Vai trò người chỉ đạo nghệ thuật chưa được đề cao
Theo thông hiểu của quốc tế, người CĐNT là người định hướng nghệ thuật cho nhà hát, đoàn nghệ thuật. Họ có trách nhiệm cao nhất về nghệ thuật ở đơn vị đó, có nhiệm vụ tổ chức kịch bản để tạo nên bản sắc của đơn vị; đồng thời giữ vai trò chính trong việc chọn kịch bản đáp ứng mục tiêu nghệ thuật trong ngắn hạn và lâu dài cho đơn vị của mình.
Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khẳng định: “Để có những tác phẩm, chương trình nghệ thuật đạt chất lượng cao, nội dung đúng định hướng vừa bảo đảm chất lượng nghệ thuật, tạo nên bản sắc của từng đơn vị nghệ thuật thì vai trò của người CĐNT rất quan trọng. CĐNT được ví như người rọi đèn đi trước để định hướng phong cách nghệ thuật và người CĐNT giúp lãnh đạo chỉ huy các cấp chỉ đạo, định hướng đúng về nhận thức thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của bộ đội, nhân dân và phù hợp xu thế phát triển nghệ thuật của thời đại”.
 |
Một tiết mục nghệ thuật tại khai mạc tập huấn chỉ đạo nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2022.
|
Trên thực tế, ở nước ta hiện nay, một số đoàn nghệ thuật đang lúng túng chưa biết hướng đi của đoàn mình thế nào, chưa có ý tưởng xuyên suốt cách thể hiện từ âm nhạc, biểu đạt nghệ thuật, màu sắc, thẩm mỹ, trang phục, đạo cụ, nên vai trò người CĐNT chưa được đề cao. Theo Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện vẫn có sự lầm tưởng ở nhiều đơn vị nghệ thuật là người lãnh đạo được mặc định là người CĐNT. Thực tế, nếu người đứng đầu nhà hát làm CĐNT giỏi thì quá tốt, song không phải đơn vị nào cũng có được điều đó. “Do thiếu người CĐNT thật sự nên nhiều loại hình nghệ thuật đang rơi vào tình trạng thiếu sức sống, thiếu định hướng nghệ thuật, khán giả quay lưng, nhất là ở một số loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống. Nhiều đơn vị nghệ thuật chưa xác định được đâu là thế mạnh riêng, thường hoạt động theo kiểu lấy ngắn nuôi dài để đáp ứng thị hiếu của công chúng nên chưa thể chuyên sâu, chuyên nghiệp”, NSƯT Trần Ly Ly cho biết.
Cùng quan điểm trên, đạo diễn Đặng Lê Minh Trí, Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng tạo nghệ thuật Sun Bright cho rằng, quan niệm người CĐNT là người lãnh đạo cao nhất đơn vị, hoặc người CĐNT là người có uy tín về chuyên môn trong một đơn vị là cách hiểu không đúng. Bởi nếu một trong hai khả năng này xảy ra thì các tác phẩm nghệ thuật dễ bị duy ý chí. Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí cho biết: “Trên thế giới, người CĐNT có thể là cố vấn được thuê để đảm trách vai trò CĐNT và được trao quyền quyết định đến việc lựa chọn tác phẩm, diễn viên, các công đoạn khác trong toàn bộ quá trình sáng tạo và xây dựng tác phẩm nghệ thuật của đơn vị đó. Cũng có trường hợp, CĐNT được đảm trách bởi một tập thể những chuyên gia ở từng lĩnh vực, họ cùng sáng tạo và được thống nhất bởi tập thể”.
Nỗ lực đổi mới để nghệ thuật không đi vào lối mòn
Cũng giống như các đơn vị bên ngoài, việc nâng cao chất lượng, vai trò của người CĐNT ở các đơn vị nghệ thuật trong Quân đội đã và đang gặp phải nhiều thách thức. Là người gắn bó với công tác CĐNT đã lâu, Trung tá, NSƯT Nguyễn Xuân Hùng, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 7 cho hay, một trong những hạn chế lớn nhất là những tác phẩm, chương trình nghệ thuật phục vụ người lính trong thời gian qua đang đi vào lối mòn, nhiều chương trình na ná nhau. Một số đoàn nghệ thuật đầu tư lớn vào các tác phẩm chủ yếu để đi thi, mà chưa thật sự vì phục vụ công chúng. NSƯT Nguyễn Xuân Hùng đề xuất: "Để chất lượng CĐNT được nâng cao, các đơn vị nghệ thuật trong Quân đội cần mời các chuyên gia đến trao đổi, học tập kinh nghiệm để biết được điểm yếu, điểm mạnh của mình; đồng thời là cơ hội học tập những kiến thức mới ở trong nước và quốc tế".
Trong hai đợt tập huấn người CĐNT chuyên nghiệp toàn quân vào năm 2017 và 2022, Thượng tá Đinh Cúc Phương, Phó trưởng đoàn Văn công Hải quân đều tham gia rất hào hứng. Thượng tá Đinh Cúc Phương bày tỏ: "Nhờ tham gia hai đợt tập huấn CĐNT chuyên nghiệp toàn quân, tôi đã được trang bị, tiếp cận với công nghệ mới. Ban tổ chức cũng tạo điều kiện để chúng tôi được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các chuyên gia có uy tín về nghệ thuật trong nước. Nhờ đó, các tiết mục nghệ thuật của Đoàn Văn công Hải quân trong thời gian qua vừa bảo đảm chắt lọc những giá trị truyền thống, vừa tạo ra màu sắc mới về hình ảnh và âm thanh cùng cách truyền tải, góp phần đưa nghệ thuật đương đại gần hơn với Bộ đội Hải quân".
Trong nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, các đơn vị nghệ thuật trong Quân đội đã chú trọng phục vụ lực lượng vũ trang và nhân dân. Tuy nhiên, theo đạo diễn Đặng Lê Minh Trí, trong thời đại công nghệ số, công tác CĐNT tại các đơn vị nghệ thuật trong toàn quân đang gặp những giới hạn về tính cập nhật và xu hướng. Việc áp dụng công nghệ vào biểu diễn nghệ thuật đòi hỏi kinh phí rất lớn và đây cũng là một rào cản với nhiều đoàn. Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí cho rằng: “Các đơn vị nghệ thuật trong Quân đội cần tăng cường các hoạt động tập huấn, nêu cao vai trò người CĐNT trong toàn quân; đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế, đào tạo nghệ thuật tại các quốc gia phát triển trong lĩnh vực này. Hiện nay, không phải cứ ứng dụng công nghệ thì các tiết mục biểu diễn sẽ tạo sức hút, mà quan trọng nhất chúng ta cần đặt ra thách thức cho bản thân, không ngừng đổi mới, sáng tạo để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật tốt hơn”.
Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG