Những chàng trai vừa mới mười tám, đôi mươi đã phải xếp mộng bút nghiên để có mặt nơi chảo lửa của cuộc chiến. Tạ, Cường, Sen, Bình, Hải, Tú và sau này là người em út Tấn-những nhân vật trong Tiểu đội 1 bám trụ còn lại trong cuộc chiến 81 ngày đêm. Họ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thành cổ, đây cũng chính là tinh thần mà đạo diễn Đặng Thái Huyền muốn truyền tải đến với từng diễn viên của mình trong bộ phim "Mưa đỏ". Hành trình chuẩn bị cho lời thề quyết tử ấy được ê kíp đoàn làm phim, đặc biệt là các diễn viên chuẩn bị vô cùng chặt chẽ, công phu. “Khi chúng tôi nhận thông tin sẽ đi huấn luyện như những tân binh, điều đầu tiên tôi mường tượng là sẽ được ăn ngủ cùng các chiến sĩ, được huấn luyện như họ. Nhưng thực tế thì không phải vậy, chúng tôi được tập trung và huấn luyện riêng với cường độ khá căng, ai cũng hứng khởi vì đã xác định ngay từ khi casting phim”, diễn viên Gia Huy (vai Tấn) chia sẻ.

Poster giới thiệu phim “Mưa đỏ” của Điện ảnh Quân đội nhân dân. 

Với đặc thù dòng phim chiến tranh có sử dụng vũ khí, khí tài và các tư thế vận động trong chiến đấu nên bắt buộc diễn viên phải được huấn luyện, trải nghiệm thực tế; thời gian luyện tập ở cường độ cao, do vậy các diễn viên phải hết sức tập trung. Không chỉ huấn luyện về kỹ năng, họ phải tập thoại cùng nhau với yêu cầu là khi ra trường quay không được dùng đến kịch bản (một yêu cầu khá nghiêm ngặt từ ê kíp làm phim). “Ngày thì chúng tôi huấn luyện thể lực, kỹ năng như một người lính, tối đến mọi người ngồi học thoại và tập thoại với nhau, khá mệt, cũng có lúc oải, nhưng sự quyết tâm được tham gia bộ phim đã thôi thúc chúng tôi cố gắng”, diễn viên Nhật Hoàng (vai Cường) bày tỏ.

Thành quả ấy được kiểm nghiệm trước ngày bấm máy khoảng hơn một tháng, các diễn viên được làm quen với phim trường, được tập duyệt với từng phân đoạn của kịch bản, kết hợp cùng máy quay, sau đó cùng ngồi với nhau để xem lại, phân tích và rút ra những bài học cho riêng mình. Đặc biệt, việc để cho các diễn viên tiếp cận với quả nổ, với súng đạn giúp họ có cảm giác quen dần trước khi vào phim.

Những ngày quay đầu tiên là những ngày thử thách của Tiểu đội với cái rét như cắt da cắt thịt giữa mùa đông giá buốt ở Quảng Trị. Những cụm cảnh bơi lội, dầm mình dưới nước hàng giờ có lẽ là nỗi ám ảnh đối với từng diễn viên. Đình Khang (vai Tú) nhớ lại: “Tôi có cảnh quay phải nằm trên một chiếc bè chuối thả trên sông Thạch Hãn, sau đó bè bị nổ tung. Hôm đó trời lạnh lắm, chúng tôi dùng đủ mọi cách để giữ ấm như uống nước gừng, uống nước mắm... nhưng không ăn thua gì với cái lạnh, nhiều lúc gồng mình lên để cho người đỡ run, cố gắng hết mình để hoàn thành cảnh quay”. Vai Sen là một trong những thử thách khá đặc biệt mà đạo diễn gửi gắm cho diễn viên Hoàng Long, đây là một nhân vật có nhiều diễn biến tâm lý phức tạp, nội tâm và cả nổi loạn. Hoàng Long chia sẻ: “Nó ám ảnh tôi ngay cả trong lúc ăn, lúc ngủ. Đến giờ, khi nhắc lại vai diễn, tôi vẫn bị sởn gai ốc lên vì nhân vật. Tiếng hú hét của Sen là cảnh khó nhất trong vai diễn này".

Mỗi nhân vật trong Tiểu đội là một tính cách và màu sắc khá đặc biệt, đôi khi lạnh lùng, gan dạ, có lúc lại mơ màng, nghệ sĩ như Bình, Cường (một họa sĩ và một nhạc sĩ của Tiểu đội). Tưởng rằng mọi thứ có thể làm khó những diễn viên thuộc thế hệ gen Z, nhưng thật bất ngờ, họ đã hoàn thành vai diễn của mình khá ấn tượng.

Có lẽ lời thề mà những người lính hô vang trong phim đã nói lên tất cả tinh thần của lớp lớp thế hệ cha anh đã ngã xuống giữa mảnh đất Quảng Trị anh hùng: “K3 Tam Sơn còn, thành cổ còn”. Đây là cụm cảnh quay hứa hẹn sẽ lấy đi nước mắt của khán giả trong sự im lặng đáng sợ của chiến trường, trong phút thảnh thơi duy nhất của cuộc chiến, họ đã hô vang tinh thần quyết tử ấy. Ngay sau đó là phút giây sinh tử.

Sự hy sinh anh dũng của các nhân vật trong Tiểu đội cũng là bản hùng ca đậm chất anh hùng cách mạng. “Cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ của chúng ta không vô ích, cuộc chiến đấu ấy sẽ mãi đi vào lịch sử non sông, hãy nắm chắc tay súng, không nản chí, không đầu hàng, kẻ thù đang run sợ. Chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về chúng ta!”, đó là những lời nhắn nhủ cuối cùng của Hải trước khi anh hy sinh.

NGUYỄN QUANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.