Sấu vàng cuối vụ mang trong mình những dự cảm tự nhiên nhất về sự chuyển giao của thời tiết, cũng là lúc con người dễ chạm vào nỗi xao xuyến với kỷ niệm đã trôi dần trong ký ức.
Tôi còn nhớ, mỗi độ thu về trong gió heo may, buổi chợ sớm của mẹ tôi bao giờ cũng bắt đầu từ sạp hàng rau dưới gốc đa đầu chợ. Dưới sạp hàng của bà cụ bán rau, ngoài những mớ rau xanh, quả bầu dài, quả bí tròn tròn, còn đặt bên cạnh cái rổ tre nhỏ có đựng những quả sấu cuối vụ tròn xoe, vỏ vàng hanh hao.
 |
Ảnh minh họa: NLĐ |
Bà cụ chẳng mời chào khách bao giờ. Rau bán theo mớ, sấu bán theo lon. Cứ vậy, bà cụ miệng cười móm mém, tay cần mẫn giã trầu, để mặc cho khách lựa chọn, trả giá, rồi gói ghém mang về.
Ấy vậy thôi nhưng sạp hàng của bà cụ bao giờ cũng đông khách. Vì cả khu chợ quê nhỏ bé ấy, chỉ có bà mới có sấu cuối vụ để bán. Mà sấu của bà bao giờ cũng tròn lẳn, không dập nát, cứ nung núc trong rổ tre như mời gọi người mua. Thêm một lý do nữa là các thức khác có thể có sẵn, kéo dài trong năm nhưng riêng sấu cuối vụ thì chỉ có thể lựa trong thời khắc giao mùa đôi ba tuần ngắn ngủi ấy. Vậy nên, mỗi buổi chợ sớm, nếu không nhanh chân, người mua hàng chỉ còn biết lắc đầu tiếc rẻ khi những quả sấu cuối cùng được lấy ra khỏi rổ.
Sấu chín là thứ quà đặc biệt, thế nên người ta có thể chế biến bao món ăn vặt hấp dẫn cả người lớn và con trẻ. Gội qua nước thời gian của những ngày nắng hè, sấu cuối vụ không còn chua cái vị chua đằm, bù lại hương vị trở nên thanh thoát hơn. Quả sấu chín ấy, chỉ cần xoa sạch lớp vỏ ngoài vốn dĩ đã láng mịn là đã có thể cắn một miếng đủ làm lớp thịt sấu tan ra trong miệng vị ngọt thanh, chua dịu. Cuối cùng, xâm chiếm nơi vị giác chỉ còn là cảm giác ngọt ngào.
Dù vậy, sấu cuối vụ sẽ ngon hơn khi được chế biến qua đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ. Sấu chín cuối vụ có thể làm nhiều món ăn vặt khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là sấu dầm. Để làm món sấu dầm, mẹ tôi dùng con dao nhỏ cạo sạch lớp vỏ bên ngoài. Lớp vỏ được cạo bỏ phải vừa đủ mỏng để lộ phần thịt sấu vàng thơm, không được lạm quá sâu vừa lãng phí, vừa mất đi màu vàng đặc trưng của sấu chín. Sau khi cạo vỏ, mẹ tôi bắt đầu khứa lớp thịt sấu theo hình trôn ốc.
Đôi tay khéo sao cho con dao chỉ đi một đường duy nhất từ đầu đến cuối quả để tách phần hạt sấu ra một cách nhẹ nhàng. Công đoạn này tưởng vậy mà không hề dễ, tôi đã đôi lần thử nhưng lớp thịt sấu thường đứt giữa chừng, vụn ra thành từng mảng chứ không liền mạch như mẹ làm.
Sấu sau khi được khứa đều, ngâm trong nước muối loãng sẽ được vớt ra để ráo. Mẹ tôi cho ra bát rồi bắt đầu trộn đường và ớt vào theo công thức riêng. Những miếng sấu mỏng manh, xoáy đều hình trôn ốc ngấm dần gia vị thêm đanh chắc được cất lên nóc chạn bát. Nơi ấy, mùa thu dường như trở nên dịu dàng hơn, háo hức hơn trong mắt con trẻ.
Chỉ ít phút sau, đĩa sấu dầm được bày ra trên chiếc chiếu cói. Sau khi lễ phép mời người lớn, tôi bỏ miếng sấu dầm vào miệng, cùng tiếng vỡ giòn là vị chua ngọt, thanh thanh quyến rũ, vị cay tê tê nơi đầu lưỡi. Nhà đông con, món ăn vặt chiều chuộng con trẻ chỉ cần vậy cũng đủ làm rộn lên những tiếng cười trong căn nhà nhỏ ngày thu năm ấy.
Tản văn của NGUYÊN ĐỨC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.