Khoan hãy bàn đến chuyện chất lượng thơ của Nguyễn Phong Việt, riêng việc mỗi tập thơ đều trở thành một tác phẩm bán chạy (best seller) với doanh số ít nhất 1 vạn bản trong bối cảnh đại đa số các tập thơ in ra lèo tèo 500 đến 1.000 cuốn để biếu chứ không phải để bán thì Nguyễn Phong Việt đã thực sự tạo ra tiếng vang trên thi đàn.
Người ta tìm đọc thơ Nguyễn Phong Việt có nguyên nhân bên ngoài văn chương là anh đã đưa thơ ra khỏi “tháp ngà” nghệ thuật, mang thơ đến với người đọc thay vì chờ người đọc tìm đến thơ mình. Trong bối cảnh người đọc thờ ơ với thơ (không phải vì họ không thích thơ) bởi hay dở lẫn lộn, Nguyễn Phong Việt biết "tiếp thị" thơ đã tạo ra hứng thú cho người đọc. Với tần suất, cường độ thơ Nguyễn Phong Việt xuất hiện trên truyền thông, tiếp cận công chúng hằng ngày khiến độc giả dần dần quen và “nghiện” thơ Nguyễn Phong Việt lúc nào không hay. Nguyễn Phong Việt thực sự là người tiên phong thành công quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, bởi phần lớn những người làm nghệ thuật ở nước ta sáng tạo xong một tác phẩm là phó mặc cho các cá nhân, đơn vị quảng bá và tiêu thụ.
Trở lại với vấn đề cốt yếu là thơ Nguyễn Phong Việt có giá trị nghệ thuật vững chắc để neo đậu trong tâm trí người đọc lâu dài hay chỉ là một hiện tượng thơ ca nhất thời? Chuyện ở thời tương lai khó ai có thể dự đoán chính xác, nhưng nếu chúng ta dựa vào việc tên tuổi một số nhà thơ từng làm say mê thế hệ bạn đọc tuổi vị thành niên cách đây gần 20 năm trên tuần san Hoa học trò như: Đào Phong Lan, Đàm Huy Đông, Hoàng Anh Tú..., đến nay vẫn được độc giả yêu thích tìm đọc thì rõ ràng thơ Nguyễn Phong Việt hoàn toàn có cơ hội trụ lại với thời gian.
Thi pháp thơ Nguyễn Phong Việt trải dài 5 tập thơ đều có một sự thống nhất, đó là không đi theo lối thơ súc tích, vần điệu, dễ thuộc như lối thơ tình cho giới trẻ những năm 1970-1980 của Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt... Thay vào đó, các câu thơ của Nguyễn Phong Việt thường có xu hướng kéo dài như một câu văn xuôi để có thể diễn đạt hết ý, không bị lệ thuộc vào vần điệu:
Chúng ta không hoài nghi nhưng chúng mình có thể đi bao xa
những nửa đêm thấy giấc mơ ở ngoài ô cửa
rốt cuộc người bên cạnh mình hay cuộc đời ngoài kia mới đáng để thương nhớ
trong những năm tháng này?
(“Cảm ơn vì chúng ta đã từ chối nhau”)
Việc kéo dài câu thơ, thậm chí có một vài từ thừa thãi khiến thơ Nguyễn Phong Việt rất khó để thuộc lòng, bù lại, Nguyễn Phong Việt chọn chữ khá đắc địa, sử dụng nhịp điệu, âm điệu bám dính nhau, cho nên dù câu thơ dài, đọc lên vẫn không cảm giác trúc trắc:
Những thản nhiên đã mang mình đi theo từ lúc nào
để không phải hoang mang lúc ai đó làm với bản thân điều ác
mình tập cho mình thấy cuộc đời thật ra đơn giản
khi đặt trái tim vào vị trí người khác
và lo toan...
(“Đâu có phải là lần đầu...”)
Thi pháp thơ Nguyễn Phong Việt thực ra không có gì mới, nếu tính từ thời điểm đổi mới thơ ca cuối thập niên 1980 với “Củi lửa” (NXB Tác phẩm mới, 1989) của Dương Kiều Minh, “Sự mất ngủ của lửa” (NXB Lao động, 1992) của Nguyễn Quang Thiều. Nguyễn Phong Việt không phải là người làm thơ chú trọng đổi mới kỹ thuật, không xem đổi mới ngôn ngữ là mục đích trong việc sáng tác thơ. Việc trung thành với một thi pháp qua nhiều tác phẩm của mình, Nguyễn Phong Việt đã chọn cho mình một lối đi riêng nhưng đồng thời không ít người đọc sẽ cảm thấy nhàm chán khi đọc đi đọc lại một giọng điệu, một phong cách trong suốt mấy trăm bài thơ.
Vấn đề hình thức thơ không phải là điểm mạnh của Nguyễn Phong Việt và dường như đa phần độc giả không quan tâm lắm đến hình thức hay vấn đề chiều sâu kỹ thuật làm thơ. Người đọc thơ ở nước ta vẫn thích đọc theo lối thụ động, chú trọng đánh giá một bài thơ hay/dở thông qua nội dung bài thơ thể hiện ở các phương diện cấu tứ, từ nghĩa... Nội dung trong thơ Nguyễn Phong Việt tập trung hai mảng đề tài lớn đó là: Thân phận cô đơn của tuổi trẻ khi đối diện với cuộc đời và tâm trạng khi yêu của họ.
Nguyễn Phong Việt sinh năm 1980, với tư cách của một công dân, anh chứng kiến và cũng đắm mình vào sự biến đổi đời sống xã hội mau lẹ khiến tâm hồn suy nghĩ con người cũng biến chuyển theo. Chắc chắn thế hệ 8X của Nguyễn Phong Việt trước đây khác rất xa sở thích, lối nghĩ với thế hệ 9X, mặc dù khoảng cách chỉ là 10 năm, thay vì 20 năm một thế hệ như người ta thường nói. Nguyễn Phong Việt hiểu thấu tâm trạng những người trẻ cô đơn trong cuộc sống gấp, hiểu rõ người trẻ nào cũng phải “gồng mình” để tồn tại, để khẳng định mình để rồi không ít lần vấp ngã trên đường đời:
Không ai ngoài kia còn lại được bao nhiêu những đủ đầy
khi mình chỉ là một con người bình thường với một cuộc đời bình thường đang sống
mà đến cỏ cây cũng cần cho bản thân hy vọng
nên lần nào đó nếu vô tình đánh rơi một tiếng khóc
mình sẽ biết cách ngăn...
(“Thành phố này, những ngày mình đi qua đây...”)
Nhiều hơn cả là câu chuyện muôn thủa tình yêu tuổi trẻ mà đa phần đều đổ vỡ trước bao sóng gió cuộc đời. Tuổi trẻ nào khi yêu cũng mơ mộng, cũng hy vọng tin tưởng ở tình yêu sẽ giúp cuộc sống thăng hoa nhưng nhiều khi quá nhiều lý do để người ta yêu rồi xa nhau mãi mãi, để lại những vết thương lòng:
Đừng mong rằng một vết thương lòng có thể khiến người khác chùn tay
cứ nghĩ đôi chân nào cũng có một phận số
mình không bước đi chưa chắc gì người kia cũng muốn thế
dù đôi lần không nỡ
rồi thì người cũng dửng dưng...
(“Chỉ cần chúng ta lặng im...”)
Với chủ đề đòi hỏi sự trải lòng, chiêm nghiệm dễ hiểu vì sao Nguyễn Phong Việt lại cố tình kéo dài câu thơ để nói hết tình ý, để làm bung vỡ những cảm xúc bị bóp chặt trong bao nghĩ suy.
Người ta có thể khái quát hiện tượng thơ Nguyễn Phong Việt là dễ đọc, dễ hiểu, phản ánh những vấn đề tâm tư, tình cảm chung nhất của giới trẻ. Ai đó có thể chê thơ Nguyễn Phong Việt là “thơ ô mai”, "thơ sến", nhưng với Nguyễn Phong Việt, điều đó có lẽ không quan trọng bởi rút cuộc ít ra thơ anh cũng đã đồng hành, chia sẻ với những người trẻ trong một giai đoạn họ cô đơn, đối mặt với nhiều lo toan, với nhiều vấp ngã làm họ tổn thương tâm hồn.
Trở lại với câu hỏi, thơ Nguyễn Phong Việt có thể tồn tại được trong trí nhớ người đọc không? Chúng tôi tin là có, nếu đọc kỹ thơ Nguyễn Phong Việt, chúng ta sẽ nhận ra rất nhiều câu thơ ấn tượng:
Mình từng nói với nhau bao điều rồi mình thành xa lạ
mình tầm thường quá
phải vậy không?
(“Gặp lại 3”)
VIỆT PHONG