Phóng viên (PV): Theo tôi được biết, nhạc sĩ không chỉ viết nhạc, mà còn làm thơ, vẽ tranh và cũng có khoảng thời gian làm nhiếp ảnh. Xin hỏi, nhạc sĩ đã bén duyên với âm nhạc từ bao giờ?

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Từ nhỏ, tôi đã được nghe đĩa hát từ nhà của những người hàng xóm. Ngày xưa, tất cả đều nghe bằng kèn hát, là những cái đĩa rất to. Ở trong đó, người ta ghi lại bài hát của nhiều giọng ca. Tôi nghe nhiều. 9, 10 tuổi là tôi đã hát véo von. Dù còn nhỏ, nhưng ngày đó tôi chỉ hát toàn bài người lớn thôi. Tôi cứ hát theo một cách vô thức, dù không hiểu hết ý nghĩa của ca từ. Đến khi học cấp một, tôi được thầy cô cho hát vào những ngày khai giảng và bế giảng. Tôi bắt đầu làm quen với âm nhạc từ đó.

Tôi tiếp tục tham gia văn hóa, văn nghệ cho đến những năm cấp 3. Sau đó, tôi theo học ngành thủy lợi, ngành không liên quan đến âm nhạc. Tôi nghĩ, thủy lợi chỉ là cái nghề để đi làm kiếm ăn, có đồng lương để nuôi mình. Còn cái nghề mình yêu thích thì vẫn là âm nhạc. Không phải đi hát, mà là sáng tác. Sau đó, tôi thi vào trường âm nhạc, bắt đầu theo đuổi ước mơ của mình. Tôi học rất say mê. Ngày đó, đời sống rất khó khăn. Tôi là cán bộ đi học, mỗi tháng sinh hoạt phí được hơn 20 đồng, phải hết sức tiết kiệm.

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ Đoàn Bổng.

PV: Điều gì đã thôi thúc nhạc sĩ sáng tác những bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Tôi viết nhiều thể loại. Riêng về Bác Hồ có hơn 20 bài. Những bài hát đó tôi đều lồng ghép hình ảnh của Bác vào trong câu hát. Hồi nhỏ, may mắn có một lần, tôi cũng không nhớ là năm nào, ngày đó Bác Hồ tiếp đón Tổng thống Indonesia Sukarno sang thăm Việt Nam. Lúc đó, chúng tôi đi cắm trại ở công viên Bách Thảo. Bác Hồ và Tổng thống Sukarno ngồi trên một chiếc xe mui trần, đi từ phía Phủ Chủ tịch ra công viên Bách Thảo. Chị phụ trách gọi chúng tôi tập hợp lại, xếp hai hàng đi đến chỗ Bác Hồ và Tổng thống Sukarno đang đứng. Bác trò chuyện và giới thiệu Tổng thống Indonesia với chúng tôi. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về Bác. Sau này, khi tôi học ở Nhạc viện, vào một buổi sáng mùa thu, tôi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin là Bác đã qua đời. Tôi cứ nằm và khóc thôi. Cũng từ đó, tôi có một ấn tượng rất sâu sắc về Bác. Nhắc đến Bác, bao giờ tôi cũng hết sức xúc động.

PV: Được biết, “Việt Nam rạng rỡ tên Người” là bài hát đầu tiên mà nhạc sĩ viết về Bác. Vậy bài hát này ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Ngày 9-9-1969 là ngày tôi đặt bút viết. Tôi muốn nói về việc cả nước đau thương, nhân loại đau thương khi vĩnh biệt một con người luôn luôn vì dân, vì nước. Không những vì dân, vì nước, mà Bác còn vì cả những dân tộc đang bị áp bức trên toàn thế giới. Với niềm xúc động như vậy, tôi đã viết bài hát “Việt Nam rạng rỡ tên Người”. Lúc đầu, tôi đặt tên cho bài hát này là “Tên Bác Hồ, tên thế kỷ XX”, nhưng cái tên này dài và nghe không rành mạch, nên sau này tôi sửa lại thành “Việt Nam rạng rỡ tên Người”. Đó là bài hát đầu tiên tôi viết về Bác theo lối viết thính phòng, cổ điển. 

PV: Hình tượng Bác Hồ đã in sâu vào âm nhạc, thơ ca và đã có rất nhiều tác phẩm thành công. Vậy làm cách nào để nhạc sĩ tạo được dấu ấn riêng của mình trong mỗi bài hát về Bác?

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Tôi nghĩ, những cái mình viết thì không thể trùng lặp với chính mình, tức là không được chân mình lại giẫm vào chân mình. Riêng về đề tài Bác Hồ, viết xong bài thứ nhất, đến bài thứ hai phải khác. Và những người đi trước tôi đã viết thành công theo một lối hát chậm rãi, thì tôi tránh cái đó và tôi viết với tinh thần tươi trẻ, khỏe khoắn. Lối viết này dễ lôi cuốn các bạn trẻ, các bạn thanh niên. Lớp trẻ là lực lượng giàu trí lực, tiến bộ, nên họ tiếp thu rất nhanh. Nếu bài hát của mình tiếp cận được với những người trẻ tuổi, thì tác phẩm của mình sẽ gắn liền với thanh niên, và như thế thì bài hát của tôi sẽ luôn luôn đi cùng tuổi trẻ. 

PV: Làm thế nào để nhạc sĩ có thể giữ được ngọn lửa đam mê và lòng nhiệt huyết của mình đến tận bây giờ?

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Là một người viết nhạc chuyên nghiệp, tôi luôn phải trau dồi những thủ pháp trong cách tìm đề tài, tìm chủ đề, biết tạo cảm xúc. Tôi là người giàu cảm xúc, dễ xúc động. Đọc một bài viết trên báo cũng làm tôi xúc động. Có thể bài báo được viết rất vui, nhưng mà tôi lại thấy rất cảm động. Vì sao ạ, vì tự hào. Tôi cảm động trước con đường của Bác lãnh đạo nhân dân, lời dạy của Bác về độc lập, tự do. Những câu nói, lời dạy của Bác rất ngắn gọn. Con đường Bác đã đi, đã trải qua là hết sức tuyệt vời. Tôi lấy tấm gương của Bác để tạo cảm hứng, chọn cho mình một cách viết riêng.

PV: Hiện tại, nhạc sĩ đang sáng tác hay ấp ủ một bài hát nào về Bác Hồ không?

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Tôi vừa viết xong một bài có tựa đề “Lời Bác dạy truyền mãi mai sau”. Bài hát mới này được phổ thơ của nhà thơ Đỗ Văn Phú. Tôi rất quý anh Phú. Khi anh gửi cho tôi bài thơ nói về lời Bác dạy, tôi rất xúc động. Bác căn dặn Chính phủ và đồng bào ta phải luôn luôn xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ - những người đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc, nhân dân. Bác Hồ căn dặn phải làm thế nào để cuộc sống của những người thương binh bớt khó khăn, phải nhớ đến các Anh hùng liệt sĩ. Những lời dạy đó của Bác đã đi vào bài hát của tôi, để rồi bài hát “Lời Bác dạy truyền mãi mai sau” ra đời.

PV: Qua những bài hát viết về Bác, nhạc sĩ muốn gửi gắm tâm tình gì đến với công chúng?

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Tôi có một suy nghĩ như thế này, toàn Đảng, toàn dân ta đã luôn luôn nghe theo lời Bác, nhưng cái khó nhất là chúng ta phải kiên trì, phải quyết tâm làm bằng được, noi theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bác căn dặn những điều hay, lẽ phải, thì chúng ta cố gắng học ở Bác những cái điều hay, lẽ phải đấy, để làm sao cho đất nước ta ngày càng giàu đẹp.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện thú vị. Chúc nhạc sĩ thật nhiều sức khỏe!

THÚY HẰNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.