Đặc biệt, để mang lại những gam màu cảm xúc mới lạ trong nghệ thuật thư pháp, ông Liêm còn kết hợp giữa việc dạy học và dạy văn hóa, lễ nghi, cùng nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích khác.

Hiện nay, ông Lê Thanh Liêm là thành viên Câu lạc bộ Thư pháp Xuân Hồng (Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo). Trong tương lai, ông Liêm mong muốn có thể kết hợp thư pháp với các loại hình biểu diễn khác mới mẻ và đa dạng hơn, đáp ứng được thị hiếu của công chúng, đồng thời lan tỏa thư pháp Việt Nam đi xa hơn nữa.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.