Theo đó, hướng đến Đại lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, non sông liền một dải, thành phố sẽ tổ chức gặp gỡ các văn nghệ sĩ tiêu biểu, tổ chức hội thảo về phát huy vai trò văn nghệ sĩ, trí thức trong xây dựng, phát triển TP Hồ Chí Minh theo mục tiêu “Văn minh-Hiện đại-Nghĩa tình”. Tổ chức cho các văn nghệ sĩ về nguồn, thăm các di tích lịch sử cách mạng, tham quan các công trình tiêu biểu của thành phố. Các hoạt động này nhằm bồi đắp tình cảm, tạo nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ sáng tác, phổ biến những tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, đáp ứng kỳ vọng của công chúng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà văn Nguyễn Thế Kỷ trao giải Cống hiến cho đại diện hai gia đình nhà thơ Đỗ Nam Cao và Hải Như. Ảnh: thanhnien.vn 

Nhìn lại hoạt động của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trong năm 2023, có thể thấy, hầu hết các tác giả có tác phẩm mới xuất bản đều dành tâm huyết, tình cảm sâu nặng cho thành phố của mình. Tuyển tập thơ “Thành phố này tôi đến, tôi yêu” tập hợp các sáng tác tiêu biểu của các nhà thơ hội viên, vừa được Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh ra mắt, là một ví dụ. Cùng với đó, hàng trăm đầu sách ra đời trong những năm gần đây của các tác giả, nhóm tác giả đã cho thấy nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào và ý thức công dân của nhà văn đối với sự phát triển của thành phố và vị thế quốc gia, dân tộc.

Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, năm 2023 là một năm “được mùa” của Hội Nhà văn thành phố, không chỉ số lượng tác phẩm nhiều mà chất lượng tác phẩm cũng tốt. Nhìn vào danh sách các tác giả, tác phẩm được trao giải thưởng và tặng thưởng của Hội Nhà văn thành phố có thể thấy rõ, mảng đề tài về lịch sử, truyền thống dân tộc, đất nước, quê hương... đã và đang tạo sức hút lớn đối với các nhà văn. Hai nhà thơ Hải Như (1923-2017) và Đỗ Nam Cao (1948-2011) được trao Giải Cống hiến đều là những tác giả có tác phẩm xuất sắc về đề tài đất nước, quê hương, lịch sử truyền thống dân tộc, chiến tranh cách mạng.

Giải thưởng Văn học gọi tên nhà văn Hoàng Lại Giang với tác phẩm “Võ Văn Kiệt-Trí tuệ và sáng tạo” cũng là cuốn sách viết về chân dung nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng. Các giải thưởng về văn học thiếu nhi, văn học trẻ thuộc về những tác giả, tác phẩm lấy chất liệu dân gian, dân tộc làm nguồn cảm hứng sáng tạo. Hai cuốn tiểu thuyết “Người đi tìm bóng núi” của nhà văn Thu Trân và “Mưa lẻ” của nhà văn Thạch Cương; cùng hai tập thơ “Anh đi giữa mùa hoa tam giác mạch” của nhà thơ Lương Minh Cừ và “Thơ mười năm” của nhà thơ Hoàng Đình Quang đều mang đậm tính dân tộc, khai thác chất liệu lịch sử truyền thống.

Năm 2024 và những năm tiếp theo, mảng đề tài lịch sử, truyền thống dân tộc, chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang tiếp tục là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của các cây bút. Nhà văn Bích Ngân cho biết, thời gian tới, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh ưu tiên thực hiện các hoạt động có tính chuyên môn cao, nhằm nâng cao chất lượng sáng tác của hội viên, hướng đến tính chuyên nghiệp trong lao động của nhà văn; chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ tác giả trẻ để tiếp nối mạch nguồn truyền thống trong dòng chảy sáng tạo. Công chúng đang mong chờ những tác phẩm lớn, ra đời đúng dịp kỷ niệm nửa thế kỷ đất nước thống nhất, xứng với tầm vóc thời đại.

NGUYỄN TRẦN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.