Những lời ca sâu lắng trong điệu nhạc da diết, trầm hùng của bài hát “Tháng bảy và những cơn mưa” (nhạc sĩ La Hữu Vang) khiến người nghe trào dâng niềm xúc động trước sự hy sinh anh dũng của những người lính trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Có lẽ không ai thấm thía hơn nỗi đau tột cùng, sự hy sinh bi tráng của đồng đội như các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chiến đấu 81 ngày đêm đỏ lửa tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đó là cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Hợi, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3-Tam Đảo; CCB Đào Văn Phê, Phó trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3-Tam Đảo và Thiếu tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Trọng Can.
 |
Lãnh đạo Điện ảnh Quân đội nhân dân tặng hoa các nhân chứng lịch sử trong buổi giao lưu, giới thiệu phim “Mưa đỏ”.
|
Có mặt tại sự kiện giới thiệu bộ phim “Mưa đỏ” do Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức mới đây tại Rạp chiếu phim 17 Lý Nam Đế, Hà Nội, 3 nhân chứng lịch sử thu hút sự chú ý của các đại biểu, văn nghệ sĩ và báo chí, truyền thông không chỉ bởi những tấm huân, huy chương lấp lánh đỏ rực trên ngực, mà chính là những câu chuyện xúc động được các CCB trực tiếp kể lại.
Sau khi Ban tổ chức giới thiệu một số phân cảnh tiêu biểu, nổi bật trong bộ phim “Mưa đỏ”, các CCB như cảm thấy mình được sống lại những năm tháng chiến đấu cực kỳ gian khổ, bi tráng tại Mặt trận Thành cổ Quảng Trị. Tay hơi run khi cầm micro, đôi mắt đượm buồn, giọng người lính già Nguyễn Văn Hợi xúc động kể lại: “Thời điểm nhận nhiệm vụ phải vượt qua sông Thạch Hãn để chốt giữ Thành cổ Quảng Trị, đơn vị chúng tôi có 325 người. Trong 81 ngày đêm đó, quân số bổ sung gấp 4 lần nhưng đến ngày 25-5-1972, chúng tôi chỉ còn 39 người may mắn còn sống sót để trở về. Chỉ riêng Tiểu đoàn K3-Tam Đảo đã có hơn 1.000 đồng đội của tôi vĩnh viễn nằm lại nơi Thành cổ”.
Theo lời kể của CCB Nguyễn Văn Hợi, nhiều lần ông được cấp trên giao nhiệm vụ đi đón quân bổ sung. Nhìn thấy anh em lính trẻ ai nấy đều hăng hái sẵn sàng vượt sông lao vào chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, trong lòng ông khá yên tâm. Nhưng khi có tốp lính trẻ đang vượt sông, bất chợt có những “bầy pháo” của quân địch trùm lên. Khoảnh khắc đó, ông bỗng nhói lòng tột cùng khi loáng thoáng nghe thấy những tiếng kêu “Mẹ ơi...”, “Chị ơi...” của những người lính trẻ đang chơi vơi trên dòng sông Thạch Hãn rồi chìm nghỉm... Thân xác bao chiến sĩ trẻ măng tơ đã hòa vào sông nước... “Những người lính còn trẻ lắm, chưa biết yêu là gì. Họ vừa rời bàn tay của người mẹ, người chị nên trong giây phút cuối cùng, họ chỉ biết gọi mẹ, gọi chị”, CCB Nguyễn Văn Hợi nghẹn ngào.
Nhìn những hình ảnh người lính mặt mày nhem nhuốc khói súng, quần áo tả tơi, chân lội bùn lầy nhầy nhụa trong giao thông hào Thành cổ Quảng Trị trực tiếp quần thảo dữ dội với kẻ thù dưới mưa bom bão đạn được tái hiện trong bộ phim “Mưa đỏ”, CCB Nguyễn Văn Hợi gửi lời cảm ơn Đại tá, nhà văn Chu Lai, tác giả kịch bản và Thượng tá, Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Thái Huyền, đạo diễn cùng e kíp sản xuất phim “Mưa đỏ”. CCB Nguyễn Văn Hợi tâm sự: “Đồng đội của chúng tôi ở Tiểu đoàn K3-Tam Đảo cùng hàng nghìn liệt sĩ đã nằm lại Thành cổ Quảng Trị sẽ mỉm cười và vui lắm đây. Vì hôm nay, chúng ta có một tác phẩm điện ảnh mà khi xem xong đã thấy hình ảnh chúng tôi ở đó. Bộ phim giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân dân ta ở Mặt trận Thành cổ”.
Tiếp nối câu chuyện của đồng đội, CCB Đào Văn Phê chia sẻ, đất nước có được ngày hôm nay là nhờ hàng vạn liệt sĩ của chúng ta đã ngã xuống. Khi ra đi, họ không có may mắn được hưởng không khí ngày Chiến thắng 30-4-1975, ngày mà những người còn sống được trở về ôm nhau nhảy múa và reo lên “Mẹ ơi con sống rồi, con sẽ về thăm mẹ!”.
Thiếu tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Trọng Can mong muốn phim “Mưa đỏ” sẽ được khán giả đón nhận nồng nhiệt, nhất là khán giả trẻ. Bởi ông tin những câu chuyện về chiến tranh cách mạng sẽ không bao giờ mất đi trong ký ức của thế hệ trẻ. “Xem phim “Mưa đỏ”, các bạn trẻ sẽ cảm nhận sự hy sinh không tiếc xương máu của ông cha mình, từ đó có thêm niềm tin vào giá trị lịch sử truyền thống cách mạng và góp sức mình vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay”, Anh hùng Trần Trọng Can bày tỏ.
 |
Nhân chứng lịch sử giao lưu với khán giả trong buổi giới thiệu phim "Mưa đỏ". |
Có mặt tại sự kiện, nhà văn Chu Lai rất chăm chú lắng nghe những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử và ông dành lời trân trọng “cảm ơn đặc biệt tới 3 đồng đội của K3-Tam Đảo, những người từng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị”. Nhà văn Chu Lai cho rằng, 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị là một trong những trận đánh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại.
Trong 81 ngày đêm, trung bình mỗi ngày ta hy sinh khoảng một đại đội (80-120 người). Có tới 328.000 tấn bom giội xuống, mỗi chiến sĩ phải chịu 10 tấn bom. Có những tử sĩ một ngày “chết” tới... 7 lần. Mỗi lần bom rơi, thân thể của liệt sĩ đó lại bay lên không trung, mỗi lần bay lên lại thiếu đi một bộ phận, cuối cùng chỉ còn bay lên một bàn tay.
Lão nhà văn U80 từng là lính đặc công vùng ven Sài Gòn, trải lòng: “Viết tiểu thuyết kiểu gì, làm phim kiểu gì cũng không bao giờ có thể lột tả hết được sự bi tráng, kiêu hùng của Thành cổ Quảng Trị. Tiểu thuyết và bộ phim cùng mang tên “Mưa đỏ”, dù công phu đến mấy, cũng chỉ có thể là một lát cắt mà thôi”. Như kết lại những lời gan ruột của mình, nhà văn Chu Lai nói: “Nếu không có Thành cổ Quảng Trị trong “mưa máu” thì không có bầu trời xanh hôm nay. Không có bản giao hưởng máu, không có bản giao hưởng nhân văn thì không có những ngày hòa bình tươi tốt như hôm nay”.
Có lẽ vì thế, nhà văn Chu Lai cũng như những người làm phim “Mưa đỏ” cũng không muốn gì hơn là bộ phim này khi công chiếu (dự kiến ra rạp từ ngày 22-8 tới đây) sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong đông đảo công chúng và thông điệp “Máu xương đổ xuống, đất trời lưu danh” của bộ phim sẽ chạm vào trái tim khán giả. Được biết, đây là một bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng được đầu tư trí tuệ, tâm huyết, công sức, nguồn lực lớn nhất trong khoảng hai thập niên gần đây.
Bài và ảnh: PHÚC NỘI
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.