Lịch sử vườn bắt đầu từ năm 1894, khi theo lệnh của Sa hoàng Alexander III, Trạm Thí nghiệm Làm vườn và Nông nghiệp Sochi ra đời. Hoạt động của vườn gắn liền với việc nghiên cứu, phát triển, và nhân giống các loại cây ăn quả miền Nam, cây cận nhiệt đới cũng như hoa nhằm chọn ra những loài và giống tốt nhất để đưa vào canh tác ở các vườn và trang trại trong vùng. Trên khu vực diện tích 1,96ha, người ta trồng nhiều loại cây có múi, ổi dứa, quả phỉ, sung ngọt, mận, lê … và thậm chí ở lối vào khu vườn còn trồng một rặng tre tuyệt đẹp.

Năm 1933, nhà nghiên cứu Fyodor Mikhailovich Zorin bắt đầu làm việc tại Trạm Thí nghiệm để phát triển các giống quýt chịu được sương giá và các giống mận, sung ngọt và quả phỉ cho năng suất cao. Trước đó ông Zorin từng là học trò của nhà sinh vật học - nhà lai tạo nổi tiếng người Nga Ivan Michurin.

leftcenterrightdel
Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ luôn quan tâm đến việc trồng cây. Ảnh: Tư liệu 

Tuy nhiên, điều thú vị nhất là tên gọi của cây lại xuất phát từ những người Việt Nam. Năm 1957, ba bác sĩ Việt Nam là Đặng Thành Khôi, Vũ Tạ Cúc, Nguyễn Thúc Mậu khi đến thăm cây đã đề xuất ý tưởng đặt tên nó là "Cây Hữu nghị". "Năm 1957, các bác sĩ Việt Nam đến Sochi khi thấy trên một thân cây lại cho nhiều loại quả ngọt khác nhau, cam, quýt, chanh … đã so sánh với thực tế cuộc sống. Họ ví cây như Trái đất của chúng ta, đem lại cuộc sống cho mọi người, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng hay màu da. Và chính nhờ các bác sĩ Việt Nam năm 1957, cây được gọi là Cây Hữu nghị", bà Elena Grazhdanika, nhân viên vườn cho biết. 

Ngày 16-7-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại "dấu ấn xanh" trên cây khi ghép cành vào Cây Hữu nghị. Trong cuốn sách của mình, bà Lyudmila Dmitrenko, học trò của Viện sĩ Zorin, nhớ lại rằng khi được đề nghị ghép, Bác Hồ đã mỉm cười và trả lời: "Tôi sẵn sàng ghép những cành vì hòa bình và tình bạn giữa các dân tộc, vào tất cả thời gian rảnh của mình".

Ngoài tấm biển tên Bác Hồ kính yêu của chúng ta và 3 bác sĩ người Việt Nam, trên "Cây Hữu nghị" còn treo tấm biển của Phó chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, ghép cành vào cây năm 1969.

Một trong những truyền thống của khu vườn là trồng những "Cây Hữu nghị" non để vinh danh những sự kiện quan trọng. Hiện đã có 75 cây như vậy được trồng bởi những người từ các quốc gia khác nhau và ngành nghề khác nhau. Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nhà làm vườn người Sochi M.P. Andrusyak bắt đầu một truyền thống mới. Cô mang một bụi cây nhỏ về làm quà cho Cây Hữu nghị. Ngày nay trong vườn thực vật, bạn có thể thấy cây bồ đề từ Belarus, cây vân sam xanh từ Estonia, cây phong lan từ Pháp và cây anh đào từ Nhật Bản. Tổng cộng có hơn 10 "biểu tượng thực vật" của các quốc gia khác nhau như vậy.

Tháng 5-1965, nhân viên bảo tàng Lev Tolstoy ở Yasnaya Polyana đã gửi một ít đất từ mộ nhà văn vĩ đại người Nga tới "Cây Hữu nghị". Ý tưởng này đã được ủng hộ và đất bắt đầu được gửi đến từ nhiều địa điểm đáng nhớ ở nhiều quốc gia châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Đáng chú ý trong số những tặng vật "đất" như vậy là hộp đựng đất lấy từ làng Sơn Mỹ của Việt Nam, nơi đã diễn ra vụ thảm sát kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của hơn 500 người dân vô tội. Hiện tại bảo tàng lưu giữ khoảng 30 món quà của người Việt Nam như bình hoa, bưu thiếp, tượng và những món đồ khác.

"Cây Hữu nghị" là biểu tượng sống động độc đáo của sự đoàn kết, hòa bình, những khác biệt tồn tại trong sự hài hòa. Tất cả các nhánh đến từ nhiều nơi trên toàn thế giới của nó cùng tồn tại hoàn hảo trên một cây mẹ, phát triển, nở hoa và kết trái. Đặc biệt, khi tới thăm vườn và tận mắt nhìn thấy Cây Hữu nghị, bạn thực sự sẽ cảm nhận được tinh thần cao cả, đại đồng, chung sống hòa bình, hòa hợp trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động bất ngờ như hiện nay.

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.