Mỗi khi có việc từ bên này Sơn Tây qua cầu Vĩnh Thịnh để sang bên kia sông là lòng tôi lại dạt dào những cảm xúc, vừa gần gũi thân tình, vừa lạ lẫm, hứng khởi. Theo các tài liệu về văn hóa-lịch sử, Vĩnh Phúc là một phần của vùng đất xứ Đoài, nơi phát hiện hàng loạt di chỉ khảo cổ minh chứng cho nền văn minh Văn Lang-Âu Lạc, nơi phát tích của cộng đồng người Việt gắn với văn minh lúa nước và trống đồng rực rỡ.

Ở bên này sông, tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến đoàn rước long ngai tam vị Đức Thánh Tản qua sông sang đền Ngự Dội (thuộc địa phận thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường) để thực hành nghi lễ tái hiện cảnh Đức Thánh Tản đi tuần du từ dãy núi tổ Ba Vì khi đến cánh bãi La Phiên được người dân dâng nước tẩy bụi trường chinh. Trong không khí của đoàn rước, tôi cảm nhận rất rõ sự kết nối tâm linh, văn hóa, lòng người thật linh thiêng, gần gũi và đầy nghĩa tình đồng bào.

leftcenterrightdel
 Du khách thỏa thích du ngoạn trên hồ Đại Lải (Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Ảnh: TÂN SƠN 

Cách đây hơn 20 năm, thời còn là học viên Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng), thi thoảng vào ngày chủ nhật hoặc dịp nghỉ hè, nghỉ tết, chúng tôi thường qua phà Vĩnh Thịnh sang nhà cậu bạn thân ở thôn Cao Xá (xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường) chơi. Nhà Hùng bạn tôi có năm anh em trai, nhưng các anh đều đã phương trưởng và lập nghiệp ở các nơi, nhà chỉ còn bà mẹ lúc đó gần 70 tuổi. Một bà mẹ già với nếp nhà nhỏ, căn bếp ấm khói rơm, khu vườn rộng mướt mát hoa trái bốn mùa... là cả một thế giới mến thương, nhớ nhung và yên bình cho mấy anh em học viên xa quê chúng tôi. Những khoai, sắn, bưởi, bòng, na, mít... trong vườn của mẹ là thức quà quê dung dị mà chất chứa bao tình dành cho cả tiểu đội. Cho đến giờ, sau hơn 20 năm đi qua, những thơm thảo đó còn theo mãi chúng tôi đi khắp nẻo biên cương của Tổ quốc.

Trong số những bạn bè xưa, chỉ có tôi và Hùng trở lại trường cũ công tác. Thế nên, lâu lâu tôi lại qua cầu sang thăm mẹ Hùng. Năm anh em Hùng đã cùng nhau xây cho mẹ ngôi nhà to đẹp, tiện nghi để bà an hưởng tuổi già, cũng là tiện cho sinh hoạt mỗi dịp anh em sum vầy. Ngôi nhà xưa, căn bếp cũ không còn nữa, nhưng mỗi khi đứng giữa khu vườn thanh yên ấy, trong tiếng lá rụng, tiếng gió từ phía sông Hồng thổi tới, tôi vẫn thấy trước mắt tôi là ngôi nhà cấp 4 rất đặc trưng của những thập niên 70, căn bếp thơm mùi bồ hóng, mùi khói... Tôi lại nghĩ thời gian có thể lấy đi của ta rất nhiều thứ, kể cả những gì đẹp đẽ nhất, những người thân yêu nhất, nhưng nếu ta từng thương mến, từng khảm khắc vào trái tim những đẹp đẽ, thân yêu ấy thì tất cả sẽ còn sống mãi cùng ta, dù thực tại có di biến như thế nào.

Ơn giời đất bao dung, tổ tiên phù trì, mẹ Hùng còn khỏe mạnh, tinh tường, giọng bà vẫn thủ thỉ, ân cần. Một lần bà bảo tôi: “Chuyến nào rảnh rỗi đưa cả vợ con sang đây chơi với u nhá!”. Rồi bà lại hỏi: “Thế thằng Quyền nó có vợ con gì chưa? Lâu lắm rồi không gặp nó”. Tôi bảo: “Cậu ấy được điều động vào Nam công tác, vợ con đã đề huề và làm đồn trưởng rồi u ạ”. Bà thở dài: “Nhanh thật, một chốc một nhát đã hơn 20 năm. U có cậu em trong Lâm Đồng cũng nhiều bận định đi thăm nó một chuyến mà rồi có đi được đâu. Không nhẽ rồi đến chết chị em chả gặp được nhau. Nhà ngoại u ở mãi bên Bình Xuyên chứ không phải bên này, đều là dân nông nghiệp cả. Mấy chục năm trước cậu nó đi buôn chuyến trong Nam gặp mợ nó bây giờ, rồi ở luôn trong đó”.

Buổi chiều ấy, trong tiếng rơi rất khẽ của hoa cảm rụng, giữa mùi hương thoang thoảng chốn thảo điền, tôi như được trôi ngược thời gian để trở về sống trong những câu chuyện 60, 70 năm về trước của mẹ Hùng. Hơn 80 năm cuộc đời, chứng kiến bao biến cải của cõi nhân gian, lại có những tao đoạn vất vả, khổ sở cùng cực, nhưng lúc nào trong tâm hồn người mẹ ấy cũng là một sự thanh thản, nhẹ nhõm đến lạ kỳ. Và tấm lòng bà dành cho người chồng quá cố, cho đàn con cháu đông đúc và cả những người không máu mủ ruột rà như tôi cứ làm tôi liên tưởng đến những con sông giăng rải trên khắp đất đai nước Việt này, luôn ăm ắp dòng nước ngọt lành, dạt dào mỡ màu phù sa.

Một lần, theo chân Hùng về quê ngoại Bình Xuyên, lúc quay về, biết tôi mê gốm, Hùng kéo mấy anh em đến thăm làng gốm Lò Cang (thị trấn Hương Canh). Men theo những con ngõ nhỏ, ký ức một thời thơ bé thanh thuần, bình yên lại ào ạt ùa về trong tôi. Ngày ấy, mỗi dịp tháng Chạp là bến sông quê tôi tấp nập thuyền bè của các nhà buôn: Muối, mắm tôi, tép từ Thái Bình, Nam Định ngược lên, gốm Bát Tràng từ phía Gia Lâm sang, gốm Hương Canh từ mạn Vĩnh Phúc xuống. Tiếng người bán mua rổn rảng, tiếng gốm va vào nhau lanh canh, tiếng sóng nước ì oạp... tạo nên một bản nhạc rộn ràng, náo nhiệt. Mùi khoai nướng thơm bùi từ những đống đốt của lũ trẻ trâu trên bờ, mùi mắm tép phi mỡ hành thơm nức từ những nhà thuyền và mùi hành, cải nén thơm nồng hơi nắng phía trước căn lều của vợ chồng bác Năm lái đò quện vào nhau, dậy lên, reo vui như gọi Tết về.

Hùng bảo ngày trước mỗi khi về thăm nhà ngoại, Hùng hay được ông bà dẫn sang Hương Canh để lựa đồ gốm, lúc cái vại muối dưa, cái cong ngả tương, khi thì vò ngâm rượu, cái chum đựng thóc. Ông ngoại Hùng vốn là một ông đồ hay chữ nên ông thuộc khá nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ. “Xứ Nam nhất chợ Bằng Vồi/ Xứ Bắc Vân Khám, xứ Đoài Hương Canh”, Hùng vẫn nhớ như in câu ca dao này ông từng đọc khi dẫn cháu ngoại đi chợ làng gốm. Còn tôi, qua sách vở năm nào, khi bước chân trên một vùng đất cổ, ngắm nhìn trăm ngàn mảnh gốm vỡ găm, gác trên những bức tường rêu phong in dấu thời gian, câu ca dao tình tứ, ý nhị lại vang lên cùng những mạch nhịp trong huyết quản: “Ai về mua vại Hương Canh/ Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng”.

Mà Hương Canh đâu chỉ nức tiếng về nghề gốm truyền thống lâu đời, nơi đây còn có cụm đình Hương Canh (gồm 3 ngôi đình của 3 làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh) đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian với kỹ thuật chạm trổ tinh vi, điêu luyện, phác họa bức tranh đời sống sinh hoạt của người dân. Cụm đình Hương Canh đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt bởi đó là các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho hệ thống đình làng Bắc Bộ. 

Anh Trần Ngọc Tuyến, chủ gia đình của một trong 8 hộ sản xuất còn lưu giữ nghề gốm truyền thống của cha ông hồ hởi kể cho chúng tôi về lịch sử làng nghề hơn 300 năm. Lịch sử một làng nghề cũng như lịch sử một dân tộc, có thăng có trầm, lúc phôi phai tàn úa khi rực rỡ vàng son. 60 năm về trước là thời kỳ huy hoàng của gốm Hương Canh, các lò gốm mọc lên như nấm, nhưng cũng có lúc dòng gốm này có nguy cơ thất truyền như dòng gốm Vạn Ninh (Quảng Ninh) từng biến mất, để lại bao tiếc nuối cho những người yêu gốm, sành gốm, chơi gốm. Anh Tuyến chia sẻ: “Mặc dù gốm Hương Canh đã được hồi sinh, nhưng để tìm hướng đi mới, phát triển lâu dài không phải là việc đơn giản”. Bản thân anh, gia đình và các hộ sản xuất trong thị trấn cũng đã vật lộn vừa làm vừa nghiên cứu nhu cầu thị trường, cải thiện chất lượng, đa dạng mẫu mã và nâng cao tính thẩm mỹ của sản phẩm. Trên gương mặt vuông vức, đầy đặn của người đàn ông vạm vỡ này hằn nét ưu tư nhưng ánh mắt ngời lên lấp lánh, tự hào khi giới thiệu các sản phẩm của gia đình. Có lẽ, không phải là những kiến thức về đất, kỹ thuật đốt lò mà chính niềm tự hào ấy mới là sợi chỉ đỏ, là báu vật cho anh sức mạnh, sự kiên trì, niềm đam mê tạo tác những tinh hoa từ đất mà ông cha đã trao truyền...

Khi ra về, mỗi người trong nhóm chúng tôi ít nhất đều có một chiếc bình gốm ưng ý để tặng vợ. Riêng tôi, mặc dù muốn khuân cả xưởng gốm của anh về, nhưng cũng chỉ lựa được hai chiếc bình dáng thạp, vì e rằng lựa thêm thì cái kệ gỗ trong phòng khách không còn chỗ đặt. Tiễn chúng tôi ra ngõ, anh Tuyến nở nụ cười hiền lành như đất và không quên hẹn chúng tôi một lần ghé lại. Nụ cười của Tuyến làm tôi tưởng tượng đến những vân gốm bừng rạng trên những bình gốm nâu trầm.

Đôi bình gốm tôi mang về từ sau chuyến đi, hoa tươi vẫn tỏa hương trong nhịp vần xoay bốn mùa. Mùi hương ấy thoang thoảng mà thơm lâu như những tâm hồn thuần hậu, tươi đẹp ở phía bên kia cây cầu Vĩnh Thịnh.

Tùy bút của QUANG MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.