Vị kiến trúc sư này đã ví Hồ Gươm như chiếc đèn kéo quân. Tôi đi theo dòng xe xoay quanh hồ không ngừng nghỉ và thấy mình cũng như một hình cắt giấy ghép vào muôn hình trạng những người, những xe đi quanh mãi ấy.

Đèn kéo quân Hồ Gươm. Đèn kéo quân Hà Nội. Có thể liên tưởng điều này khi quan sát từ hồi bình thường chưa dịch bệnh để thấy mỗi ngày Hà Nội có một vòng quay khổng lồ với những luồng người đông nghịt đi vào phía nội đô, chiều tối về lại chính là dòng chảy đông đúc ấy từ trong thành phố trôi ra, lan theo các phố dài về nhiều khu vực lân cận, những vùng ven và cả các huyện ngoại thành. Chiếc đèn to lớn ấy xoay vòng bao nhiêu là nghĩ ngợi, tâm tư, bao mồ hôi mưu sinh, lo toan và buồn vui thường nhật.

Minh họa: LÊ HẢI 

Tôi đặc biệt nhớ những buổi tối chiến thắng, trái bóng theo đường sút Việt Nam tung lên bàn thắng chung của triệu trái tim. Những dòng người từ đâu sao đông thế cứ cuồn cuộn về Hồ Gươm. Màu đỏ áo, cờ, sắc vàng những ngôi sao, những trái tim hình sao trên ngực áo dội rung lên tiếng hò reo. Rất nhanh, rất sôi sục, những hình cắt cộng đồng chồng chồng lớp lớp ấy quấn quanh hồ thiêng, chật những phố lớn rồi tỏa đi thanh âm rộn rã về các nẻo.

Hàng Mã phố, cũng như một chiếc đèn đặc biệt bên cạnh đèn Hoàn Kiếm, giữa đèn Thủ đô rực rỡ. Những tối dịp Trung thu, vạn bước người đi trên con phố hẹp nơi rực sáng, nơi lung linh, ồn ã như một ngày hội, đích thực là ngày hội. Tôi cứ nghĩ về những mâm ngũ quả và thời khắc phá cỗ tưng bừng dưới những mái nhà quây quần hay trên sân thượng, ban công xanh mát huyền ảo, mà ngẫm rằng đó là thời điểm quan trọng nhất của tối trăng rằm đã từ cổ truyền đi vào hiện đại. Đúng thôi, nhưng lớn lên càng nhận ra, những lúc vòng quay mỗi người, vòng quay trăm, nghìn, vạn con người vào phố, đi mua quà bánh, đi nhìn ngắm, chính là phần không thể thiếu của mùa Trung thu. Nó khiến không khí rằm tháng tám mỗi mùa thu se se thực sự trở nên những ngày hội.

Và thế thì bao nhiêu dòng chuyển, bao nhiêu vòng quay khác từ các vùng miền xung quanh ùa về Hà Nội, từ các làng đắp mặt nạ, dán đèn ông sao, làm đầu sư tử, những làng đóng chiếc trống nhỏ đưa về Hàng Mã, về những phố hàng trung tâm Hà thành, đã cùng làm nên sông suối lớn của ánh sáng mùa trăng Trung thu. Đó như vòng quay chóng vánh của quãng thời gian ít ngày mà đời thường bỗng hóa mộng mơ. Những ước ao lung linh thần thánh, lung linh vũ trụ trong mắt trẻ thơ, trong cả nỗi lòng bao con người đã đi qua tuổi thơ, đi hết thời tuổi trẻ.

Trung thu này, phố giăng kín những đèn, những mặt nạ, những tiếng trống, tiếng người, tiếng nhạc đã lặng. Hồ mát xanh đã lưa thưa vắng. Những đường dẫn vào Hà Nội nhớ xe chở đồ chơi dân gian mang về cho con trẻ. Trống trải một không khí hội, một không gian quy tụ mà các dịp thường ngày không thể nào có được.

Nhưng điều đó có nghĩa là, bao nhiêu hò reo, huyên náo sẽ đọng lại, sẽ dồn cả vào phút giây trăng lên trong mỗi gia đình, mỗi lòng người. Trong cả những tâm tư đang không ở bên gia đình mình vì còn mải bộn bề chống dịch nơi bệnh viện, trên biên giới, ở những chốt trực. Trong cả những thân phận giữa cảnh tha thương. Rằm tháng tám này, hứng ánh trăng bao la làm nỗi nhớ thương, làm điều hoài niệm và mong ước. Ánh trăng như cùng người đằm lại để trân quý hơn những giây phút sống, nhận rõ hơn giá trị sống của từng người trước chính bản thân, trong lòng gia đình và giữa cộng đồng.

Và từ đó, sẽ nhận ra ánh sáng mặt trăng, là ánh đèn trong trẻo của mỗi con người, mở ra, soi sáng.

Tản văn của TÚ NHI