Đón Tết Ất Tỵ 2025, TP Hồ Chí Minh ngập tràn sắc thái văn hóa cổ truyền, trong đó viết thư pháp là một trong những hình thức được người dân và du khách thích thú. Từ không gian văn hóa cấp thành phố đến các tụ điểm ở các quận, huyện đều có thú chơi tao nhã này, nổi tiếng nhất là phố ông đồ ở Nhà văn hóa Thanh niên...
Phố ông đồ được bố trí theo chu vi khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên, nổi bật nhất là hai tuyến đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Hoạt động văn hóa đặc sắc dịp Tết cổ truyền ở địa điểm này được tổ chức thường niên. Mỗi năm, tùy theo chủ đề và xu hướng check-in của giới trẻ, Ban tổ chức sẽ thiết kế, sắp đặt, bố trí các gian hàng phù hợp.
Nét đặc trưng của phố ông đồ dịp Tết Ất Tỵ 2025 là không gian, sắc màu mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống. Các tuyến phố được trang trí theo phong cách cổ điển, với họa tiết mái ngói âm dương, khung cảnh làng quê Việt cổ, tông màu trầm, hài hòa giữa những sắc độ tương đồng, tương phản, tạo cảm giác hoài niệm, ấm cúng, đoàn viên...
Điểm nhấn ở phố ông đồ là không gian hoài cổ “Góc đèn dầu”, đưa người dân và du khách ngược dòng lịch sử, trải nghiệm nét văn hóa phong tục cổ truyền ngày Tết của người Việt xưa. Các ông đồ với trang phục áo dài, khăn đóng “bày mực tàu giấy đỏ/ bên phố đông người qua...” khua tay “múa bút”, thảo những nét chữ “như phượng múa rồng bay”...
Bên cạnh những nghệ nhân viết thư pháp giàu thâm niên, phố ông đồ dịp Tết này có nhiều “ông đồ” trẻ tuổi. Đặc biệt là sự hiện diện của nhiều “bà đồ” thế hệ “gen Z”. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng kỹ năng “múa bút” của họ đủ để làm hài lòng khách trọng chữ...
Mời độc giả cùng phóng viên Báo Quân đội nhân dân tham quan, trải nghiệm thú chơi tao nhã dọc phố ông đồ...
 |
Mặt tiền phố ông đồ nhìn từ đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1... |
 |
...với không gian văn hóa hoài niệm nổi bật “Góc đèn dầu”... |
 |
... đưa người dân và du khách ngược dòng lịch sử trải nghiệm phong tục truyền thống của người Việt xưa... |
 |
... những mái ngói âm dương cổ kính rêu phong...
|
 |
...và không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống của gia đình Việt... |
 |
Những ông đồ say sưa “bày mực tàu giấy đỏ trên phố đông người qua”... |
 |
Ông đồ Đào Chiến, ngụ TP Hồ Chí Minh cho biết, ông đã có hơn 20 năm làm nghề viết thư pháp và Tết năm nào cũng có mặt tại đây.
|
 |
Bên cạnh những ông đồ cao niên và trung tuổi là những ông đồ thuộc thế hệ 9X, 2K... |
 |
Những gian hàng của các ông đồ trẻ tuổi được trang trí khá cầu kỳ, bắt mắt. |
 |
Du khách cảm thấy thích thú trước sự hiện diện của những “bà đồ” thế hệ gen Z.
|
 |
“Bà đồ” Võ Thị Kiều Trâm cho biết, bản thân say mê văn hóa truyền thống nên đã dành thời gian học viết thư pháp để “hành nghề”. |
 |
Một số “bà đồ” trẻ tuổi mặc trang phục và trang điểm cầu kỳ theo phong cách cổ trang để thu hút sự chú ý.
|
 |
Hai “bà đồ” Võ Vi Phương Thảo (trái) và Trần Thanh Nguyên bày tỏ sự hào hứng với phong cách sáng tạo của mình.
|
 |
Bên cạnh các bức thư pháp trên giấy khổ lớn, mặt hàng bao lì xì thư pháp cũng rất được du khách quan tâm.
|
 |
Viết thư pháp trên bao lì xì đòi hỏi tính cẩn thận, nắn nót. |
 |
Viết thư pháp trên quạt giấy cũng vậy... |
 |
Không chỉ người dân trong nước, khách nước ngoài cũng rất quan tâm thư pháp tiếng Việt.
|
 |
Không khí rộn ràng, đậm sắc thái cổ truyền ở Phố ông đồ góp phần tạo nên nét hấp dẫn, tươi vui, thấm đẫm tình thân của mùa Xuân trên TP Hồ Chí Minh...
|
PHAN TÙNG SƠN (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.
Nhân dịp Tết Ất Tỵ, sáng 25-1 (26 tháng Chạp), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức trang trọng lễ dâng cúng bánh tét lên Quốc Tổ Hùng Vương, tại Đền thượng (Khu tưởng niệm các Vua Hùng thuộc Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc ở TP Thủ Đức).