Sinh thời, ông được cánh lính nhà văn trẻ rất trân trọng, quý mến. Khi đã nghỉ hưu, ông vẫn thường đến cơ quan vừa cho thỏa nỗi nhớ ngôi nhà mình từng gây dựng với tư cách là một trong những người anh đi trước, vừa trò chuyện mang tính chỉ dẫn anh em mới vào nghề về hướng viết, cách viết...
Thời gian thấm thoắt thoi đưa... Thế mà ông đã chào tất cả mọi người để theo Bác Hồ, theo các bậc hiền nhân. Sau khi viết xong tiểu thuyết “Cha và con” ông dự định viết tiếp về Bác Hồ, mà ông “nói kín” với tôi là về hai anh em Bác (Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung) với tên “Anh và em”.
|
|
Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương. Ảnh do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp. |
Xin phép được lấy tên một vài tác phẩm của ông “Khi có một mặt trời” và “Cỏ non” để gọi bác Xương của tôi là “một mặt trời” của “Nhà số 4” Lý Nam Đế (Hà Nội) đã lặn về miền “cỏ non” thanh khiết!
Tên thật là Nguyễn Thế Xương, sinh năm 1930, Hồ Phương trưởng thành từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, từng trực tiếp tham gia chiến dịch bảo vệ Thủ đô Hà Nội (12-1946), sau này là nhiều chiến dịch lớn trong đội hình Đại đoàn 308 như Biên giới (1950), Điện Biên Phủ (1953-1954)... 17 tuổi, Hồ Phương bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tay về bộ đội. Năm 1949, ông phụ trách tờ báo Quân Tiên Phong. Là một trong những người tham gia thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1957), ông từng giữ chức Phó tổng biên tập. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Hồ Phương tiêu biểu cho thế hệ nhà văn-chiến sĩ đi qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ, vừa cầm bút vừa cầm súng, sớm hình thành phong cách giàu có chất sống và đậm đà tinh thần nhân văn.
|
|
Nhà văn Hồ Phương tại Thái Nguyên năm 1949. Ảnh do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp. |
Với truyện ngắn đầu tay có tên “Lưỡi mác xung kích” (1948), Hồ Phương được đánh giá là nhà văn trẻ triển vọng. Tiếp theo là “Thư nhà” (truyện, 1948), “Những tiếng súng đầu tiên” (tiểu thuyết, 1955), “Vài mẩu chuyện về Điện Biên Phủ” (truyện, 1956), “Lá cờ chuẩn đỏ thắm” (truyện, 1957), “Cỏ non” (1959), trong đó “Thư nhà” và “Cỏ non” sớm ghi dấu ấn vào lịch sử văn xuôi hiện đại trước năm 1960. Sau đó, với “Xóm mới” (truyện ngắn, 1963), “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” (truyện ngắn, 1965), “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” (ký sự, 1966), “Kan Lịch” (tiểu thuyết, 1967), “Khi có một mặt trời” (truyện ký, 1972), “Những tầm cao” (tiểu thuyết 2 tập, 1975)... là những tác phẩm phản ánh trung thực cuộc sống anh hùng của nhân dân ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau năm 1975, Hồ Phương tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội với các tiểu thuyết “Biển gọi” (1980), “Bình minh” (1981), “Mặt trời ấm sáng” (1985), “Cánh đồng phía Tây” (1994), “Yêu tinh” (2001), “Ngàn dâu” (2002), “Những cánh rừng lá đỏ” (2005). Riêng tiểu thuyết “Cha và con” (2007) rẽ sang mạch khác, dựng lại chân dung cụ Nguyễn Sinh Sắc và thời trai trẻ của Bác Hồ. Ông được Quân đội phong quân hàm Thiếu tướng (1990), vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2012). Ông từng làm Tổng biên tập Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa III).
|
|
Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương. Ảnh do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp. |
Ngoài sự phong phú, dồi dào chất đời thực, tác phẩm của Hồ Phương sâu sắc một quan niệm sống phải hướng về phía cái anh hùng, cái cao cả, cái thiện, cái tốt, cái đẹp. Những hình tượng cụ Nguyễn Sinh Sắc, Kan Lịch, chiến sĩ Cồn Cỏ... qua ngòi bút nhà văn vừa sinh động vừa mới mẻ về triết lý nhân sinh. Ở thể tiểu thuyết, “chất” Hồ Phương rõ nhất ở 3 cuốn “Cánh đồng phía Tây”, “Những cánh rừng lá đỏ”, “Cha và con”. Tái hiện một sự kiện lịch sử lớn thời chống Pháp là Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhờ có độ lùi thời gian 40 năm và vốn sống cùng sự suy ngẫm về lịch sử, về lối viết, “Cánh đồng phía Tây” cung cấp những tư liệu mới, qua đó giúp bạn đọc hiểu thêm vì sao chúng ta chiến thắng một thực dân đầu sỏ. Xuyên suốt tiểu thuyết là câu chuyện tình mang tính bi kịch của Nguyệt Lệ, Hồng Đăng, Dũng Linh như một lý giải, trong chiến tranh, tình yêu của mỗi công dân gắn liền với tình yêu đất nước. Đất nước tự do thì tình yêu cũng nở hoa mà kết trái ngọt...
Với bút pháp hiện thực, “Những cánh rừng lá đỏ” miêu tả Chiến dịch Biên giới như vốn có. Không chỉ là tái hiện chi tiết một cách hợp lý, nhuần nhuyễn, tiểu thuyết vươn tới một cảm hứng sử thi hùng tráng rất đáng tự hào. Câu chuyện tình nồng nàn giữa Phấn (cô gái dân công vùng sơn cước) và Tuấn (một chỉ huy quân sự) như một minh chứng đẹp cho tình đoàn kết quân dân là nguồn cội của chiến thắng.
Tiểu thuyết “Cha và con” dành phần lớn số trang miêu tả, khắc họa hình ảnh cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đáng kính, người cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như một cách khẳng định để có những anh hùng phải có những bậc cha mẹ anh hùng. Thi pháp không gian theo bước nhân vật cứ mở ra giàu chất điện ảnh, từ Làng Sen, Làng Chùa, kinh đô Huế, Phan Thiết đến Sài Gòn... Đây là một tiểu thuyết có cái nhìn mới về tiểu sử, cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc và chân dung thời nhỏ đầy cá tính của Bác Hồ...
Trong sáng tác, ông nghiêm túc, chỉn chu, già dặn bao nhiêu thì ngoài đời ông hồn hậu, trung thực bấy nhiêu. Có lần ông hỏi đặc trưng bút pháp văn xuôi của ông là gì, tôi nói tính tạo hình, phối cảnh, hòa sắc... Như có gì ngạc nhiên quá, đang đi bỗng dừng lại, đôi mắt đã tròn càng tròn hơn, khuôn mặt bừng sáng lên như mặt đứa trẻ vớ được cái gì quý giá, mãi ông mới thốt ra: “Tri âm đây rồi! Tôi tìm anh mãi!”. Rất thân với các nhà văn Nguyễn Chí Trung và Dũng Hà, đến cơ quan, ông hết chuyện ở phòng tôi lại bảo tôi đưa đến phòng bác Trung. Nhưng chỉ ít phút là hai người tranh luận sôi nổi. Tôi lại thích nghe vì qua đó học được nhiều điều thú vị. Sự việc cũng gần giống thế với bác Dũng Hà. Tôi như người nhỏ nhoi đứng giữa ba đỉnh tam giác là ba ngôi sao đầy cá tính và rất tâm huyết với văn chương, nhất là văn chương về đề tài chiến tranh cách mạng. Ba ngôi sao ấy vừa hút nhau vừa đẩy nhau, thế mà cả ba đã đều lặn.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ