Mỗi lần đọc hai bài thơ trên của ông, tôi rất xúc động. Năm 2003, trong một lần ôn lại những kỷ niệm thời kháng chiến cứu nước, những vần thơ của nhà thơ Giang Nam một lần nữa lại tuôn theo dòng cảm xúc. Tôi cầm bút, ghi lại những cảm xúc vào bài viết “Thơ trong hành trang chiến sĩ” và được Báo Quân đội nhân dân đăng số ra ngày 10-10-2003.
Dẫu chưa một lần được gặp nhà thơ Giang Nam nhưng do ngưỡng mộ ông, một trong những nhà thơ hàng đầu của nền thơ ca chống Mỹ nên sau khi báo phát hành, tôi mạnh dạn gửi qua bưu điện một lá thư nhỏ đề ngày 10-10-2003.
 |
Bức thư nhà thơ Giang Nam gửi tác giả. |
Nhà thơ Giang Nam họ tên khai sinh là Nguyễn Sung, tuổi Tỵ-sinh năm 1929, ở Khánh Hòa. Tôi cũng tuổi Tỵ nhưng kém ông đúng hai giáp nên trong thư tôi xưng cháu và gọi nhà thơ bằng chú. Thật bất ngờ, đúng 10 ngày sau (20-10) tôi nhận được thư trả lời của ông. Thư có đoạn: "Bài “Thơ trong hành trang chiến sĩ”, chú đã đem đọc trong một cuộc họp các bạn làm thơ và yêu thơ ở Nha Trang. Mọi người (trong đó có nhiều cựu chiến binh) rất cảm động vì bài báo đã nói hộ cái điều mà các thế hệ đi trước đã cảm, đã nghĩ và đã hành động: “Thơ là người bạn thân thiết, thủy chung trong hành trang của mỗi người chiến sĩ”.
Tiếp theo đó, nhà thơ Giang Nam còn cho tôi biết rõ hơn về hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Nghe em vào đại học”. Cùng với những tình cảm ấm áp đó, nhà thơ Giang Nam còn gửi cho tôi tập trường ca “Sông Dinh mùa trăng khuyết” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2002. Đây là tác phẩm được nhận giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa (năm 2002).
Giữa tháng 6-2005, khi biết tin nhà thơ Giang Nam vừa vượt qua một ca đại phẫu thuật tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, tôi đã viết thư thăm hỏi và chúc nhà thơ sớm bình phục sức khỏe. Một tuần sau, tôi nhận được thư hồi âm của ông, trong đó có đoạn: “Chú đã nhận được tờ Báo Quân đội nhân dân ngày 20-6-2005 có bài “Báo giúp bạn yêu thơ gần nhau hơn” sau khi vừa mổ tim xong, đang ở trong bệnh viện để theo dõi... Chú gửi tặng Khánh tập hồi ký “Sống và viết ở chiến trường” coi như món quà đầu tiên sau khi về và tiếp tục điều trị...”. Tôi coi hai lá thư và hai tập sách là những món quà quý, luôn giữ rất cẩn thận những kỷ vật này.
Hơn 6 năm sau (tháng 4-2011), lần đầu tiên tôi được gặp nhà thơ Giang Nam. Trong chuyến đi xuyên Việt cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa năm ấy, khi dừng chân tại TP Nha Trang, tôi ghé thăm gia đình ông tại số 46, đường Yersin và được ông dành thời gian trò chuyện thân mật. Trước lúc chia tay, con gái ông đã chụp cho chúng tôi những tấm ảnh kỷ niệm...
Khi đặt bút viết những dòng này, tôi chợt nghĩ: Nếu ngày đó mình không mạnh dạn “làm quen” với nhà thơ Giang Nam thì làm sao có cơ hội để cảm nhận được những tình cảm nồng ấm và sự trân trọng của một nhà thơ đã rất nổi tiếng dành cho một độc giả yêu thơ. Phải chăng đó là một cơ duyên, như những người yêu thơ thường gọi đó là duyên thơ.
Bài và ảnh: LÊ AN KHÁNH