Và để làm được điều đó, lẽ đương nhiên họ phải bắt đầu từ đơn vị nhỏ nhất là từ hay từng chữ một trong mỗi câu thơ. Việc dụng chữ là một thú vui “tao nhã” nhưng lắm công phu của giới cầm bút nói chung và những người làm lục bát nói riêng. Dụng chữ có nhiều biểu hiện.

Thứ nhất, tạo nhãn tự cho câu thơ. Nhãn tự là một từ uyên thâm chứa đựng toàn bộ cái thần, cái hồn của câu thơ. Nếu thay nhãn tự bằng một từ khác thì câu thơ sẽ mất đi giá trị nghệ thuật, từ một câu thơ xuất sắc trở thành một câu thơ bình thường. Các học giả hay bàn nhiều đến nhãn tự trong các thể loại thất ngôn, ngũ ngôn, tứ tuyệt… Với thể lục bát, nhiều nhà thơ cũng đã tạo nên những nhãn tự in đậm trong tâm trí bạn đọc. Trong bài lục bát hiếm hoi của mình (số bài lục bát trong đời thơ đếm trên đầu ngón tay), Tú Xương đã viết hai câu lục bát khiến mọi người chỉ còn biết ngả mũ bái phục: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” (“Sông lấp”). Chữ “vẳng” là nhãn tự của câu thơ và của cả bài thơ. Nó gợi nên âm thanh vừa thật, vừa mơ hồ (tiếng ếch hay tiếng gọi đò), vừa gần gũi, vừa xa vắng (vừa nghe bằng thính giác vừa cảm nhận bằng tâm tưởng). Chữ "vẳng" đã diễn tả rất sâu tâm trạng thương nhớ con sông một thuở giờ đã “chỗ thành bờ ruộng, chỗ trồng ngô khoai” của Tú Xương. Chữ “vẳng” đó cũng là niềm thán phục, vừa là cái đích để Tản Đà hướng tới. Trong tự bạch của mình, người thi sĩ của núi Tản sông Đà bộc bạch rằng cả đời chỉ có một lần địch nổi thơ Tú Xương. Thật trùng hợp đó cũng là một câu lục bát và cũng bắt đầu với phụ đầu âm “v”. Đó là hai câu thơ: “Vèo trông lá rụng đầy sân/ Công danh phù thế có ngần ấy thôi” (“Cảm thu, tiễn thu”). Chữ “vèo” gợi nên cái chớp mắt của chiếc lá về cội và thời gian của đời người. Tứ thơ xuất thần trong một sát na đốn ngộ trong Phật giáo của Tản Đà được truyền tải tài tình bởi chữ “vèo”. Là một trong những người kế thừa y bát lục bát của dân tộc, Tố Hữu cũng có những nhãn tự để đời, tiêu biểu là chữ “xanh” trong câu thơ: “Trâu về xanh lại Thái Bình/ Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi” ("Việt Bắc"). Chữ "xanh" đã làm rất xuất sắc công việc chuyển nghĩa của mình: Niềm hy vọng vào ấm no hạnh phúc của nhân dân ta sau chiến thắng Điện Biên .  

Thứ hai, tạo ra “trường” liên hoàn để làm nổi bật nét đa nghĩa, đa sắc của một từ hoặc một cụm từ đồng nghĩa. Tố Hữu trong hai câu thơ kinh điển: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng” ("Hoan hô chiến sĩ Điện Biên") đã miêu tả một lúc 5 màu sắc (xanh, hồng, lam, trắng, vàng) một cách tài tình khéo léo. Và càng tài hơn nữa khi trong khổ thơ miêu tả bức tranh tứ bình thiên nhiên Việt Bắc hết sức quen thuộc với bạn đọc cả nước, ông đã đưa việc miêu tả màu vàng lên một tầm cao mới: "Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng/ Ngày xuân mơ nở trắng rừng/ Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang/ Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình/ Rừng thu trăng dọi hòa bình/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung" ("Việt Bắc"). Thoạt nhìn, chúng ta chỉ thấy có một chữ vàng miêu tả rừng phách. Nhưng đọc kỹ chúng ta sẽ thấy thêm ba màu vàng nữa được nhà thơ ẩn đi khéo léo. Đó là màu vàng của nắng chiếu vào thắt lưng, màu vàng của măng được người em gái hái và màu vàng của trăng thu. Cách cảm thụ màu vàng của nhà thơ cũng thật tài tình. Nắng vàng cảm nhận đằng sau lưng, rừng phách cảm nhận trước mặt, măng thì cúi xuống và trăng thì ngẩng đầu trông. Bốn màu vàng của bốn sự vật thuộc bốn mùa được cảm nhận theo bốn cách khác nhau. Tất cả hòa quyện vào nhau sinh động như gợi nên cảnh vật trước mắt bạn đọc. Chỉ có nhà thơ thật sự tài hoa mới có thể viết nên những câu thơ như thế.

Thứ ba, chơi chữ. Chơi chữ phần nhiều gắn liền với tiếng cười, đó có thể là nụ cười kín đáo, ý nhị hay bộc trực sảng khoái, tếu táo, giễu cợt hoặc thâm thúy sâu cay. Chơi chữ cũng có nhiều cách. Ví như liệt kê ra những sự vật, hiện tượng cùng thuộc một “trường” nhất định nhằm biểu đạt một vấn đề cụ thể. Nhà thơ Tản Đà, người nổi tiếng với những bài phong dao đẫm chất trữ tình, trong một lần hiếm hoi đã viết bài lục bát trào phúng “Ếch mà”: “Phượng kêu trái núi bên tê/ Rồng bay bốn bể nhạn về nơi nao/ Cánh bằng đập ngọn phù dao/ Đầm xa tiếng hạc lên cao vọng trời/ Ao thu lạnh lẽo sự đời/ Cành sương ngọn gió bời bời lá tre/ Lắng tai ếch những ngồi nghe/ Tiếc xuân, cuốc đã gọi hè, ai thương?/ Chàng ve khóc đòi ăn sương/ Cô oanh học nói như nhường công tai!/ Nỏ mồm chú khướu hót ai/ Vì ai bác cú đêm dài cầm canh?/ Canh khuya cậu vạc mò ăn/ To mồm xơi cắp là anh quạ đùng!/ Diều hâu rít lưỡi giữa đồng/ Tắc kè nghiến lợi, thạch sùng chép môi/ Gáy đâu! Gà mái nhà ai?/ Mèo gào chó hú, trên trời lợn kêu/ Ếch nghe cũng đã đủ điều/ Ếch trông cũng đã đủ nhiều trò vui’’. Điểm thú vị của bài thơ là đã liệt kê ra hàng loạt con vật từ cao quý đến bình thường rất quen thuộc trong đời sống sinh hoạt và văn hóa người Việt như rồng, phượng, nhạn, gà, chó, mèo... Qua ngòi bút điêu luyện của Tản Đà, các con vật hiện lên với dáng vẻ sinh động, đúng với tập tục sinh hoạt của chúng. Quan trọng hơn, thông qua việc khắc họa những con vật ấy, mượn cái tứ “ếch ngồi đáy giếng” của người xưa, Tản Đà, một mặt tự trào mình, một mặt vẽ nên xã hội nhí nhố những năm đầu thế kỷ 20 khi mà những giá trị cũ đã phai nhạt và những giá trị mới chưa hình thành.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu lại có cách chơi chữ toàn phụ âm đầu khá độc đáo. Trong chùm thơ viết cho thiếu nhi, ông sử dụng các từ có phụ âm đầu giống nhau. Bài “Đom đóm”, từ nhan đề đến các câu thơ đều bắt đầu bằng chữ Đ: “Đỉnh đèo đá đã đêm đen/ Đom đóm đủng đỉnh đeo đèn đi đâu/ Đong đưa đèn đỏ đeo đầu/ Đêm đêm đom đóm đi đâu đỏ đèn/ Đỉnh đèo đá đã đêm đen...” hay bài “Mùa măng” tất cả được bắt đầu bằng chữ M: “Mùa măng mở mắt mong mưa/ Mầm mầm mập mạp mởn mơ mỡ màu/ Mỗi mùa măng mọc mỗi mau/ Mẹ măng may mải mũ màu mừng măng”. Cách chơi chữ của nhà thơ thú vị ở chỗ vừa sử dụng một chữ giúp dễ nhớ, lại vừa có nội dung phu hợp với trẻ con. Bài “Đom đóm” giúp các em thiếu nhi hiểu được đặc trưng của con vật gắn liền với tuổi thơ nơi “đồng chiều cuống rạ”, bài "Mùa măng" vừa gợi nên đặc điểm của măng, vừa gợi nên tình mẫu tử, dạy các bé biết quý trọng, yêu thương người thân trong gia đình.

Nhà thơ Tố Hữu, cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, cũng có những bài lục bát chơi chữ hóm hỉnh. Trong thiên trường ca “Nước non ngàn dặm”, khi miêu tả phút giây bịn rịn chia tay kẻ ở người về giữa người con trai miền Bắc với đồng bào miền Nam, nhà thơ hạ bút viết hai câu thơ: “Chia tay lưu luyến mắt nhìn/ Sầu riêng bịn rịn nhớ miền Nam xa”. Từ “sầu riêng” dùng trong trường hợp này rất đắc địa, vừa mang nghĩa danh từ dùng để chỉ một trong những loại quả nổi tiếng của miền Nam, vừa mang nghĩa tính từ diễn đạt tâm trạng của tác giả. Trong một lần đến thăm huyện Như Xuân, Tố Hữu có làm bài thơ “Như Xuân” trong đó ông sử dụng cách chơi chữ này: “Như Xuân tươi mãi vẫn là Như Xuân”. Bằng thủ pháp này, nhà thơ bày tỏ mong muốn huyện Như Xuân phát triển, có một tương lai tốt đẹp như chính tên gọi của mình. Thủ pháp này cũng được Tố Hữu sử dụng trong bài "Chợ Đồng Xuân" nhưng với dụng ý ngược lại: “Đồng Xuân ơi, đến chưa thời Đồng Xuân”. Nhà thơ tỏ ý không hài lòng khi thấy khu chợ nổi tiếng nhất của Thủ đô vẫn phát triển chưa tương xứng với sự kỳ vọng của mọi người.

Dụng chữ trong lục bát nói riêng và trong thơ ca nói chung là công việc nhọc nhằn nhưng cũng đầy vinh quang của các nhà thơ. Đây là cách nhà thơ thể hiện rõ nhất cái tài thơ của mình. Không có thực tài thì không thể làm được.

TÂM ANH