Điều này không có gì đáng bàn bởi các chiêu trò đều lành mạnh, nhưng đằng sau đó thì lại đặt ra vấn đề không nhỏ: Chức năng giải trí đang lấn át các chức năng xã hội cần thiết và quan trọng khác. 

Giải trí là nhu cầu tự nhiên và chính đáng của con người, văn học nghệ thuật là phương tiện thỏa mãn tốt nhất nhu cầu này. Nghệ thuật đương nhiên có chức năng giải trí nhưng phải giải trí bằng và thông qua hình tượng nghệ thuật, có nghệ thuật. Tức giải trí để hướng con người tới cái đẹp nhân văn trong sáng, lành mạnh, bổ ích. Chúng ta thấy trong văn học dân gian, bên cạnh chức năng truyền thụ tri thức, kinh nghiệm và bồi dưỡng tâm hồn thì còn là sự tạo ra tiếng cười vui nhờ những hình tượng ngộ nghĩnh, câu chữ hài hước, hóm hỉnh hay trò chơi chữ, đố chữ trí tuệ thâm thúy… Văn nghệ chân chính không bao giờ coi chức năng giải trí là cao nhất và duy nhất, bởi nếu vậy văn nghệ sẽ bị tầm thường hóa. Hơn lúc nào hết, chúng ta quay về học lại lời dạy của cha ông: Văn chương (nghệ thuật) có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại đáng thờ thì chuyên chú vào con người, loại không đáng thờ thì chỉ chuyên chú vào văn chương (Nguyễn Văn Siêu).

Đúng vậy, nghệ thuật hôm nay càng phải “chuyên chú vào con người” nhiều hơn nữa để giáo dục nhân cách đang suy thoái một cách báo động. Đã có nhiều tiểu phẩm hài ở các gala cười hay xen lẫn các chương trình nghệ thuật khác, nhưng còn thiên về giải tỏa stress, nghiêng về giải trí bằng gây cười nhạt qua việc xây dựng những nghịch cảnh trớ trêu ngoài xã hội. Nhiều khi cười để mà cười, tính giáo dục không rõ nét bởi đó mới chỉ là những sự việc mang tính hiện tượng chứ chưa đi sâu vào bản chất. Những câu chuyện như vậy thường vui vẻ chứ không ngấm, càng không đau vì chưa phải là bi hài kịch đúng nghĩa của nghệ thuật.

Thông qua những hình tượng phù hợp mà tinh tế uyển chuyển, văn nghệ sẽ có tác động lớn lao trong việc cung cấp tri thức nâng cao hiểu biết về tự nhiên, xã hội của thế giới đương đại. Vì trong bối cảnh toàn cầu hóa không có tri thức không thể hội nhập.

Văn nghệ là sự tác động, là sự chinh phục con người bằng các hình tượng thẩm mỹ có sức lan tỏa, truyền cảm ở ý nghĩa nội dung và giá trị hình thức. Trình độ thưởng thức càng cao, cuộc sống càng văn minh càng đòi hỏi về cái đẹp thuần khiết hơn, trong sáng, chuẩn mực hơn… Nghệ thuật cũng dạy con người ta sáng tạo, thưởng thức, nhận xét, bình giá cái đẹp chuẩn xác, nhuần nhị hơn...

Thiên chức cao cả như vậy chả lẽ văn nghệ hôm nay lại quá thiên về giải trí!

Sáu trăm năm trước, danh nhân văn hóa kiệt xuất Nguyễn Trãi đã đưa ra “định nghĩa” về thiên chức nghệ thuật: “Ngư ca tam xướng, yên hồ khoát/ Mục địch nhất thanh, thiên nguyệt cao” (Ngư ông hát lên ba lần thì mặt hồ phủ khói lại rộng ra/ Mục đồng thổi một tiếng sáo thì mặt trăng trên bầu trời được đẩy cao lên). Nghĩa là nghệ thuật có thể mở thêm ra những không gian mới cả chiều rộng lẫn chiều cao, chiều sâu; cả không gian vật lý và không gian tâm lý. Như vậy, nghệ thuật mở rộng tầm mắt để con người nhìn xa hơn, cao hơn vào bầu trời cái đẹp cũng là bầu trời chân thiện mỹ.

Nghệ thuật thiêng liêng như vậy, sao có thể lại chỉ nghiêng về giải trí?

NGUYÊN THANH