Gắn bó với Đà Nẵng tròn 30 năm, nên tôi thân thuộc từng góc phố, hàng cây. Bình minh lên, hoàng hôn xuống, khi những tia nắng cuối ngày hắt muôn ngàn sắc màu xuống dòng Hàn giang, tôi lại lững thững ra bờ sông ngắm cảnh. Phóng tầm mắt ra xa, tôi thấy những ngôi nhà cao tầng vươn mình toả bóng xuống dòng sông lấp lánh dát bạc. Gạt bỏ những suy tư, toan tính của đời thường, trải lòng mình với dòng sông Hàn yêu thương, thôi thấy tâm hồn trào dâng niềm cảm xúc vô bờ bến...
 |
Ảnh minh họa:TTXVN |
Tháng Tư, nắng vàng óng trải đều trên dãy núi Sơn Trà xanh thẳm. Ráng chiều vụt tắt, ngắm những ánh đèn điện lung linh sắc màu tựa hoa đăng soi bóng nước như tô điểm thêm nét quyến rũ của thành phố nơi “đầu biển, cuối sông”, lại gợi nhớ trong tôi kỷ niệm về thời cắp sách tung tăng đến trường. Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng ký ức tuổi học trò vẫn còn mãi trong tôi. Ngày ấy, tôi thức trắng đêm vùi đầu vào những trang sách vở chuẩn bị cho mùa thi sắp đến và cũng là mùa chia tay, lưu luyến những dòng lưu bút...“Chùm phượng vĩ ai treo bên thềm hạ. Để cho ai bối rối lúc tan trường. Nghe rưng rức tiếng buồn trên ngọn lá. Nhớ nhung gì hoa đỏ một trời thương...”.
Năm nào cũng vậy, cứ tháng Tư, gia đình tôi đều cảm thấy phấn chấn, tự hào. Bởi ngày 30-4-1975, bố tôi có mặt trong đoàn quân hùng dũng tiến vào giải phóng Sài Gòn, chứng kiến lá cờ của Quân giải phóng kiêu hãnh tung bay trên nóc dinh Độc Lập... Ngày 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Nhớ mãi thời tôi còn nhỏ, mẹ tôi bảo: “Bố con là Bộ đội Cụ Hồ, gần trọn cuộc đời cầm súng đánh giặc mới có được hôm nay. Mai này lớn khôn, con phải gắng sức rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
Tôi lớn lên qua những câu chuyện cổ tích của ngoại, trong lời ru ngọt ngào của mẹ và những câu chuyện chiến trường thấm đẫm nghĩa tình đồng đội của bố. Qua lời giảng của thầy cô, qua những trang sách nhỏ, tôi thấy hình ảnh của người chiến sĩ giải phóng quân đầu đội mũ tai bèo, chân đi dép cao su thật gần gũi, thân thương mà quá đỗi tự hào. Tôi thầm mong mai này mình cũng thành người chiến sĩ... Thế rồi, tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi vào quân ngũ với không ít lời khuyên ngăn của bạn bè, với tâm trạng vui buồn lẫn lộn: Vui vì ước mơ trở thành hiện thực, buồn vì phải xa quê hương và cả những kỷ niệm thời thơ ấu.
Ngày tháng trôi qua, thời gian là người bộ hành không bao giờ biết mỏi. Càng gắn bó, chia sẻ với cuộc sống gian khổ của người chiến sĩ, tôi càng thêm hiểu giá trị chân thực của cuộc sống quân ngũ luôn ấm tình đồng đội. Giờ đây, khi đã trở thành người chiến sĩ cầm bút, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng vẫn luôn trân trọng và yêu nghề, bởi tôi thấy rằng, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, các nhà báo chiến sĩ phải xông pha trên khắp chiến trường để ghi lại những hình ảnh, tư liệu quý giá về sự hy sinh cao đẹp, đầy chất bi tráng của người chiến sĩ nơi mặt trận. Có thể nói, mỗi bài báo, bức hình, thước phim được thực hiện giữa đạn bom, khói lửa phải đánh đổi bằng cả mồ hôi, máu và nước mắt. Nếu như năm xưa, những người chiến sĩ cầm bút xông pha giữa bom rơi, đạn nổ tác nghiệp, sáng tạo nên những tác phẩm báo chí để đời, thì ngày nay, những chiến sĩ cầm bút lại sát cánh cùng các cánh quân về vùng tâm bão, giúp dân phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả lũ lụt. Những nhà báo chiến sĩ hôm nay lại đến với người lính nơi biên cương, hải đảo, khắp mọi miền Tổ quốc để kịp thời tuyên truyền các mặt hoạt động của LLVT, nêu gương các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, góp phần tôn vinh hình ảnh cao quý Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân....
Đến hẹn lại lên, những ngày tháng Tư lịch sử năm nay, quân-dân cả nước hân hoan đón chào ngày kỷ niệm Chiến thắng 30-4, ngày thống nhất non sông. Trong dòng cảm xúc thiêng liêng ấy, tôi càng thêm tự hào vì mình vinh dự có mặt trong đội ngũ điệp trùng của người chiến sĩ hôm nay, tiếp bước cha anh bảo vệ những thành quả cách mạng mà các thế hệ đi trước đã đấu tranh gây dựng và nhiều người đã ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc...
PHAN TIẾN DŨNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.