Cần bốn tiền đề để tạo nên đối thoại: Hiểu biết, nét riêng bản sắc, bình đẳng và biết lắng nghe. Qua đối thoại, người ta sẽ làm giàu, bổ sung cho nhau bằng cái mới, cái khác, cái lạ. Cho nên đối thoại chấp nhận ý kiến nhiều chiều với những cật vấn, tranh luận, phản biện. Người hạnh phúc là người được đối thoại, được nói ra đúng ý mình, được trao đổi, sẻ chia, và ngược lại. Nhờ đó mỗi người được mài sắc thêm cái tôi, giàu có thêm tri thức, năng động, nhạy bén hơn. Đấy là cơ sở cho sự cộng cảm, thấu cảm lẫn nhau để thân ái, hòa nhập, cùng phát triển.

Thực ra trước nay, vai trò của đối thoại vẫn là bản chất của cuộc sống, làm nên cuộc sống, như Mác nói: “Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”. Để xây dựng “những mối quan hệ xã hội” lại là nhờ đối thoại, cho nên đối thoại mang tính người rõ nhất, qua đối thoại con người mới ngày một hoàn thiện bản thân rõ ràng nhất. Một người có cơ hội đối thoại với nhiều người, người đó càng có nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc nhân lên hạnh phúc. Cuộc đời hạnh phúc sẽ mãi là những cuộc đối thoại nối nhau…

Các nhà triết học vẫn hay tranh cãi xem trong xã hội, giới nào, nghề nào hạnh phúc nhất, cuối cùng đều đồng thanh: Nghề dạy học là nghề hạnh phúc nhất. Vì là nghề được đối thoại nhiều nhất...

Càng toàn cầu hóa càng cần đến tri thức, bởi nếu không được trang bị kiến thức thì con người dễ sa vào tình trạng hoang dã, do không có những ứng xử tối thiểu trước sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của khoa học. Cha ông ta thật sâu sắc khi dạy: “Nhân bất học bất tri lý” (người không học không biết lý lẽ ở đời). Cho nên còn gì hạnh phúc hơn nghề dạy học, vừa được tích lũy tri thức của nhân loại, vừa được đem tri thức ấy nhân lên sự hiểu biết ở học trò. Đúng là hai lần hạnh phúc, được hiểu biết và được san sẻ!

Đối thoại phải có nét riêng vì người ta luôn quan tâm chú ý đến cái riêng, cái khác của người đối thoại. Người thầy thật sự hạnh phúc vì bản thân họ đã phải là một cá tính sáng tạo, một tấm gương nhân cách. Học trò sẽ soi vào tấm gương ấy để học tập, trau dồi, để phát triển cá tính, nhân cách mình.

Để có đối thoại phải có sự chân thành bình đẳng, không phân biệt đối xử, không ép buộc. Từ góc nhìn này cũng thấy nghề dạy học là nghề hạnh phúc vì giáo dục hiện đại luôn hướng tới tinh thần dân chủ. Thầy ra thầy, trò ra trò, đó là sự đương nhiên về đạo lý. Nhưng xét về bản chất khoa học thì để trò phát triển tốt nhất, nhiệm vụ của người thầy là khơi gợi, là đánh thức nhận thức, chỉ ra con đường đi riêng phù hợp với nhân cách trò, không ai giống ai. Trò sẽ đối thoại, phản biện với thầy về chân lý để tìm ra con đường ngắn nhất, hợp lý nhất. Đây là con đường tối ưu để phát triển tư duy người học theo định hướng của người thầy. Qua đó mỗi trò sẽ bộc lộ tinh hoa, và người thầy một lần nữa lại được kết tinh những tinh hoa đó. Còn nghề nào hạnh phúc hơn?

Người hạnh phúc là được người khác lắng nghe mình. Điều này lý giải vì sao những đôi tình nhân nói chuyện cả ngày, mấy ngày không chán, không mệt, vì lẽ đơn giản là những chuyện nói ra, dù chẳng có nội dung đều được lắng nghe chăm chú… Người thầy cũng hạnh phúc nhất vì được hàng chục, hàng trăm, rồi nhiều thế hệ hứng thú nghe, tiếp thu tiếng nói của mình. Người thầy lại càng hạnh phúc hơn khi được nghe những tiếng nói từ trí tuệ, tâm hồn trò…

Thật đúng khi cho rằng: Nghề dạy học là nghề hạnh phúc nhất trong những nghề hạnh phúc!

NGUYÊN THANH