Những đám hát đúm, ví giặm, hát xoan, dân ca, hò vè đối đáp, những trò hái hoa dân chủ, những sân khấu làng, phố tự hát cũng lui dần. Ngay cả tục lệ dắt díu nhau đi chúc Tết hàng xóm, láng giềng cũng không còn như xưa.

Niềm vui Tết, xuân hồn hậu có biểu hiện bị nhuốm màu thực dụng. Cỗ bàn to hơn, cầu cúng, đốt hương, đốt vàng mã, tử vi bói toán, vay, trả thánh thần nhiều hơn. Rồi cờ bạc, bia rượu tràn lan. Đến chúc thọ, mừng tuổi cũng biến màu. Xưa chiếc phong bao màu đỏ tặng nhau một tờ tiền nhỏ gọi là mừng tuổi; nay người ta dùng thứ phong bao to hơn, sang trọng hơn với tờ tiền, cả xấp tiền mệnh giá cao gấp bội để thể hiện “lòng thành” giá trị cao. Đến cái tên “mừng tuổi” cũng thay bằng chữ “lì xì” nguyên nghĩa là “lợi tức”, theo tiếng và quan niệm tiền đẻ ra tiền của người dân miền nam Trung Hoa. Màu thị trường đã nhuốm vào Tết, vào lễ hội xuân cùng với những tiện ích của điện thoại thông minh, mạng xã hội, ti vi loa nhạc hiện đại làm người ta thu mình, giảm đi cái đẹp, cái vui cộng đồng.

Không thể phủ nhận những biến diễn, đổi thay có tính tất yếu do điều kiện mới, tác động mới của thời cuộc, song càng không thể bác bỏ được nhu cầu giao tiếp, nhu cầu sống cộng đồng vốn là bản chất của con người. Chỉ là chúng ta chưa chú trọng, chưa biết cách làm thỏa mãn những nhu cầu đích thực của cộng đồng mà thôi.

Vì sao hát karaoke không chỉ gói gọn trong gia đình mà dễ trở thành niềm vui của cả xóm ngõ? Vì sao bóng chuyền hơi tụ tập được đông người thay cho môn bóng chuyền, bóng đá vốn kén người và điều kiện tổ chức? Vì sao hội hoa, đường hoa, cây cảnh, chim cá cảnh, đồ mỹ nghệ, lưu niệm, viết câu đối, cho chữ… mở ở đâu cũng vẫn cuốn hút người xem. Và vì sao làng này tổ chức được liên hoan hát múa, biểu diễn tuồng, chèo, cải lương, hát bội, bài chòi mà làng khác thì không? Nơi này công viên tấp nập, người đến còn nơi khác vắng vẻ?...

Khi thời đói thiếu đã dần xa, người dân càng cần niềm vui, thưởng thức và tham gia những hoạt động xã hội, cộng đồng. Khi những trò giải trí mới lạ, thời thượng tràn trề, khi quanh năm đi xa, làm ăn vất vả người ta càng mong mỏi, khát thèm sự trở về với gia đình, họ hàng, quê hương, trở về với những gì là cội nguồn. Hơn bất cứ dịp nào trong năm, Tết, xuân là dịp, là cơ hội để khoe ra, để làm giàu bản sắc mỗi miền, mỗi làng quê. Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại để chỉnh sửa, nâng cấp tổ chức vui Tết, vui xuân cho nhân dân. Bên cạnh việc hạn chế, dẹp bỏ những hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc đen đỏ, chén chú chén anh hay lợi dụng chặt chém thì cần chủ động tạo những sân chơi mới, niềm vui mới để cái đẹp, cái hay lấn át cái xấu cùng những điều vị kỷ. Tết và lễ hội sinh ra từ nhu cầu chung xã hội và cũng đã đến lúc có thể mời gọi, vận động xã hội hóa tích cực hơn để giữ gìn, phát huy mỹ tục cổ truyền, để đưa những hình thức mới phù hợp hòa nhập cùng văn hóa Tết hội.

Mùa xuân là sinh sôi nảy nở. Tổ tiên ta xưa mở lễ cày tịch điền, xuống đồng, Bác Hồ mở ra phong tục “Tết trồng cây”. Giờ là thế hệ mới, thời đại mới, chúng ta cần và có thể lưu giữ, trao truyền và làm giàu đẹp thêm hồn quê, bản sắc truyền thống quê hương đất nước.

 

NGUYỄN ANH