Làng nghèo xơ xác. Lũ giặc từ phương xa tràn tới, dồn dân, rào làng, kìm kẹp trăm bề, bóc lột đến tận xương tủy. Không còn những đêm rượu cần say men tình tứ, không còn khung cảnh bình yên già trẻ gái trai trong làng đung đưa theo nhịp chiêng ngân, điệu hát xoang, bên ánh lửa bập bùng trước sân nhà rông mừng ngày mùa no đủ hay dịp lễ tết, hội hè. Ven suối cạn, bên bìa rừng, phơi trắng xương người và thú. Nương rẫy mòn mỏi. Plei đang chết. Ta phải đi thôi! Đi tìm nguồn sáng, nguồn sống cho làng. H’Linh ơi! Plei ơi!

Tôi đi! Ngọn gió đơn độc thổi qua miền thượng du khô héo, chia cắt bởi những đồn điền tù ngục. Ia đã mất! Apui đã tắt. Đỉnh Chư Pông hằn vào đêm mùa khô dáng vẻ nhẫn nại như chờ đợi. Yàng ơi! Bóng tối, thú hoang, rừng rậm, núi xanh, đầm lầy, gai góc, chẳng làm khó bước chân ta. Kẻ thù lúc này là Pháp, đang kìm kẹp buôn làng. Khắp núi non, oán hờn chồng chất. Nghe đâu, đồng bào Ba Na, Xê Đăng ở Kon Tum đã sát cánh cùng các nghĩa quân vùng hạ du Bình Định-Quảng Ngãi đánh Pháp. Đồng bào Mơ Nông theo tù trưởng N’Trang Lơng đã vùng dậy khởi nghĩa, bền bỉ chống giặc nhiều năm qua… Rừng núi không bao giờ chịu khuất phục. Trong lòng cao nguyên này là lửa, sẽ bùng lên thiêu đốt kẻ thù. Đại ngàn tiềm tàng sức mạnh, những dòng sông sẽ dâng nước lên nhấn chìm lũ giặc tham tàn.

Gió chẳng bao giờ ngơi nghỉ. Ơi ngày tháng! Ta đã đi mà không nhớ tuổi mình. Ta đã về trong niềm vui bất tận của ngày Tổng khởi nghĩa. Ánh sáng của cách mạng đã đến với buôn làng. Phải đứng lên, kề vai sát cánh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên, tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta…”. Đó là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (19-4-1946). Plei ơi! Mảnh đất cha ông này sẽ thành làng kháng chiến, thành pháo đài chống giặc, là nơi xây dựng cách mạng sâu rễ bền gốc trên cao nguyên đại ngàn.

Gió 54…

Tôi về trong đội hình Trung đoàn 94, cùng các Trung đoàn 95, 67, 108, 803, 102… phối hợp với nhân dân địa phương tổ chức nhiều chiến dịch quan trọng, tiêu diệt lực lượng Pháp trên chiến trường Tây Nguyên. H’Linh lúc này đã là nữ du kích cùng buôn làng chống giặc. Tựa đầu vào vai tôi, nàng thì thầm kể về những ngày xa cách. Ta đã ở đây rồi, đã tìm thấy ánh sáng cho cuộc đời phía trước. Chỉ ít nữa thôi, trận đánh lớn cuối cùng chia lửa cho chiến trường chính Điện Biên Phủ sẽ diễn ra. Tôi và H’Linh lặng im, nghe trong lòng núi lớn Tây Nguyên ngọn lửa đang bùng sôi, gió đại ngàn tràn qua những vòm xanh vạm vỡ, ùa vào mặt sông Ayun đánh thức sức mạnh cao nguyên.

Gió 75…

Giặc Pháp tháo chạy. Đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam. Buôn làng Tây Nguyên một lần nữa lại chìm trong bóng tối kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Những dinh điền mọc lên chia cắt nương rẫy và bản làng. Chính sách “tố Cộng”, “diệt Cộng” cùng các chiến dịch khủng bố khác đã phủ bóng tối lên miền Thượng. Không cam chịu, những làng kháng chiến Tây Nguyên đã cùng nhau đoàn kết, bám trụ, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, chuẩn bị cho những ngày bão lửa.

Từ sau cao trào Đồng Khởi (1960), thế và lực của ta đã mạnh, chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ thất bại hoàn toàn. Tháng 3-1975, những ngày tháng đáng nhớ của Tây Nguyên, miền Thượng được giải phóng, mở đầu cho Đại thắng mùa Xuân 1975. Trong niềm vui bất tận ấy, H’Linh như trẻ ra.

Năm tháng theo mùa chiến dịch gội trắng mái đầu những người con của rừng núi Tây Nguyên thế hệ đánh Pháp và kéo dài sang cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cứ đi, tiếp nối nhau, bước chân ngang dọc Trường Sơn, từ thượng du theo hướng núi đổ về đồng bằng, truy kích kẻ thù tới tận sào huyệt, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Chiến trường im tiếng súng. Gió đưa mây về núi, nhắc lại cùng H’Linh lời hứa của người trai thuở trước.

Lãnh đạo Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78, Binh đoàn 15 và chính quyền địa phương trao lợn giống hỗ trợ nhân dân phát triển sinh kế. Ảnh: qdnd.vn

2. Gót Binh đoàn - Nhật ký xanh trên vùng đất đỏ

Trong giấc mơ nhoàng lên như ánh chớp đầu nòng, tôi thấy mình đánh rơi một lời thề hẹn bên dòng Ayun. Ngày tôi về, chỉ thấy tóc trắng như mây đổ vào chiều bazan. Tôi đưa tay với mà không sao chạm được vùng tóc trắng ấy. Rồi cứ thế, gió đưa tôi đi, vượt lên những đỉnh núi mù sương.

Tây Nguyên của tôi đã được giải phóng khỏi kẻ thù xâm lược, nhưng vẫn còn muôn vàn khó khăn. Hậu quả của chiến tranh, đời sống bà con còn nghèo khó, kinh tế nói chung còn thấp. Cùng với đó, tập tục từ ngàn xưa có những điểm đã không còn phù hợp với điều kiện sống mới. Tuy nhiên, Tây Nguyên lại là vùng đất có vị trí vô cùng quan trọng cả về quân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế… Trên những tầng cao của gió, tôi đã có dịp quan sát địa hình, địa mạo của dải thượng du thân yêu. Quả thật, “Ai làm chủ được Tây Nguyên sẽ làm chủ được Đông Dương”.

Đánh giá chính xác vị trí, tầm quan trọng của Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương từng bước giao cho quân đội tham gia xây dựng và phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược này. Trên cơ sở hiệu quả của những đơn vị quân đội đứng chân ở Tây Nguyên những năm trước đó, ngày 20-2-1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) quyết định thành lập binh đoàn xây dựng kinh tế Tây Nguyên, mang phiên hiệu Binh đoàn 15, trực thuộc Quân khu 5, Bộ Quốc phòng. Miền đất Tây Nguyên sẽ từng bước được hồi sinh theo dấu Binh đoàn 15. Chiến lược phát triển tổng hợp bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, khai thác với quy trình từ trồng-nuôi mới đến sản xuất chế biến và tiêu thụ được hoạch định rõ ràng. Sự điều tiết và cân đối của Nhà nước, tư cách pháp nhân rõ ràng cùng trọng trách của một đơn vị quân đội vừa làm kinh tế vừa xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh dọc miền biên giới Nam Trường Sơn, đã tạo thế và lực cho Binh đoàn 15 từng bước khẳng định vững chắc vai trò, sứ mệnh của mình trên cao nguyên.

Tôi không nhớ đã bao nhiêu mùa nương rẫy, bao nhiêu lần rừng cao su trút lá dệt lên miền đất đỏ những thảm vàng rực rỡ. Năm tháng miệt mài đi qua như đời người, đời cây, đời rừng, đời đất, chắt chiu bồi đắp cho Tây Nguyên. Những vết thương chiến tranh dần lành lại. Đạn bom mang gương mặt tử thần ẩn mình trong lòng đất đã được những người lính Binh đoàn 15 dò tìm, rà phá, trả lại sự bình yên cho những bước chân, những nẻo đường.

Lịch sử sẽ nhớ từng chặng chuyển mình của Binh đoàn 15, từ những đơn vị tiền thân bám trên sống lưng Nam Trường Sơn. Đó là Đoàn 773, được thành lập tháng 7-1973 với nhiệm vụ làm tổ, căn cứ địa cho Quân khu 5 và bảo vệ hành lang tuyến chi viện đường Trường Sơn 559, từng bước phát triển mở rộng để tiếp quản các vùng giải phóng, kịp thời giữ vững an ninh và làm tốt công tác dân vận. Những năm tháng sau đó, cùng với khí thế của dòng thác lũ đổ về đồng bằng, giải phóng miền Nam, các đơn vị quân đội làm kinh tế - quốc phòng trên rẻo cao đã không ngừng lớn mạnh. Đoàn 731, 732, 733, 734 ra đời trên cơ sở các đoàn hậu cần, xây dựng, nông trường tại chỗ hoặc được chi viện từ miền Bắc vào. Sự chuyển dịch, tái cấu trúc các đoàn kinh tế, nông trường 702, 703, 704, 705, 706 với nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định từ trước, cùng những đòi hỏi mới sau giải phóng (tiễu trừ Fulro, Pol Pot) đã đặt các đơn vị tiền thân của Binh đoàn 15 vào cuộc chiến mới cam go không kém. Nhưng cũng từ đó, vị thế, tầm vóc, năng lực và trách nhiệm của binh đoàn trên dải biên cương rộng lớn này ngày càng được khẳng định. Những mùa mưa, mùa khô nối nhau đi qua. Trong khung Binh đoàn 15, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động tiếp bước, thế mà cũng đã 40 năm, kể từ ngày có quyết định thành lập chính thức. Mảnh đất Tây Nguyên nuôi dưỡng và chở che binh đoàn. Binh đoàn cũng làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, giữ vững địa bàn chiến lược, ổn định chính trị, tăng cường an sinh xã hội, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Tháng 11, mùa khô 2024 theo phong lịch, gió mang tôi vượt qua đỉnh 500 men xuống sườn Chư Pông, qua những rừng khộp đen sạm ùa về Pleiku, chợt nhìn thấy một người lính trẻ trong sân Bộ tư lệnh Binh đoàn 15. Chắc là từ xa vừa đến, người lính trẻ ngơ ngác ngước nhìn dải màu xanh thẫm của rừng núi phía Tây. Tôi nghe người lính thì thầm: "Về rồi! Về rồi!"

Nơi phố núi, chiều xuống rất nhanh. Tôi treo mình trên vòm cây sẫm tối góc sân binh đoàn, ngó xuống trang bản đồ đánh dấu chặng hành quân của người lính trẻ. À! Thì ra, đây là một nhà văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ở tận Hà Nội, đi thâm nhập thực tế, lấy tư liệu phản ánh các hoạt động xây dựng phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh của Binh đoàn 15 trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Theo những điểm đánh dấu trên bản đồ, tôi hình dung ra, người lính trẻ này sẽ đi về phía Công ty 75, 74, 72, Trạm chỉ đạo tiền phương của công ty Bình Dương, các đội sản xuất ở xã Ia Buch/ Chưprông, sau đó về Trung đoàn Kinh tế - Quốc phòng 710… Những cái tên như Ia Grai, Ia Dơk, Ia Chía, Ia Krel, Ia Pnon, Ia Nan, Ia Dom, Ia Mơ, Ia Boong, Ozadao - Natarakiri, Andong Meas (Campuchia)… chẳng biết có gợi lên trong lòng người lính trẻ ấy nỗi hoang vu, xa lạ hay không? Với cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Binh đoàn 15, tôi tin rằng, những địa danh ấy trở nên thân thuộc, gần gũi. Bao nhiêu năm đứng chân trên địa bàn trọng yếu này, cùng làm, cùng ăn, cùng ở với Tây Nguyên, những người lính Binh đoàn 15 tựa như người nhà, đồng bào đồng tộc với bà con thôn làng miền Thượng. Lời Bác Hồ năm xưa gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku như còn vang vọng.

Về rồi! Về rồi! Đôi mắt người lính trẻ ánh lên tia nhìn khác lạ. H’Linh! Sao tôi nghe trong ngực người con trai ấy nhịp đập thổn thức. Một vùng ký ức ùa về, hằn lên vết chàm trên ngực trái. Bất chợt, lòng gió nhói đau. Ánh chớp ngày xưa còn bỏng trong tiềm thức. Sự trở về này, khuôn mặt xa lạ kia, sao bỗng dưng thấy quen thuộc. Hình như là tôi, của nhiều năm xưa cũ, ngày ra đi bên bờ Ayun nhung nhớ.

Người lính trẻ mang trái tim của gió. Gió của đại ngàn, của Tây Nguyên, của tự do phóng khoáng. Những ngày dài theo bước Binh đoàn 15, qua Công ty 75, 74, 72, Trạm tiền phương công ty Bình Dương, Trung đoàn 710, đôi chân đã nhuốm màu bụi đỏ bazan, đã xuyên qua rừng khộp khát cháy; mắt đã thấm thía màu xanh sâu của rừng, màu xanh tươi của cao su, hồ tiêu, cà phê; lòng đã đắm đuối với trời Ia Mơ rộng rãi… mới hay rằng, Tây Nguyên đang hồi sinh mạnh mẽ. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và an ninh, quốc phòng trên bình nguyên rộng lớn này đã nói lên những nỗ lực không biết mệt mỏi, với bầu nhiệt huyết lớn lao của cán bộ, chiến sĩ, người lao động binh đoàn, mà trước hết là của bà con các dân tộc Tây Nguyên. Dẫu còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, khó lường, nhưng trên dải biên cương hơn 250km (tiếp giáp với Lào và Campuchia) này, đất và người Tây Nguyên, theo gót binh đoàn, theo màu xanh của cây lá, sự trù phú của nương đồi, đã thắm tươi trở lại.

Gió ngập ngừng bên dòng Ayun. Mùa khô còn vương nắng hanh trên tán rừng lao xao. Người lính trẻ lắng nghe lời thì thầm giữa thăm thẳm thời gian: Plei chờ anh!

NGUYỄN THANH TÂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.