(Tưởng nhớ nhà văn Sơn Tùng)

Hơn mười năm nay, sau nhiều lần tai biến, ông nằm liệt giường, để lại một góc “chiếu văn” ở ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên, Hà Nội vắng vẻ những cuộc luận đàm thế sự, những tao đàn nhưng lại tỏa ra một ánh sáng vĩnh hằng của lòng lành và ý chí vĩ đại của con người.

Cho đến 23 giờ 5 phút ngày 22-7-2021, nguồn sáng ấy lặng lẽ bay lên, nhập vào ngân hà, giữa những thiên hà bao la của vũ trụ.

Tôi được gặp nhà văn Sơn Tùng vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi tôi đang làm ở Ban Văn nghệ của Báo Nhân Dân.

Đến nhà ông, tôi vô cùng ngạc nhiên vì ông nói rằng đã biết tôi, đã đọc tôi và nói với chị Mai, vợ ông, một người phụ nữ đẹp và sự phúc hậu toát ra từ gương mặt, từ mọi cử chỉ lấy ra một mảnh báo cũ cắt bài báo của tôi.

Tại “chiếu văn” ấy, tôi đã gặp rất nhiều nhân sĩ cũng như những người trẻ tuổi sau này thành những nhà văn khá nổi tiếng như Nguyễn Hồng Thái, Thiên Sơn…

Ông sinh năm 1928, đáng tuổi cha chú, nhưng cả anh chị đều gọi tôi là em, và coi vợ chồng tôi như em út trong nhà, dịp này, dịp khác, vẫn thường đến thăm chúng tôi như anh chị cả đến thăm em.

                                                                                                                *   *   *

Tôi đọc hầu hết tác phẩm của ông, nghe ông kể chuyện về làng Hoa Lũy, Diễn Châu quê hương ông, về quan hệ họ hàng giữa họ Bùi của ông và gia đình Bác Hồ, đọc nhiều bài báo có từ khóa Sơn Tùng, càng ngày, càng thấy vinh dự được trực kiến một “ngọn núi” lớn.

Với tôi, Sơn Tùng trước hết là một chiến sĩ cách mạng.

leftcenterrightdel
 Nhà văn Sơn Tùng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Ở tuổi thiếu niên, ông đã tham gia các phong trào của Việt Minh từ năm 1944, rồi tham gia công tác đoàn ở tỉnh Nghệ An.

Năm 1955, ông là đại biểu thanh niên sinh viên Việt Nam dự Đại hội liên hoan thanh niên sinh viên thế giới lần thứ V tại Vác-sa-va Ba Lan. Trên đường đi có dừng lại ở Mát-xcơ-va (Nga), bất chợt nhìn thấy một cô gái Nga đội chiếc nón lá Việt Nam (nón bài thơ) đi giữa đường phố thủ đô Nga. Cảm xúc yêu thương, tự hào về đất nước và con người Việt Nam dâng trào. Ông đã viết bài thơ “Gửi em chiếc nón bài thơ”, được in trong nội san sinh viên năm 1955, sau in Báo Thống Nhất (1960). Nhạc sĩ Lê Việt Hòa đã phổ nhạc bài thơ này, thành một trong những bài hát được hát nhiều nhất sau năm 1975.

Trước đó 10 năm, Sơn Tùng, với tinh thần của đoàn, đâu cần thanh niên có, ông về tuyến lửa Khu 4, làm phóng viên chiến tranh của Báo Tiền Phong. Năm 1967, ông lại xung phong vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, tham gia thành lập Báo Thanh niên giải phóng. Sau khi bị thương, ông trở về Bắc và cống hiến cho lý tưởng bằng ngòi bút của mình.  Sự nghiệp văn học của ông cũng từ đây rất nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm tiểu thuyết như: Búp sen xanh, Bông sen vàng, Lõm, kịch bản điện ảnh Hẹn gặp lại Sài Gòn

Ông là nhà văn yêu Bác Hồ, viết về Bác Hồ nhiều nhất. Nếu người viết thơ thành công nhất về Bác Hồ là nhà thơ Tố Hữu thì Sơn Tùng là nhà văn viết thành công nhất về Bác Hồ. Ông từng nói: Tôi viết về Bác vì tôi yêu Bác. Người Việt Nam ai cũng yêu Bác Hồ, không thể nói tôi yêu Bác Hồ hơn người khác, chỉ là tôi có điều kiện gần gũi với gia đình Bác, hiểu Bác… Từ sau năm 1975, ông có mối chuyên tâm lớn là sưu tầm tư liệu về Bác, ông đã cùng người vợ tri kỷ đi khắp Bắc – Nam để sưu tầm tài liệu về Bác. Và duyên may đã cho ông gặp nữ tu Lê Thị Huệ ở Bà Rịa - Vũng Tàu là con quan, bạn bè của Bác thời ở Huế để dựng thành “Út Huệ” trong “Búp sen xanh”. Viết về Bác Hồ, các tác phẩm của Sơn Tùng không hề nhằm mục đích xây dựng một thần tượng mà đưa Người trở về cuộc sống nhân dân, làm sáng lên những tinh hoa người Việt, nhất là lý tưởng vì dân, vì nước của Người.

Sơn Tùng, trong lòng tôi, là một nhà nho tiết liệt cuối cùng phú quý không ham muốn, an bần lạc đạo trong cảnh nghèo; dù hoàn cảnh nào cũng không thay đổi lý tưởng, ý chí của mình và không uy vũ, thách thức nào có thể khuất phục nổi.

Ngay cả thời gian. Thời gian làm trái tim ông ngừng đập, thể phách ông tiêu tán. Nhưng tinh thần của ông còn mãi.

Anh Sơn Tùng ơi, xin cho em được gọi anh, khóc anh một câu như thế.

Trong mọi cuốn sách anh tặng em, anh đều ghi một chữ “Tâm”. Chữ ấy anh dạy em sống, anh dạy em lương tâm của người cầm bút. Và đó là đạo lý, cái đạo lý mà Nguyễn Du đã tìm ra hơn 200 năm trước để biết đường diệt khổ; đạo lý của người Việt sáng ngời trong minh triết Hồ Chí Minh mà anh đã dành cả đời mình để làm sáng lên sự linh thiêng, huyền diệu.

Em lại nhớ những bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân chụp anh với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mỗi lần gặp nhau đều cảm động và khóc. Đó là chữ tâm, chữ tình, chữ lý tưởng, tất cả đã kết tinh ở Bác Hồ và rọi sáng trong lòng mỗi con dân nước Việt!

Anh về cõi Bác nghe Anh!

Nhà thơ NGUYỄN SĨ ĐẠI