Nghe bảo tục ấy là do khi xưa có tướng quân dẫn quân đi đánh giặc đúng dịp cuối năm. Khi thắng giặc trở về đã qua Tết Nguyên đán nên mới tổ chức làm bánh khao quân bằng thứ rau mọc như mưa ngoài đồng ruộng. Sau này, theo lệ ấy, hằng năm, người dân làng đều làm bánh hú để ăn Tết Cùng.
Ấn tượng về cô với mình cũng chỉ là những lát cắt chập chờn, với cái dáng hao gầy tất bật, ào đến rồi ào đi... Có lần nghe cha chép miệng bảo, thương cô lấy chồng xa, mà chồng mất sớm nên một thân một mình phải nuôi ba đứa con ăn học...
 |
Tranh minh họa: scov.gov.vn |
Thời gian cứ vội vã trôi. Mình lớn lên, đi học rồi làm việc xa nhà. Nỗi nhớ về cô gắn với thứ bánh màu xanh, bên trong nhân thịt mỡ hành khô thơm bùi béo ngậy. Thức quà của tuổi thơ ấy bỗng là nỗi nhớ khôn nguôi khi đã trưởng thành. Công việc khiến mình đi nhiều, cũng được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ. Mỗi vùng miền đều có những thứ bánh đặc sản rất riêng, nhưng mình không thể tìm lại vị bánh quê. Mình biết ở Thủ đô có một loại bánh cũng làm từ thứ lá ấy. Những gánh xôi ở đầu phố nhỏ hay chiếc xe ba bánh của cô bán hàng vẫn rao “ơ, khúc...” đã từng khiến tim mình chộn rộn. Nhưng rồi chợt hẫng. Thứ bánh bằng rau khô này vị ngai ngái, nhạt nhẽo. Còn anh bạn đồng hương kể chuyện, có lần nhớ quê, anh cũng gọi vào mua, mà thật chẳng thể nuốt trôi. Anh chép miệng, chẳng đâu bằng vị bánh quê mình!
Bởi những lý do khác nhau mà những đứa con tha phương như chúng mình chẳng thể về quê vào dịp ấy. Một năm quáng quàng về quê được đôi ba lần những khi giỗ chạp, Tết nhất. Đến thăm hỏi người thân, họ hàng cũng chẳng được đủ đầy, làm sao dám mơ được thưởng thức hương vị bánh quê vào đúng dịp.
Tết vừa rồi, nhân một hôm chuyện phiếm với anh em trong nhà, mình mới kể, bao năm rồi cứ ước mong được ăn món bánh từ thứ rau mọc nơi ruộng đồng ấy. Mẹ nghe được mới lên tiếng bảo, sau Tết, khi mưa xuân đến là lúc rau khúc mọc xanh rì ngoài đồng. Ít người hái, cũng chẳng nhiều người ăn, nó sinh sôi nảy nở một thời gian rồi lụi dần. Để mẹ kiếm cho!
Vậy là bữa nay mẹ đã gửi cho đầy một rổ rau khúc xanh mơn mởn. Mình dậy sớm, lựa từng cọng non, rửa rồi xay, lọc, nhào với bột nếp mẹ cũng cẩn thận gói bọc kỹ càng. Chuẩn bị thêm miếng thịt ba chỉ ngon và thật nhiều hành khô. Thành phẩm cuối cùng cũng ra lò. Mình cắn miếng bánh thơm vị lá khúc, béo vị thịt mỡ và dậy mùi của hành phi. Chợt sống mũi mình cay cay. Vậy là hương vị của tuổi thơ cứ thế ùa về...
Ai đó bảo, càng bước vào con dốc bên kia của cuộc đời, sau những va vấp, trải nghiệm, người ta càng khát khao tìm về quá khứ. Những mảnh ký ức rời rạc bỗng trở thành bức tranh nên thơ của hiện tại. Thế nên, những dấu ấn nhỏ bé, thân thương của quê nhà bỗng trở thành nơi neo đậu của tâm hồn, để mà níu lấy, tìm sự ôm ấp, chở che, vỗ về. Và với mình, ngoài lũy tre, giếng nước đầu làng, bóng hình những người thân yêu thì hương vị của thứ bánh dân dã ấy là nỗi nhớ đằm sâu ấm áp về quê nhà yêu dấu. Để dù có đi bốn phương trời vẫn một lòng hướng về quê hương!
THỦY TIÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.